250 tỉ thiệt hại mỗi ngày vì tai nạn do bia rượu
Tôi viết những dòng này khi vừa rời trường quay của Đài truyền hình Việt Nam sau buổi ghi hình với nhà báo Hồng Cư về chủ đề văn hóa đọc trong chương trình Café Sáng dự kiến sẽ phát vào 09/05 tới.
Tôi muốn viết một số ý bởi thời lượng phát sóng của Café Sáng ngắn mà tâm huyết và những gì tôi muốn nói lại quá nhiều, nhất là năm nay chúng ta đón Tết Sách và Tháng Đọc sách lần thứ 10.
Hơn nữa hôm nay là ngày Sách Việt Nam 21/04 và 2 ngày nữa là 23/04 ngày Sách và Bản quyền Thế giới.
Chuyện tôi nghỉ FPT để lập ra công ty sách Thái Hà với 5 thành viên ban đầu, trong đó có 2 sinh viên, thì ai cũng biết. Tuy nhiên những khó khăn của đúng 10 năm về trước thì mấy ai hay.
Ngày xưa vua Minh Trị của nước Nhật mang sách vào Nhật Bản được. Ngày xưa bác Hồ kêu gọi toàn dân tập thể dục buổi sáng đã thành công thì tại sao ngày nay chúng ta lại không kêu gọi được toàn dân đọc sách?.
Nếu chúng ta thành tâm, nhất tâm, chú tâm, tín tâm, quyết tâm thì nhất định thành. Nếu đời này toàn dân chưa đọc sách thì đời con, đời cháu, đời chắt nhất định dân Việt Nam sẽ chăm đọc sách. Không lý gì cả thế giới đọc chăm chỉ mà người Việt Nam lại cứ mải mê mẩn với bia và rượu.
Năm 2017, người Việt dự kiến tiêu thụ 4 tỉ lít bia (năm 2016 trung bình mỗi người Việt uống 41 lít bia) và hơn 300 triệu lít rượu. Tỉ lệ sử dụng bia rượu của người Việt đứng thứ 2 khu vực, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới.
Theo ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm tai nạn giao thông do rượu bia gây thiệt hại trung bình 250 tỉ đồng/mỗi ngày. Không thể mãi thế này được.
Sách bản quyền và ngày hội đọc sách
Ngày mới ban đầu khó khăn lắm. Nhất là nói về việc xuất bản sách có bản quyền 100% như công ty sách Thái Hà thì ai cũng cho là không tưởng.
Chúng tôi lại lập ra cả nhà sách bản quyền để công khai công bố với bàn dân thiên hạ rằng Công ty sách Thái Hà chỉ xuất bản sách có bản quyền và chỉ phát hành sách có bản quyền, có chất lượng.
Ấy vậy mà chúng tôi đã vượt qua các khó khăn lớn như núi, để đến hôm nay vấn đề bản quyền của Việt Nam đã tốt lên rất nhiều. Ngày nay, sách lậu và sách không có bản quyền hầu như đã lép vế hẳn, không còn công khai, thách thức xã hội như 10 năm trước nữa.
Muốn hay không bạn cũng nên thừa nhận với tôi rằng nghe nhìn phần lớn vẫn là thông tin và giải trí còn sách là giáo dục và tri thức. Chúng ta không thể chỉ phát triển 1 vế mà quên đi vế kia. Hai chân phải cùng bước để đi, 2 cánh cần phải tung để bay. Không thể khác được.
Học và tự học là rất rất quan trọng. Đọc chính là tự học và không thể không quan tâm.
Tôi nhớ rằng mình đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội Đọc sách tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. May thay, anh Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng và chị Mai, Vụ trưởng vụ Thư viện đồng ý ngay.
Ngày hội Đọc sách lần đầu xã hội cũng chưa ủng hộ 100% đâu vì còn có những người nghi ngờ. Rồi lần thứ 2, thứ 3, cứ dần dần xã hội ủng hộ để Văn Miếu Quốc Tử Giám với Ngày Hội Đọc Sách đông kín bạn đọc, sách tặng cho các thư viện các tỉnh hàng chục thùng.
Không gian đọc miễn phí thất bại: Khi tiền quan trọng hơn
Lại nói về các khó khăn, năm 2015, chúng tôi có ý tưởng mở Không gian Sách và Văn hóa ở Hà Nội. Thành phố cung cấp địa điểm, chúng tôi mở không gian đọc sách miễn phí.
Thành phố đồng ý, chị Vân Anh - Phó Bí thư đảng ủy quận Long Biên đồng ý nhưng khi xuống đến phường thì tắc.
Ông Dũng Chủ tịch phường Đức Giang muốn cho thuê nhà văn hóa để người ta tập gym. Tiền vẫn quan trọng hơn văn hóa đọc. Nếu cung cấp địa điểm cho chúng tôi thì phường không thu được đồng nào.
Bao lần trình bày, bao nghiên cứu và báo cáo, rồi họp các cấp, kể cả thành phố mà vẫn quay về con số không. Ý tưởng và kế hoạch mở thư viện miễn phí tại Hà Nội thất bại.
Bài học ở đây là dù có được lãnh đạo các cấp trên cao đồng ý nhưng khi xuống cơ sở, nếu họ không thấy quyền lợi cho họ mà chỉ có lợi cho xã hội và bạn đọc thì kế hoạch có hay và tốt đến mấy vẫn phải vứt bỏ.
Thực ra chúng ta đang đầu tư rất mạnh vào kinh tế. Điều này là rất đúng. Tuy nhiên, kinh tế phát triển mà thiếu văn hóa và giáo dục thì tôi em rằng giống như người bị thiếu 1 chân.
Thành quả kinh tế có thể bị phá bỏ hay phá hủy rất nhanh nếu không có văn hóa. Để xây dựng 1 thành phố hiện đại chỉ mất 10 năm nhưng để xây dựng một thành phố văn hóa với những con người văn hóa thì có lẽ phải mất cả trăm năm.
Muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu văn hóa, mà cốt tủy của văn hóa là giáo dục. Giáo dục không thể thiếu sách và văn hóa đọc.
Hội sách Xuân 2016.
Đường sách Nguyễn Văn Bình: Một bước ngoặt lớn
Thế rồi Việt Nam có Ngày Sách Việt Nam. Phải công nhận và ghi nhận công lao của anh Nguyễn Kiểm – nguyên Cục trưởng cục Xuất bản và hiện nay là Phó Chủ tịch thường trực Hội Xuất bản Việt Nam.
Trong ngành xuất bản, tôi thấy anh Kiểm tâm huyết nhất. Tôi ủng hộ anh và làm tất cả những gì có thể để cùng anh.
Nói thật rằng nếu không có anh Nguyễn Kiểm thì không có Ngày Sách Việt Nam. Ngày tôi rất vui là khi nhận thông báo đích thân Thủ tướng ký quyết định phê duyệt ngày 21 tháng 4 là Ngày Sách Việt Nam.
Niềm vui khó tả. Niềm vui thấm sâu vào cả thân lẫn tâm của tôi, tràn ngập trong lòng. Tôi vui và thưởng cho mình 1 ly trà ngồi 1 mình trong 1 buổi tối khó quên.
Ngày xưa không có sách mà đọc. Bây giờ sách nhiều rồi cần biết phân loại sách, cần giúp bạn đọc chọn sách. Rừng sách biết chọn ở đâu.
Tôi thì luôn nghĩ đến uy tín của các nhà xuất bản và các công ty sách, rồi của các tác giả. Vậy nên nhất định phải có địa điểm quy tụ các nhà sách và các công ty sách có uy tín.
Nhưng địa điểm ở đâu, khi mà người thì khôn, đất thì hiếm và đắt. Đất kim cương đã được các đại gia mua để làm siêu thị, nhà cao cấp, shop hàng hiệu hết mất rồi.
Sự ra đời của Đường Sách Nguyễn Văn Bình tại thành phố Hồ Chí Minh là bước ngoặt. Phải nói rằng công lao lớn thuộc về bộ 3 là anh Lê Thái Hỷ, lúc đó là Giám đốc sở Thông tin Truyền thông, anh Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội Xuất bản phụ trách phía nam và chị Quách Thu Nguyệt. Tôi chỉ góp 1 chút xíu mà thôi.
Cũng phải nói đến vai trò rất lớn của anh Hứa Ngọc Thuận, lúc đó là Phó chủ tịch TP HCM và anh Võ Văn Thưởng, lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Thành phố Hồ Chí Minh .
Thật là không thể tin nổi rằng sau một thời gian quá ngắn, đường Nguyễn Văn Bình trở thành không gian văn hóa và tri thức của thành phố lớn và năng động nhất cả nước. Đúng là không gì là không thể.
Hà Nội sắp có phố thứ 37
Văn hóa đọc phải là 3 chân vững chắc gồm cách chọn sách, cách đọc sách và thói quen đọc. Để có cách đọc sách tôi xung phong dạy các lớp đọc sách siêu tốc. Có năm dạy đến 50 khóa học và buổi nói chuyện, tức trung bình mỗi tuần có 1 lớp.
Đấy. Cứ âm thầm làm, không mong chờ kết quả. Ở Việt Nam chưa hề có nơi nào, trường nào dạy đọc sách, chỉ mới dạy đánh vần. Đọc sách và văn hóa đọc không thể phát triển nếu thiếu phương pháp và kỹ năng đọc. Thật sự là vậy.
Tôi muốn nói thêm rằng, vừa rồi tôi có đến làm việc với 2 vụ là Tiểu học và Giáo dục thường xuyên của bộ GDĐT để đề xuất phát triển văn hóa đọc không chỉ trong tinh thần học tập suốt đời mà là cần bắt đầu từ tiểu học. May thay lãnh đạo cả 2 vụ này ủng hộ nhiệt liệt. Tôi mừng muốn khóc.
Nhưng để có thói quen đọc sách cần đọc nhiều và có nhiều không gian đọc. May thay 1/5 tới sẽ khánh thành Phố Sách 19 tháng 12. Đây là không gian sách thứ 2 của Việt Nam và là đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.
Đối với tôi, đây là phố thứ 37 và Hà Nội từ nay có 37 phố phường. Tôi chưa thấy lãnh đạo của Hà Nội tâm huyết về văn hóa và sách như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung.
Rồi ý tưởng về không gian sách cho Đà Nẵng, thành phố đáng sống nhất Việt Nam, thành phố lớn nhất miền trung được lãnh đạo thành phố này ủng hộ ngay lập tức sau khi tôi gửi công văn.
Tiếc tay, kế hoạch ngày 30/04 năm nay khai mạc Vườn Sách ĐN đã chưa thành hiện thực. Kế hoạch bị treo lại vì những lý do đáng tiếc.
Nhưng tôi vẫn tin rằng thành phố vốn năng động và đang đầu tư mạnh cho du lịch và đô thị, khách sạn và ẩm thực, không có lý do gì không đầu tư chút tiền Vườn Sách, cho sách và tri thức. Chỉ có điều cần thêm thời gian mà thôi. Nơi tôi vẫn còn niềm tin.
Cuộc sống vốn cần cả vật chất lẫn tinh thần. Nếu chúng ta quá coi trọng vật chất mà quên đi tinh thần thì có vẻ chưa đúng lắm. Vậy nên tôi vẫn tin các phố sách, đường sách, vườn sách, không gian sách và văn hóa sẽ còn xuất hiện trên nhiều tỉnh thành của cả nước.
Phố sách Xuân Bính Thân.
Tầm nhìn của Chủ tịch Chung và kinh nghiệm nước người
Tôi muốn nói thêm 1 tầm nhìn của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Trong các buổi làm việc với lãnh đạo cao cấp nhất của Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair, CHLB Đức, anh Chung luôn mong muốn tổ chức Hội sách lớn tại Hà Nội.
Anh Chung rất muốn phát triển tri thức và văn minh cho Hà Nội nói riêng và Việt nam nói chung. Hơn thế nữa, anh muốn Hà Nội và Việt Nam phải vươn ra thế giới.
Một kế hoạch lớn và táo bạo đã được đưa ra: Tháng 10 năm 2016, thành phố Hà Nội đã gửi văn bản đến Chủ tịch Frankfurt Book Fair mong muốn và đăng ký làm khách mời danh dự của hội sách lớn nhất thế giới này.
Mà sớm nhất thì phải 2021 Hà Nội và Việt Nam mới có thể may ra được xem xét và phê duyệt bởi năm nay 2017 đã có Pháp rồi, 2018 lại là Georgia, tức Grudia – 1 trong 15 nước thuộc Liên Xô cũ, 2019 là Na Uy, 2020 là Ca Na Đa.
Tôi mong lắm. Rất rất mong cả nước ủng hộ và hội đồng xét duyệt của Đức nghiên cứu và cho Hà Nội và Việt nam cơ hội lớn này.
Một thông tin để tham khảo: năm 2015 Indonesia làm khách mời danh dự của FBF mà sau đó khách du lịch riêng từ Đức vào quốc gia này đã tăng 300%.
Cuối cùng tôi muốn nói đến một quốc gia cạnh ta là Malaysia. Họ có Ủy ban Quốc gia về Sách và Văn hóa đọc. Họ làm hết mình để thúc đẩy ngành quá quan trọng này.
Một việc nhỏ trong đó là ngày 5 và 6 tháng 5 tới họ tổ chức chương trình lớn cho 1 ngàn tác giả và họ mời các chuyên gia trên thế giới đến nói chuyện.
May thay tôi là 1 trong các diễn giả được mời đến nói. Có lẽ tôi đến nói chuyện thì ít mà học họ thì nhiều. Học để ứng dụng cho Việt Nam vì hiện tôi là ủy viên BCH TW Hội Xuất bản Việt Nam chuyên lo cho mảng hợp tác quốc tế và bản quyền.
Indonesia có hẳn quốc sách bắt buộc các lớp học phải đọc sách 15 phút mỗi ngày trước khi vào học chính thức. Tôi cũng học theo và mấy năm nay kêu gọi chương trình "Đọc sách 10 phút mỗi ngày".
Tôi mong mỗi người dân Việt Nam mỗi ngày dành 10 phút để đọc sách.
Chỉ cần 10 phút mỗi ngày với tốc độ 1 phút đọc 1 trang thì 1 tháng cũng đọc được 1 cuốn, 1 năm đọc 12 cuốn thì sau 50 năm mỗi người Việt cũng đọc được 600 cuốn sách. Quả là không ít để bổ sung cho vốn kiến thức cho mình.
Hàn Quốc thì có chương trình quốc gia "133" tức mỗi cha mẹ, mỗi tuần phải dành 3 ngày đọc sách với con mà mỗi ngày đọc 30 phút.
Tôi cũng phát động chương trình shared reading và kêu gọi cùng nhau đọc sách. 18h00 tối ngày 20 hàng tháng, chúng tôi quây quần bên nhau với CLB yêu sách Thái Hà để cùng đọc sách. Chất lượng và hiệu quả rất cao.
Từ Ngày hội Đọc sách ban đầu nay chúng ta đã có phố sách. Từ mong muốn toàn dân đọc sách xa xưa nay đã rất nhiều người đọc sách.
Tôi còn mơ rằng mỗi gia đình, mỗi cơ quan, mỗi doanh nghiệp có 1 tủ sách nữa. Mong thì cứ mong. Kêu gọi thì cứ kêu. Còn kết quả thì không mong cầu. Nhưng chắc chắn đến. Tôi tin tưởng hơn 100%.
Hôm nay là 21/04 – Ngày Sách Việt Nam, một ngày lớn của sách và tri thức. Tôi thì ngồi nghĩ và gõ những suy nghĩ này. Còn bạn?
Nguồn tin: Soha.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự