Về huyền thoại Thần Hổ chữa bách bệnh ở Hương Tích

Thứ ba - 16/03/2010 15:42
Chùa Hương Tích ở xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh là một di tích, danh thắng nổi tiếng của xứ Nghệ, nơi công chúa ba Diệu Thiện hóa phật. Khách thập phương về chùa quanh năm nhưng tấp nập vào ngày hội chùa 18-2 âm lịch.

Khách hành hương lên chùa ai cũng thắp hương tại tượng Thần Hổ. Tương truyền, Thần Hổ gắn với sự tích công chúa ba Diệu Thiện chạy trốn sự truy sát của vua cha và tên quan võ.

Chuyện kể rằng, khoảng 500 năm trước Công nguyên, Sở Trang Vương sinh hạ được ba cô công chúa là Diệu Ân, Diệu Duyên và Diệu Thiện. Khi ba công chúa trưởng thành, vua cha gả hai người chị cho hai viên quan trong triều.

Đến lượt công chúa út Diệu Thiện, vua muốn gả cho một viên quan võ có tài thao lược để sau này chăn dắt muôn dân. Biết tên quan võ là kẻ độc ác, nham hiểm, nàng không tuân theo ý vua cha.

Mặt khác, Diệu Thiện đã hẹn biển thề non với quan Ngự y Triệu Chấn. Không nghe theo sự sắp đặt của vua cha, Diệu Thiện đã quyết định rời nhung gấm, lụa là để lên chùa đi tu.

Viên quan võ không được như ý bèn phóng hỏa đốt chùa. Nhưng Diệu Thiện và tăng ni đều được Phật Tổ che chở, cứu thoát.

Phật Tổ lại sai Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường thị. Đến vùng núi Ngàn Hống, Thần Hổ cõng công chúa đến con suối có tên là Hương Tuyền và tạm nghỉ chân ở đó. Chỗ này sau gọi là Trạm nghỉ Phật Bà.

Sau mấy ngày tạm nghỉ bên suối Hương Tuyền, Thần Hổ lại đưa Diệu Thiện lên động cao Đá Đôi để ẩn thân nhưng vẫn không được yên. Cuối cùng, Thần Hổ lang đưa xuống động Hương Tích và ở trong một hang đá rất đẹp. Chính nơi đây Diệu Thiện hóa Phật và gọi là Am Diệu Thiện.

Dân gian cho rằng, hổ cõng công chúa Diệu Thiện chính là hổ thần, nếu bị đau xương khớp… về chùa Hương Tích khấn vái Thần Hổ, cầu xin ngài, lấy tay vuốt ve ngài rồi xoa vào chỗ đau mỏi thì tự nhiên sẽ khỏi.

Ông Võ Huy Ly (65 tuổi) Thủ từ của chùa giải thích: "Hổ là loài ăn thịt người nhưng ngài hổ này lại có công dẫn đường cho công chúa nên người đời truyền rằng, đây là do Phật hóa thân.

Bởi Phật không dùng hình hài thật của mình mà thường biến thành người này, người khác để phổ độ chúng sinh. Vì vậy, ngài được lập tượng thờ. Khách đến đây thường xin phúc bằng cách đổ dầu xoa khắp mình hổ rồi lại xoa lên mình. Bởi mọi người quan niệm hổ tượng trưng cho sức mạnh nên có thể chữa bách bệnh…".

Bà Bùi Thị Định ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nói: "Khi nào đến đây tôi cũng mang theo hộp dầu đã khấn xin trong chùa đem thoa khắp mình hổ, sau đó thoa vào những chỗ đau tự nhiên thấy lành, mọi cái mệt nhọc khi leo núi cũng tiêu tan…".

Quả thật, đường lên chùa có nhiều chỗ dốc, khách bộ hành phải bước từng bước một, chân đặt trên những bậc đá gập gềnh, tim đập mạnh, mũi thở dốc, người toát mồ hôi...

Ấy vậy, có một điều lạ là khi lên đến chùa đưa tay xoa tượng Thần Hổ thì ai nấy mặt mày đều phấn chấn hẳn lên, người tươi tỉnh, khỏe khoắn…

Phải chăng, đây chính là cách chữa bệnh bằng lòng tin mà Thần Hổ mang lại cho tín chủ, đạo hữu.

Nguồn tin: Người cao tuổi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây