Năm nay ông Táo không lo thiếu cá chép

Thứ năm - 04/02/2010 02:12
Các tiểu thương không nên ham rẻ lấy cá sớm vì nếu chăm sóc không cẩn thận, cá có thể chết hàng loạt. Hơn nữa, nếu bán không hết cũng có thể lỗ nặng. Còn nguồn cung ở làng Yên Phụ thì yên tâm là không thiếu.

15 phút là ông Táo có cá chép

Theo nhiều tiểu thương bán cá ở Hà Nội, nguồn hàng cá chép cho Tết ông Công ông Táo được lấy từ làng cá Yên Phụ - Hà Nội.

Đây là ngôi làng vốn nổi tiếng với nghề nuôi cá cảnh. Những năm gần đây, để phục vụ cho nhu cầu cá Tết ông Công ông Táo, các hộ dân nuôi cá trong làng đã chuyển sang nuôi thêm cá chép đỏ. 

Tuy nhiên, do loài cá này chỉ nuôi theo thời vụ (một năm một lần), trong khi đó diện tích mặt nước trong làng lại không có nhiều. Vì vậy, các hộ gia đình chủ yếu nhập hàng từ các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương… rồi đem về thả nuôi tại làng trong vòng khoảng nửa tháng trước khi thu hoạch. 

Theo anh Giang (chủ cửa hàng cá cảnh 29A – Làng Yên Phụ, Hà Nội), những năm trước đây các tiểu thương muốn mua loại cá này phải lên tận Phú Thọ hoặc Hải Dương, tuy giá có rẻ hơn so với giá bán tại đây nhưng lại chi phí vận chuyển khá tốn kém, hơn nữa nếu không biết cách bảo quản cá bị chết rất nhiều. 

Vì vậy, nhiều năm nay, các tiểu thương đều đến làng Yên Phụ để lấy cá về bán. Tính tổng chi phí thì rẻ hơn rất nhiều so với về tỉnh xa để lấy.

Chị Lý (bán cá tại chợ Ngọc Hà, Hà Nội) cho biết: “Cá ở làng Yên Phụ tuy thường đắt hơn khoảng 1.000 – 2.000 đồng/con nhưng chúng tôi không phải đi xa lấy hàng, nguồn cung thì luôn dồi dào, chỉ cần 15 phút là lại có hàng ngay, không phải lo chỗ nuôi, sợ cá chết. Vì vậy, đã bán thì chỉ có lãi, chứ ít khi có chuyện lỗ”. 

Không chỉ chị Lý, nhiều tiểu thương cũng cảm thấy yên tâm khi lấy hàng ở ngay Hà Nội. Một chủ hàng khác ở chợ Ngọc Hà hứng khởi kể: “Ngày trước phải lấy hàng xa nên cứ thấp thỏm lo dậy sớm. Có những hôm để có cá bán vào đúng ngày 23, tôi phải dậy từ 12h đêm đi lấy hàng. Lấy hàng từ hôm trước về thì không có chỗ nuôi. Mà khổ nhất là lúc nào cũng nơm nớp lo lấy nhiều hàng không bán hết thì lỗ, lấy ít thì không bõ công”. 

Làng "cá ông Táo"

Để phục vụ cho Tết ông Công ông Táo năm nay, nhiều gia đình ở làng Yên Phụ đã nhập hàng chục tấn cá chép đỏ về nuôi từ cách đây nửa tháng.

Anh Giang (chủ cửa hàng cá cảnh 29A – Làng Yên Phụ, Hà Nội) kể, năm nào cũng vậy, ngay từ đầu tháng chúng tôi phải cải tạo lại diện tích mặt nước ở Hồ Tây để giữa tháng mua cá về nuôi. 

Gia đình anh Giang đã làm nghề bán cá chép ông Táo được gần 10 năm, vì vậy theo kinh nghiệm của anh cá chép không nên nhập quá sớm vì vừa mất công chăm sóc lại dễ khiến cá bị chậm phát triển vì diện tích mặt nước ở làng không nhiều. 

Nhưng nếu nhập quá muộn có thể giá cá ở các tỉnh sẽ tăng, hơn nữa mua cận ngày quá đôi khi nguồn cung lại hơi khan hiếm. Mua trước nửa tháng là thời điểm thích hợp nhất vì vừa chủ động được nguồn hàng lại dễ phân bổ bán cho các tiểu thương, không sợ thiếu hàng. 

Hàng năm, từ ngày 20 – 23 là thời điểm các tiểu thương ở Hà Nội bắt đầu đổ xô đến lấy hàng, người lấy nhiều có thể đến vài trăm cặp cá, người lấy ít thì tầm vài chục cặp. 

Tuy nhiên, mỗi năm, số lượng cá mà các tiểu thương đến lấy khá nhiều, từ 5 – 10 nghìn con. Họ thường lấy thành từng đợt nhỏ, mỗi lần vài chụp cặp, hết hàng mới ra lấy tiếp. 

Theo anh Cự (chủ một cửa hàng cá khác ở làng Yên Phụ), năm nay, số lượng tiểu thương đặt hàng tại cửa hàng tăng khoảng 10% so với năm ngoái, vì vậy gia đình anh đã đặt mua khoảng 10.000 con từ Phú Thọ. 

Loại cá được đặt nhiều nhất năm nay vẫn là giống cá chép đỏ được mua ở làng Thủy Trầm (Phú Thọ). Giá bán của các loại cá không tăng nhiều so với giá của năm ngoái.

Con nhỏ nhất dài chừng 6-7cm bán 5.000 đồng, con to gần gang tay thì bán 20.000-30.000 đồng. 

Nhiều gia đình thích thả hẳn cá chép to cho ông Táo, họ chọn những con chép trưởng thành có râu, đuôi, vây dài, màu sắc rực rỡ óng ánh. Những con như thế, cửa hàng bán khoảng 70.000 đồng/con. 

“Đối với cá to, không hẳn màu đỏ đã là đẹp. Thực tế, những con cá màu vàng lại có vảy sáng óng, quyến rũ hơn”, anh Cự nói về kinh nghiệm chọn cá chép to.

Mặt khác, nếu khách hàng đặt hàng từ 19, 20 và lấy hàng luôn thì giá sẽ rẻ hơn từ 1.000 – 2.000 đồng/cặp. Nhưng nếu lấy cận ngày giá có thể lên đến 6.000 – 7.000 đồng/cặp cá chép đỏ loại nhỏ. 

“Tuy nhiên, các tiểu thương không nên ham rẻ lấy cá sớm vì nếu chăm sóc không cẩn thận, cá có thể chết hàng loạt. Hơn nữa, nếu bán không hết cũng có thể lỗ nặng. Còn nguồn cung ở làng Yên Phụ thì yên tâm là không thiếu”, anh Cự chia sẻ.

"Theo kinh nghiệm của những người dân ở làng Yên Phụ, muốn chọn được những con cá tốt để tiễn ông Táo, người mua phải chọn những con bầu, đều cá, không bị teo cơ hay thắt đuôi, màu sắc càng rực rỡ cá càng khỏe."

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây