Về nơi "sư giả" vênh mặt với làng

Thứ tư - 21/10/2009 09:58
Những người bán hàng nước ở ngã tư thị trấn phố Mới (Quế Võ) từ lâu đã không lạ gì cảnh, cứ chiều thứ bảy, chủ nhật các "sư" lại tụ tập rất đông ở đây. Chẳng là một số "sư giả" đi làm cả tuần đến cuối tuần thì bắt xe ô tô, xách va li như những cán bộ đi xa về thăm nhà. Họ dừng chân ở ngã tư, rồi rút điện thoại di động gọi người nhà ra đón.

Thủ phủ của sư giả ở Bắc Ninh là làng Vũ Dương, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ. Không ai biết cái “nghề” này có ở đây từ bao giờ.

“Phường lừa đảo, bọn thất đức”

Ngay khi bước chân vào làng, ấn tượng đầu tiên là Vũ Dương rất giàu có, nhà cao tầng mọc lên san sát chẳng khác gì ở một thị trấn. Vẫn biết người dân nơi đây năng động bởi từ xa xưa làng này vốn có nghề buôn thúng bán mẹt ngoài chợ.


"Sư giả" trên đường về nhà.

Thế nhưng, khi tôi ghé vào một cửa hàng tạp hoá bên đường gặp đúng bà chủ quán hay chuyện đã thẳng thắn: "Nhờ cái nghề "đi sư giả" mới giàu thế đấy. Nhà này cũng chạy chợ bạc mặt nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo".

Ném ánh mắt đầy nghi hoặc về phía chúng tôi bà chủ quán tiếp tục: "Anh chị về xem bói hay nhờ các sư cúng đấy? Ở làng này đầy, sư trẻ, sư già, nam, nữ có hết. Sáng đến họ đi làm đông như đi hội".

“Chúng cháu đến nhờ cúng giải hạn, cô xem có "thầy" nào giỏi chỉ giúp chúng cháu”. "Có cả trăm sư tôi biết đường nào mà chỉ, ông Đ. bà H. chị K... đều là "sư" tuốt. Nói thật nhá, chẳng có ai là sư thật đâu, giả hết đấy. Phường lừa đảo, bọn thất đức ấy mà. Họ trước cũng chân lấm tay bùn như tôi nhưng giờ thành sư hết".

Nhà bà chủ quán ở cạnh đường chính, nên bà nắm rất rõ lịch trình hoạt động của các "sư giả". Bà cho biết những nhà "sư giả" ở Vũ Dương vào "nghề" rất chuyên nghiệp. Họ tự làm cho mình một chiếc thẻ giả đeo trước ngực, do một ngôi chùa có tiếng nào đó cấp.

Cũng áo quần nhà chùa, trai cũng cạo đầu trọc, nữ chít khăn... thế là vào vai nhà sư một cách đàng hoàng. Họ chủ yếu đi bán hương với giá cao, xin tiền ủng hộ xây dựng chùa để lừa đảo. Ngoài ra, họ cũng "học thêm" ít kiến thức về Phật pháp hoặc bói toán.

Hằng ngày, họ đi khắp các miền quê như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội... Hiện ở làng Vũ Dương có một đội quân xe ôm chuyên đi phục vụ các "sư" giả này. Sáng họ đến nhà đón từ rất sớm, đường đi nước bước do thân chủ quyết định, chiều đưa về.

Các bác tài này cứ nhìn đồng hồ đếm kilômét rồi tính tiền. Chẳng biết các "sư" giả kiếm tiền ra sao, chứ mỗi ngày cánh xe ôm bỏ túi cả trăm nghìn. Một số làm ăn lớn hơn thì đi từ đầu tuần đến cuối tuần mới về một lần.

Một chị hàng nước ở Phố Mới kể, có "ông sư" cứ mỗi lần về đến đây là vào ngân hàng cạnh đó gửi tiền. Nghe đâu ông này có tiền tỷ, xây cả biệt thự chứ chẳng ít.

Không coi ai ra gì

Người dân cho biết, một số phụ nữ trong làng lấy chồng ở miền Nam khi về thăm quê mang theo cả nghề này "du nhập" về Vũ Dương. Lúc đầu những người "đi sư" còn biết xẩu hổ. Trước khi đi làm họ vẫn ăn mặc bình thường, chỉ khi đến điểm hành nghề họ mới "lột xác" để khoác lên mình áo quần nhà chùa bắt đầu quá trình "khất thực".


Lâu dần họ chẳng còn biết ngại ngần gì. Ngay từ nhà họ đã ăn mặc chỉnh tề, ung dung mang túi rồi rồng rắn nhau đi hành nghề công khai.

Ông Nguyễn Quang Cát, người trông coi đình làng của làng Vũ Dương mỗi khi nhắc đến chuyện người làng mình "đi sư", bao nỗi buồn trong ông lại ùa về.

Ông buồn rầu nói: "Ở đây, những gia đình nào có lương tâm thì chẳng ai để con cháu mình đi làm cái nghề thất đức ấy. Nhìn cái cách họ công khai mặc áo nhà chùa tung hoành khắp làng tôi vừa xấu hổ vừa chua xót. Cánh thanh niên trai tráng khoẻ mạnh lêu lổng cũng tự khoe cái đầu trọc lốc của mình ra đường mà mặt vênh lên, chẳng coi ai ra gì".

Ông Cát kể cho tôi nghe về trường hợp của người cháu họ mình, ở xóm Chùa. Vốn là một anh nông dân thuần chất, bố mẹ bỏ nhau nên người cháu này lớn lên trong sự nghèo khó, một chữ bẻ đôi không biết.

Ông Cát là người đã cưu mang nuôi đứa cháu này khôn lớn. Lấy vợ anh ta lăn lộn đủ nghề cũng chẳng kiếm đủ ba bữa cơm. Từ ngày học "đi sư" thì cuộc sống khác hẳn. Sau 6 năm hành "nghề", anh ta mua được đất, xây nhà cao tầng, sắm tiện ghi sinh hoạt đắt tiền...

Giờ người dân đã gọi anh ta là "triệu phú". Anh ta cũng luôn tự đắc với dân làng chẳng có ai bằng mình.

Vòng lao lý

Thế nhưng, không phải cứ "đi sư" là lừa được tiền thiên hạ. Từ khi cái nghề này nở rộ cho đến nay cũng đã có một vài công dân của thôn rơi vào vòng lao lý.


Hai "sư" giả Nguyễn Thị Vững (bên trái)

và Nguyễn Thị Sơn ở Quế Võ bị bắt vì tội lừa đảo.

Bà con làng Vũ Dương vẫn kể câu chuyện về bà Hương bị lật tẩy khi đến một làng ở Thái Bình "khất thực". Phát hiện bà Hương là "sư" giả, người dân đã cởi hết quần áo, cắt tóc rồi ném xuống ao.

Những tưởng sau bài học nhớ đời đó, bà sẽ bỏ "nghề". Nào ngờ, về làng bà vẫn mạnh mồm tuyên bố "không có tóc thì thành sư dễ hơn". Thế là từ bữa đó, bà không cần phải bịt khăn như mọi khi nữa, chỉ diện bộ quần áo của nhà chùa lên đường kiếm ăn.

Gần đây nhất 2 "sư" giả là Phan Thanh Chương và Nguyễn Thị Hường ở làng Vũ Dương đã bị bà con ở chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) bắt và giao cho chính quyền vì tội lừa đảo. Rất may cho 2 "vị tăng ni" giả này là được hưởng án treo.

Theo ông Phan Bá Đố, trưởng Công an xã Bồng Lai, đến nay có khoảng gần 20 người của xã (chủ yếu ở làng Vũ Dương) bị các cơ quan công quyền các nơi bắt và xử phạt hành chính, phạt tù. Cũng theo ông Đố, không chỉ ở xã Bồng Lai mới có người hành nghề sư giả, nhiều địa phương khác quanh vùng của huyện Quế Võ cũng có người làm "nghề" này.

Nguồn tin: bee.net.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây