Nghề - giả sư ở Bồng Lai

Thứ sáu - 05/03/2010 09:04
Bắc Ninh vốn là cái nôi của Phật giáo ở Việt Nam. Ấy thế nhưng ở xã Bồng Lai (Quế Võ, Bắc Ninh) lại đang rộ lên phong trào giả làm sư để quyên tiền công đức rồi cho vào túi riêng. Việc này không những trái với đạo lý nhà Phật mà còn khiến không ít người dân sa vào vòng lao lý.

Sư "ăn mặn, ngủ mặn"

Có mặt tại bến xe ở thị trấn Mới (Quế Võ) vào một chiều ngày thứ Bảy, chúng tôi có thể  gặp khá nhiều nam phụ lão ấu mặc áo nâu sồng, khoác túi vải bước xuống từ những xe khách. Hỏi bà chủ quán nước: "Sắp tới ở đây có cao tăng đến giảng đạo hả bác. Sao có nhiều người nhà chùa thế?". "Ối giời, cao tăng cao teo cái nỗi gì. Nói thì bảo "vạch áo cho người xem lưng", chứ là người trong Bồng Lai đóng giả sư đi kiếm ăn đấy. Cứ cuối tuần họ lại về nhà nghỉ 1-2 ngày rồi lại đi hành nghề".

Một chị trung niên tay xách nải, chừng là dân buôn bán vui miệng góp chuyện. "Bác ấy nói đúng đấy. Tôi là dân chạy chợ, buôn tôm bán cá mấy chục năm nay nên lạ gì. Sư gì mà cuối tháng cũng vắt chân ở quán cầy tơ đánh chén? Sư gì mà đề huề chồng con? Có lần tôi đi ăn đám hiếu ở mạn Hải Phòng thấy một ni cô mang hương đến bán, xưng là người của chùa Bồng Lai. Tưởng ai, té ra là người cùng làng Vũ Dương đây. Nhận ra người quen, ni cô này... lủi mất".

Chị  này kể tiếp, chẳng đâu xa ngay bà bác họ của chị cũng từng hành nghề này cả chục năm. Theo lời bà thì những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người trong làng vào Nam sinh sống, lấy chồng lập nghiệp trong đó đã "học được" nghề giả sư để bán hương, giả quyên tiền làm từ thiện kiếm bộn tiền. Thế là người nọ truyền lại mánh làm ăn cho mọi người khi đó vốn là những nông dân thuần phác. Lúc đầu chỉ có vài người đi, sau thấy làm ăn được người này rủ người kia rồi nhiều người kéo nhau đi làm... sư giả. Đến bây giờ trong làng có nhiều người ở mọi lứa tuổi, giới tính chạy theo nghề giả sư. Có nhà đi 2 - 3 người, cả anh em ruột, thậm chí cả vợ chồng con cái đều làm "sư".

"Sư" ở đây được chia làm nhiều loại, có loại đi kiếm ăn quanh năm, có loại "sư mùa vụ", khi nông nhàn là xếp đồ nghề lên đường. Có người đi xe máy kiếm ăn ở các huyện loanh quanh. Song đa phần là đi đến các tỉnh xa. Thời kỳ "khởi nghiệp", các sư giả thường đi "khất thực" ở các tỉnh miền Trung, miền Nam. Sau dần dà, "kỹ nghệ" đóng sư giả đã nâng cao thì họ mới lần ra các tỉnh phía Bắc như Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương...

"Công nghệ" giả sư cũng không đến nỗi khó khăn lắm. Ngoài chuyện phải sắm một vài bộ quần áo nâu sồng, rồi cắt tóc ngắn để vấn khăn cho... kín đầu và phải luyện thêm "cơ mặt" để cho mang vẻ từ bi, vô vi. Thế rồi còn phải học thuộc lòng những câu trong sách nhà Phật để có thể "đàm đạo" với những phật tử "nhiều chữ".

Làng Vũ Dương vốn xưa nay là làng thuần nông. Quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho giời, người nông dân  ở đây cũng tạm đủ bữa đói bữa no. Thế  nhưng nhiều năm trở lại đây, "bỗng dưng" làng phát triển chóng mặt. Nhà cao tầng mọc lên. Rồi thì các vật dụng đắt tiền nối đuôi nhau về làng. Đầu làng cuối ngõ đâu cũng thấy loa nhạc bật xập xình.

Theo ông Phan Văn Hậu, trưởng thôn Vũ Dương thì sở dĩ có sự thay đổi ở đây là do hiện quanh khu vực có nhiều khu công nghiệp. Người dân trong thôn đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ đi đầu quân cho các công xưởng, một phần cũng do đi làm ăn tứ phương.

Thế  nhưng một người dân trong làng nói huỵch toẹt: Là do một số người trong làng học được nghề giả sư. Chứ lương công nhân khu công nghiệp, trung bình bất quá 700-800 ngàn chỉ đủ nuôi miệng, nói gì sắm sửa.

Theo tiết lộ của một vị sư giả, một ngày hành nghề lang thang khắp các làng quê ở vùng đồng bằng Bắc Bộ như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hà Nội..., mỗi người cũng kiếm được ít thì vài chục ngàn, nhiều lên tới vài trăm ngàn đồng từ tiền bán hương và xin công đức. Nếu gặp phải phật tử "cuồng tín" (thường là các cụ già cao tuổi), các "thầy" còn có thể "văn" cho các cụ "cúng" cả nhẫn vàng, dây chuyền vàng... cho nhà chùa. Có những người như Vũ Thị B,, Nguyễn Thị S.,... còn xây được ngôi nhà mái bằng khang trang, tậu được xe máy, có của ăn của để.

Cao thủ trong nghề giả sư không thể không nhắc đến N.T.T. thuộc thế hệ "trẻ người non dạ" nhưng từ khi bước vào nghề, T. đã chứng tỏ được bản lĩnh kiếm tiền thuộc diện bậc nhất trong giới "giả sư". Cũng giống như các "bậc tiền bối" đi trước, T. chập chững bước vào nghề với vốn kiến thức cỏn con nhờ học lỏm. Vốn là cô gái "siêng ăn nhác làm", nhưng khéo ăn nói, T. nhanh chóng xâm nhập và hòa nhịp được với "nghề" một cách nhanh chóng.

So với những "tiền bối" đã từng có quá  trình hành nghề lâu dài trong giới "giả sư", T. vẫn được nể trọng bởi cách kiếm tiền khá  "siêu". Chỉ trong vài ba năm T. "phất lên" như diều gặp gió. Thế nhưng, giới cùng "nghề" lại đồn rằng, T. vừa bán nhang, kiêm luôn bán... những thứ chẳng hay ho gì nên mới nhanh giàu đến vậy.

Vướng tu giả, vào... tù tu tâm

Cái gì cũng có giá của nó. Nghề làm sư giả đã giúp cho một số gia đình ở Bồng Lai... thoát nghèo. Ấy thế nhưng nó cũng khiến cho nhiều người nông dân sa vào vòng lao lý. Trong vòng vài năm trở lại đây, liên tiếp nhiều vụ đóng giả nhà sư ở Quế Võ đã bị phát hiện.

Tháng 5/2009, Công an TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã bắt Nguyễn Thị Vững và Nguyễn Thị Sơn (cùng trú tại Phố Mới, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với chiếc thẻ giả đeo trước ngực ghi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh do chùa Đại Lai và chùa Phật Huệ cấp, hai kẻ này đến những nhà người dân ở Lạng Sơn giả là người nhà chùa, bán hương với giá cao, xin tiền ủng hộ xây dựng chùa để lừa đảo.

Sáng ngày 13/5/2009, Vững và Sơn mò đến nhà bà Trần Thị Hiền ở phố Phan Đình Phùng, TP Lạng Sơn gạ mua hương. Thấy chủ nhà hào phóng, đưa 4,5 triệu đồng tiền mua hương và tiến cúng chùa, hai kẻ này nói gia đình đang bị sao xấu chiếu mệnh, phải nhờ nhà chùa giải hạn mới qua khỏi. Nghe hai nữ sư nói thế, bà Hiền chẳng còn lòng dạ nào liền "tâm sự" chuyện nhà và được tư vấn cho con gái đi học ở chùa, nếu muốn vào học Hạ ở chùa Yên Tử, phải đặt cọc 7 triệu đồng.

Vì  không đủ tiền, bà Hiền hẹn hai sư chiều quay lại, tuy nhiên khi hai kẻ này đang nhận tiền thì con gái chủ nhà đi làm về, thấy nghi ngờ, báo cơ quan Công an bắt giữ. Theo lời khai của hai "nữ sư" này thì ngoài bà Hiền, với thủ đoạn tương tự, họ đã lừa lấy được 4,5 triệu đồng của một phụ nữ ở TP Lạng Sơn. Trước khi bị bắt, hai người này còn hẹn một gia chủ ở phường Đông Kinh nộp tiền giải hạn nhưng chưa kịp lấy thì bị phát hiện.

Sau khi ngược Quốc lộ 1A hành nghề tại TP Lạng Sơn, những sư giả  ở Bắc Ninh lại ngược đường số 5, xuống tận thành phố cảng Hải Phòng tiếp tục giở trò  và cũng... bị bắt. Đó là vào tháng 10/2009, chị Lê Thị Kim Bình (trú đường Lê Lai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đang ở cửa hàng phụ tùng ôtô thì có hai "nhà sư" đến xin tiền công đức. Một người trong số đó tự nhận là sư thầy, trụ trì tại chùa Bồng Lai (xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, Bắc Ninh), đã từng tu hành ở Ấn Độ, Malaysia... "Sư" này còn nhận chính mình là một trong những người đưa tượng Phật ngọc từ Ấn Độ về chùa Phật Tích và đưa ra hai giấy giới thiệu của chùa Bồng Lai kêu gọi mua hương và đóng góp tiền công đức xây dựng chùa.

Sau khi đóng góp 500 nghìn đồng, chị Bình phát hiện sau gáy người tự xưng "sư thầy" có một vài sợi tóc dài. Đoán đây là sư giả, chị liền theo dõi và trình báo Công an phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân (nơi hai đối tượng khả nghi trên nghỉ trọ). Sau đó, Công an phường đã xác định danh tính một trong hai phụ nữ giả danh nhà sư là Nguyễn Thị Thoan, 27 tuổi, ở xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, nghề nghiệp làm ruộng.

Trước đó tháng 8/2008, Công an xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) đã bắt giữ 2 thanh niên giả làm sư đi bán hương phát lộc với giá "cắt cổ", 100 nghìn đồng 1 bó. Danh tính các đối tượng được làm rõ là Phan Thanh Chương (37 tuổi, ở Vũ Dương, Quế Võ, Bắc Ninh) và Nguyễn Phú Hương (30 tuổi, ở Cầu Tràng, Quế Võ). Chúng còn lợi dụng những người hay đi chùa, tin tưởng vào chùa để vơ vét nhiều tiền của họ.

Công an huyện Gia Lâm cho biết, chúng đã đến nhà bà  Nguyễn Thị Vinh (ở xóm 6, Ninh Hiệp) và dụ dỗ bà đưa cho chúng 3 triệu đồng. Công an huyện Gia Lâm đã bắt giữ 2  đối tượng có hành vi lừa đảo làm.

Chưa hết, cũng trong năm 2008 "sư thầy" Nguyễn Văn Cường (vốn nghề làm ruộng, trú tại Vũ Dương, Bồng Lai, Quế Võ, Bắc Ninh) đã bị  Công an phường Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội bắt giữ vì hành nghề giả sư. Cường khai do quen biết người ở một ngôi chùa phía Nam, được nhà chùa giao việc bán nhang giúp, lợi dụng bán nhang, đối tượng đã đội lốt người tu hành, lấy tên là thầy Hùng ở chùa Hàm Long, đi khất thực. Cường nhiều lần mặc quần áo nhà tu đi khất thực khắp các ngõ ngách ở Hà Nội. Y gõ cửa từng nhà, đứng xin tiền cho tới khi gia chủ cho mới chịu đi. Riêng buổi sáng ngày 21/7/2008, đối tượng đã đi gõ cửa hầu hết các gia đình, cửa hàng trên nhiều phố cổ trước khi bị bắt quả tang tại phố Lê Lai.

Nhưng "đình đám" nhất phải kể tới vụ đối tượng Phan Bá Cường, vốn là một thợ ảnh trong làng. Năm 2004, UBND xã Bồng Lai quyết định chấm dứt việc xác nhận cho công dân trong xã mang danh nghĩa nhà chùa đi bán hương, khiến nhiều sư giả... mất chỗ dựa. Thế là Cường câu kết với một số đối tượng dùng kỹ thuật máy tính để... chế tác ra con dấu của Ủy ban xã. Vụ việc đã bị Công an tỉnh Thái Bình phát giác. Cường được "mời đi bóc lịch" 3 năm vì tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức.

Chủ  tịch xã Bồng Lai, ông Phan Bá Sắc cho biết, toàn xã có hơn 8.000 nhân khẩu thì 10% trong số đó là thường xuyên đi làm ăn xa. Ông thừa nhận là thỉnh thoảng xã lại nhận được thông báo của công an một số tỉnh thành về việc người dân trong xã bị bắt về chuyện hành nghề giả sư. Tuy nhiên, ông cho biết đa số đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất thời túng quẫn nên làm liều (!?).

Thầy Thích Nhật Quang, trụ trì chùa Phúc Lâm (nằm tại thôn Bồng Lai nên quen gọi là chùa Bồng Lai) khẳng định. Có lần nhà chùa cũng nhận được phản ánh của dân chúng về chuyện có người lấy danh nghĩa chùa Bồng Lai để đi quyên góp công đức. Song nhà chùa chưa bao giờ ký hay cấp bất cứ giấy tờ gì cho tăng ni đi quyên góp cả. Nhà chùa cũng mong các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để thanh danh chùa Bồng Lai không bị ô uế.

Thượng tọa Thích Quảng Tùng - Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Từ thiện xã hội Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, từ năm 2000 đến nay các chùa trên cả nước đã không cho phật tử bán hương, khất thực và quyên góp tiền công đức. Tuy vậy hiện nay, có không ít người ở một số địa phương giả danh người nhà chùa. Những người này dùng nhiều thủ đoạn như mượn danh các sư thầy có uy tín để dễ vận động, thuyết phục, hoặc bịa đặt ra việc mời khánh thành công trình xây dựng của Phật giáo nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cần ngăn chặn các hành vi trên bằng biện pháp mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây