Chùa
Trăm Gian hay còn gọi là Quảng Nghiêm Tự thuộc địa bàn xã Tiên Phương, huyện
Chương Mỹ, Hà Nội. Ngôi chùa cổ được xây dựng vào thế kỷ XII thời nhà Lý trên
quả đồi cao 50m, tứ bề được bao bọc bởi núi đá.
Chùa
Trăm Gian là di tích lịch sử độc đáo bậc nhất trong số 103 di tích trên địa bàn
huyện Chương Mỹ. Số tượng Phật ở đây lên tới 153 pho được làm bằng gỗ quý hiếm
và đất nung.
Đặc
biệt có tượng Tuyết Sơn bằng gỗ mun với nét điêu khắc của thế kỷ XVIII, pho
tượng đô đốc Đặng Tiến Đông được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao về trình
độ nghệ thuật điêu khắc.
Ngoài
ra, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm như: Đôi rồng đá được trạm trổ
công phu án ngữ hai bên đầu dãy bậc thang đá trước cửa chùa có từ thời Nguyễn;
Bộ tranh La Hán Thập Điện Diêm Vương; Bệ thờ bằng đất nung thời Trần; Khánh
đồng đúc năm 1794...
Chùa thu hút một lượng lớn các tăng ni phật tử, du khách trong và ngoài nước về chiêm bái, tham quan.
Thế nhưng, di tích lịch sử cấp quốc gia này đang bị xâm hại dưới rất nhiều hình
thức khác nhau.
Ngay
cổng chùa là cảnh lộn xộn của lều quán và rác thải vương vãi khắp nơi. Con
đường lên chùa được xây dựng sạch đẹp bị một số người dân biến thành nơi bày bán
hàng hoá. Thậm chí ngay dưới chân tấm biển “Chùa Trăm Gian” là một bãi rác ngổn
ngang.
Trong
khuôn viên chùa, đâu đâu cũng thấy lều quán dựng tạm bợ bằng bạt bày bán đủ
loại hàng hoá như: hàng mã, hương hoa hay nước giải khát, xem tử vi, xóc quẻ…
Không
chỉ vậy, đến thăm chùa Trăm Gian khách thập phương còn bị đội quân bán dạo chèo
kéo, đội ngũ “cái bang” quấy rầy, nhất là đối với du khách nước ngoài.
Bà Vũ Thị Ngân ở Lục Ngạn (Bắc Giang) về thăm chùa ngán ngẩm: “Lâu rồi mới về chùa Trăm Gian nhưng tôi thấy buồn quá. Khuôn viên chùa thì ngập ngụa rác thải, còn hàng quán la liệt khắp nơi. Nhất là đội quân hành khất và bán hàng dạo cứ đeo bám theo sau. Không mua thì khó lòng đi được, thậm chí bị chửi bằng lời lẽ vô văn hoá, còn mua thì bị chặt chém với giá cắt cổ”.
Một điều khiến du khách xót xa khi đến chùa Trăm Gian là dường như chùa vừa
được xây mới nên nét cổ kính mất đi ít nhiều. Theo quan sát của chúng tôi, hầu
hết các gian đều được thay mới, chỉ còn các pho tượng cổ quý hiếm là được giữ
lại.
Những kiến trúc cổ có giá trị như kèo, xà chạm đầu rồng, thân phượng tinh xảo hay ngói ngũ cạnh được chất thành đống, vứt ngổn ngang dưới đất.
Lý giải sự việc này, ông Tống Văn Quyến - Ban quản lý di tích chùa Trăm Gian cho hay: “Chùa đã xuống cấp từ lâu. Rất may nhờ chính quyền cùng lòng hảo tâm của các phật tử và du khách đóng góp nên mới “bảo dưỡng” được ngôi chùa”. Thế nhưng, khi được hỏi chùa được trùng tu hay là xây mới, ông Quyến ấp úng trả lời: “Giữ lại cái cũ cũng khó, chỉ có thể làm giống y đúc những nét kiến trúc cũ mà thôi?”.
Thiết nghĩ, việc trùng tu, tôn tạo và bảo tồn chùa Trăm Gian là điều tất yếu
nhưng cần phải đảm bảo không làm mất đi những giá trị đính thực vốn có. Bên
cạnh đấy, công tác quản lý, xử phạt đối với các hành vi cố tình xâm hại đến khu
di tích quốc gia này cũng cần phải được thực hiện một cách triệt để, nghiêm
túc./.
Nguồn tin: TNVN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự