Sản xuất ngay tại Hà Nội
Khi
được hỏi về nguồn gốc của những loại tiền này, đa số các chủ hàng trên phố Hàng
Mã đều lắc đầu không biết vì: “Tiền này chúng tôi nhập về từ một đầu mối quen”.
Một số chủ hàng thì tiết lộ đó là hàng từ Trung Quốc về vì chỉ có Trung Quốc
mới có công nghệ in đẹp và giá rẻ như thế.
Tuy nhiên, sau khi lân la bắt chuyện với một thanh niên chuyên vận chuyển hàng mã cho các cửa hàng ở đây, anh này khẳng định: “Mặt hàng này trước kia phải nhập từ Trung Quốc nhưng bây giờ ở trong nước cũng sản xuất được, việc vận chuyển khá dễ dàng vì cơ sở sản xuất ở ngay trong nội thành Hà Nội”.
Theo địa chỉ anh cung cấp, chúng tôi tìm đến làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội). Mặc dù là làng nghề truyền thống nhưng đi dọc con đường chính trong làng cũng chỉ có vài ba quán bày bán các loại vàng mã lèo tèo, với các xấp tiền được sắp xếp ngay ngắn trong tủ kính.
Bác Hà, một người dân ở làng Cót cho biết, vài tháng nay ở trong làng một số hộ gia đình đã chuyển sang in các loại tiền polymer âm phủ vì loại tiền này bán giá cao hơn tiền âm phủ trước đây, hơn nữa mặt hàng này đang đắt khách.
Các loại tiền polymer âm phủ cũng có đủ mệnh giá, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng, 500.000 đồng, thoạt nhìn qua rất giống với tiền thật vì số và chữ đều khá sắc nét, màu sắc không khác mấy với tiền thật. Khi sờ vào thì giấy mềm hơn và dễ rách hơn tiền thật.
Mỗi xấp tiền này thường có giá gấp đôi so với các loại tiền thường khác, thường từ 4.000 – 5.000 đồng/xấp, vào những ngày giáp Tết thì thường tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/xấp.
Theo một chủ quán bán vàng mã ở đầu làng Cót: “Từ ngày một số tỉnh như Bắc Ninh
cũng sản xuất vàng mã thì nhiều người dân ở làng Cót do không cạnh tranh được
nên đã chuyển sang làm nghề khác, hoặc nhập giấy về gia công. Nhưng từ khi sản
xuất loại tiền âm phủ mới này, không khí buôn bán ở đây nhộn nhịp hẳn,
nhiều khách ở tỉnh xa mang cả ôtô đến lấy hàng”.
Sản xuất tiền polymer âm phủ bằng máy in
cũ của nhà in
Theo lời giới thiệu của bác Hà, chúng tôi tìm đến cơ sở của anh K. (ngõ 259 Yên Hòa, Hà Nội). Cả căn xưởng chừng 50 – 60m2 chật kín các chồng giấy xếp cao gần tận mái nhà. Ngay sát cửa ra vào chỉ còn trống một ô vuông khoảng hơn 1m2 để đặt bàn thờ và cũng là chỗ đứng của khách.
Sau khi giới thiệu là khách mua hàng, chị M. (vợ anh K.) liền hỏi: “Mua tiền gì, lấy bao nhiêu, lấy luôn hay đặt trước. Nếu là tiền polymer thì hết hàng rồi”.
Tôi đành ngỏ ý muốn đặt hàng trước loại tiền này để bán trong dịp Tết nhưng chị M. quả quyết: “Khách hàng quen họ đã đặt hết từ lâu và số lượng quá lớn nên bây giờ không nhận thêm đơn nào nữa, vì sợ không kham nổi”.
Thấy tôi nài nỉ muốn mua loại tiền này, anh K. (chủ cơ sở) liền gợi ý bán một chiếc máy in đang tạm ngừng sản xuất vì không có công nhân làm. “Nếu em đủ vốn thì mua một cái máy về làm cho tiện, vừa đỡ mất công đi lấy, lại có lãi cao. Mặt hàng này bây giờ bán chạy lắm”.
Sau đó anh K. dẫn tôi lách qua một khe nhỏ giữa hai chồng giấy để đi vào khu vực sản xuất. Cả cơ sở của anh K. có tất cả 3 máy in, đều đã khá cũ, trong đó hai máy lớn đang hoạt động, còn một máy nhỏ hơn thì đang đóng máy.
Theo anh K., cả 3 chiếc máy này đều có thể in đủ các loại tiền, trong đó có cả tiền polymer âm phủ. Tuy nhiên, nếu muốn in loại tiền này thì phải thuê công nhân có trình độ, có kỹ thuật về in ấn vì loại tiền này phải in ba mầu, hơn nữa cách đổ mầu, pha chế cũng rất phức tạp và yêu cầu chuẩn xác. Giấy sản xuất loại tiền này cũng phải là giấy Bãi Bằng đẹp mới giống thật.
Các loại máy này nếu mua mới thì có giá khoảng vài tỷ và cũng rất khó mua vì đây là hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Vì thế, anh K. tiết lộ: “Các loại máy in tại cơ sở anh đều là máy cũ, mua lại từ các nhà máy in, sau đó đưa lên Thái Nguyên "luộc" lại rồi bán cho các cơ sở làm hàng mã”.
Tuy là hàng cũ, nhưng mỗi chiếc máy lớn cũng có giá khoảng 400 – 500 triệu đồng. Riêng chiếc máy nhỏ đang nằm đắp chiếu định bán cho tôi, anh K. chỉ lấy 200 triệu đồng vì nhỏ hơn 2 chiếc này.
Thấy tôi băn khoăn vì nhìn những chiếc máy đã quá “đát”, anh K. liền trấn an:
“Mỗi chiếc máy này nếu làm liên tục mỗi ngày chỉ 8 – 10 tiếng thì 10 năm cũng
không hỏng. Còn máy móc nếu không lau chùi, dầu mỡ thường xuyên thì tốt mấy
cũng hỏng”.
Rời nhà anh K., chúng tôi vòng qua nhà chị G., một hộ gia đình cũng có máy in loại tiền âm phủ polymer này. Nhà chị G. chỉ có một máy in tiền nhưng vì chỉ tập trung sản xuất loại tiền này nên nhà chị còn rất nhiều hàng để bán.
Tại khu vực sản xuất chỉ có máy dập và máy cắt, còn máy in thì được để ở khu vực trong nhà. Theo chị G., cơ sở của chị là nơi bán loại tiền này đẹp nhất trong làng vì máy in là hàng “xịn” nên tiền ít khi bị nhòe như những chỗ khác.
Mỗi gói tiền (gồm 100 xấp) nếu là loại đủ (100 tờ/1 xấp) thì có giá 200 nghìn, mua với số lượng nhiều được giảm 5.000 đồng/gói. Còn với gói tiền loại thiếu (60 tờ/xấp) thì chỉ có giá 120 nghìn đồng/gói.
Thấy tôi gợi ý chuyện mua máy để sản xuất, chị G. liền cản ngay: “Làm ăn cái này không dễ đâu. Không có kinh nghiệm như em làm có khi lỗ thêm. Mua máy này mất vài trăm triệu đồng nhưng nếu không biết sửa chữa thì khó mà chạy được. Hơn nữa làm tiền này phải có công nhân biết về in mới pha màu đẹp được nên chi phí rất tốn kém”.
Mặt khác, theo chị G., mặt hàng này tuy là hàng mã nhưng lại nhìn rất giống
tiền thật, vì vậy không cẩn thận dễ bị quy là làm tiền giả. Chị G. lấy dẫn
chứng một số gia đình trong làng cách đây mấy tháng cũng bị tịch thu máy, tạm
ngừng sản xuất. Vì thế, làm ăn loại tiền này cũng phải cẩn thận thì mới sống
được.
Những xấp tiền poymer âm phủ mệnh giá 500.000 đồng vừa được sắp xếp.
Tiền polymer âm phủ đang bán rộng rãi
trên thị trường.
Nguồn tin: Bee
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự