Giàu, nghèo đều... hạn
Bất chấp những lời khuyên can của một số người bạn, chị Duyên - một công chức ở Hà Nội - vẫn quyết định sẽ đi coi bói. Được sự giới thiệu của cô em họ, chị tìm đến thầy Ngô Văn A - một ông thầy nghe nói là rất “thiêng” ở xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên để xem vận. Nhưng sau đó, chị cứ như người mất hồn, lúc nào cũng bần thần và lo lắng. Chị kể: “Thầy phán: Thằng lớn nhà mình năm nay gặp sao Thái Bạch rất nặng, nếu không giải ngay e sẽ nguy đến tính mạng. Mình sợ quá, đang phải gấp rút chuẩn bị lễ đến nhờ thầy “độ” giúp”.
Theo phong tục, vào các ngày tết, các gia
đình thường đến đình, chùa cầu phúc
Không quản đường xa để đón cho được ông thầy có tiếng từ Cao Bằng về Hà Nội, anh Long được thầy “sấm” rằng chỉ có lập đền thờ tại gia và thành tâm ăn chay trong một năm thì mới tránh được cái họa “sát thân”, bởi lẽ anh quá... nặng căn. Dù thầy đã xét đến hoàn cảnh khó khăn, song số tiền cho những cuộc “giải căn” cũng lên tới vài chục triệu đồng khiến anh thêm nỗi lo.
Sẵn tiền bạc, lại sùng tín, không ít người dân thủ đô còn tìm về các vùng miền xa xôi, nơi có những thầy rất “cao tay” để: “Ai có hạn thì giải hạn, ai không có thì cầu may, cho gia đình an khang thịnh vượng” - chị Duyên cho biết thêm. Bởi vậy, dù bắt đầu công việc, song nhiều người vẫn tranh thủ thời gian đến tận cửa đền nhờ vả các thầy hoặc rước thầy về tận nhà giải.
Lao đao vì giải hạn
Quan niệm “có thờ có thiêng, phải có kiêng có lành”, chị H - một nông dân xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm đã phải bán mấy chỉ vàng dành dụm được để... tìm thầy, mua lễ và đổi chỗ an nghỉ cho các cụ vì nghe đâu mồ mả bị “động”, “phải thành tâm thì các cụ mới phù hộ cho ăn nên làm ra, chứ không sẽ lụi tàn mãi” - chị H cho hay.
Còn chị Đông - quê ở huyện Mỹ Đức - cũng cho biết: “Thầy dặn sắm lễ, nhưng nhà thì không có nhiều tiền. Trình bày và nhờ thầy gỡ giùm thì được thầy giảm cho vừa đủ số tiền, vậy là miệng ăn của bốn người trong một tháng đã bay theo cái lễ mất rồi”. Không biết rồi cái vận hạn của gia đình có được giải thế nào, không biết sự nghèo khó mấy đời của chị sẽ chấm dứt bao giờ, nhưng trước mắt, chị Đông phải đối mặt với những tháng ngày vay dạm để lo cho bốn miệng ăn trong nhà.
Còn không ít những gia đình rơi vào cảnh ngộ “đói lòng, nhưng lễ phải đầy” như thế. Quá chạy theo những tín nghi, lễ bái, con người ngày càng vật chất hóa đời sống tâm linh. Thực tế, nhiều người tự gắn cho mình cái vận vào thân và lo lắng, lâu ngày u uất đâm phát bệnh. Mà hạn có giải xong thì cũng lao đao vì những khoản tiền lễ bốc khói lên giời và... bay vào túi thầy.
Nguồn tin: Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự