Ông Đinh Văn Mùi (73 tuổi), người trông coi đình làng Phù Long chia sẻ, không ai biết cây thị có từ bao giờ. Những người lớn tuổi như ông khi sinh ra và lớn lên đã thấy cây thị.
Ông Mùi là người trông coi đình nhưng cũng chỉ nghe người xưa kể lại rằng, cây này khoảng hơn 700 tuổi.
Vào những năm kháng khiến chống Pháp, Mỹ, cây thị là nơi quan sát máy bay địch. Người dân chèo lên ngọn cây thị, mỗi khi thấy máy bay địch đến là gõ kẻng để nhân dân xuống hầm trú ẩn.
Gốc cây thị to 3 người ôm không hết.
“Ngày đó dân làng thưa thớt, không có nhà cao tầng, cây thị đứng sừng sững như một pháo đài bảo vệ cho dân. Qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh, bom đạn, cây thị vẫn không bị phá hủy”, ông Mùi kể lại.
Thân cây thị xù xì.
Sau chiến tranh, cây thị được dân làng Phù Long gìn giữ, chăm sóc cẩn thận. Từ người già đến trẻ con không ai dám trèo lên cây thị, cũng không ai dám bẻ cành, hái quả… Người dân trong làng đi làm đồng qua thường bón một ít phân để chăm sóc cho cây.
Rễ cây qua thời gian đã lan cả trên mặt đất.
“Người dân rất tự giác, không phải ai đi qua cũng bón phân vào gốc, như thế cây sẽ chết. Họ nhìn xung quanh gốc, không thấy phân thì mới bón một ít vào”, ông Mùi chia sẻ.
Thân cây thị cao khoảng 20m, cành lá sum suê. Thân cây xù xì và có nhiều nu, đường kính cả chục người ôm. Vào mùa hè, người dân trong làng thường xuyên ra hóng mát dưới tán cây.
Tán cây thị xanh mát như che chở cho cả dân làng.
Mùa quả, cây thị sum suê trái, lúc chín vàng rực rỡ, thơm ngát cả làng. Trẻ con cũng chỉ chơi dưới tán cây, không ai chèo lên bứt quả.
Năm 2016, cây thị ở đình làng Phù Long được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Nguồn Vietnamnet