Lớp học đặc biệt của các bà, các mẹ ở vùng núi Kon Tum

Thứ ba - 21/03/2023 16:22
Ngày cầm cuốc lên nương rẫy, tối đến những người phụ nữ Xơ Đăng tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông (Kon Tum) cùng nhau cắp sách vở đến lớp ê a học chữ. Bỏ qua tuổi tác, hàng ngày các bà, các mẹ vẫn kiên trì đến lớp với ao ước được biết đọc, biết viết.
Lớp học của những người phụ nữ trung niên ở xã Măng Bút
Lớp học của những người phụ nữ trung niên ở xã Măng Bút

Khát khao đi tìm con chữ của các bà, các mẹ

Cứ vào khoảng 18h tối hàng tuần, Trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp 1 - 2 Măng Bút II (xã Măng Bút) lại sáng ánh đèn. Tiếng đánh vần ê a của những người phụ nữ Xơ Đăng vang vọng khắp núi rừng. Theo đó, lớp học xoá mù chữ ở xã Măng Bút có 32 học viên.

Học viên ít tuổi nhất đã 35 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng gần 60. Nhiều học viên ở lớp học đặc biệt chưa một lần được biết mặt chữ, tuy nhiên cũng có người từng học nhưng đã quên.

Bà Y Phiên (54 tuổi, làng Đăk Chun, xã Măng Bút) – một trong những học viên chưa một lần được biết mặt chữ. Đôi bàn tay chai sần của người phụ nữ U60 vốn quen cầm cuốc nay vụng về cầm bút tô từng nét chữ viết mẫu.

Được biết, trước đây vì nhà nghèo, cuộc sống khó khăn nên cha mẹ của bà Phiên chẳng có điều kiện cho các con đến trường học chữ. Cứ như vậy, gánh nặng cơm áo gạo tiền theo bà đến lúc lập gia đình, sinh con khiến bà chẳng còn nhớ đến việc học. Cũng vì không biết chữ nên mỗi khi làm giấy tờ hay thủ tục, bà Phiên đều phải nhờ con, cháu hoặc cán bộ xã hỗ trợ.

lop hoc dac biet cua cac ba cac me o vung nui kon tum hinh 2
Gánh nặng cơm áo, gạo tiền khiến phần lớn các bà, các mẹ chưa một lần được biết mặt chữ.

“Từ nhỏ đến giờ tôi chỉ quen cầm cuốc chứ có biết cầm bút như thế nào đâu. Xưa giờ đi làm thủ tục, giấy tờ cũng toàn điểm chỉ. Đến tên của mình cũng chẳng biết viết nên nhiều lúc cũng thấy xấu hổ với con, cháu. Bao nhiêu năm nay tôi luôn ao ước được đi học để biết đọc, biết viết nên khi hay tin có lớp xoá mù chữ tôi mừng lắm, đăng ký tham gia luôn. Được cô giáo cầm tay dạy viết, hướng dẫn đọc bảng chữ cái nên vui lắm”, bà Y Phiên phấn khởi nói.

Tương tự bà Phiên quanh năm với nương rẫy, đến nay đã gần 40 tuổi nhưng chị Y Xanh vẫn không biết đọc, biết viết. Ngay cả những phép tính đơn giản khi mua mớ rau, quần áo hay bán nông sản chị Xanh cũng chẳng rành. Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương cùng khao khát biết đọc, biết viết từ lâu ngay khi lớp học xóa mù chữ được mở tại xã Măng Bút chị Y Xanh đã đăng ký tham gia.

lop hoc dac biet cua cac ba cac me o vung nui kon tum hinh 3
Đôi bàn tay chai sạn của người phụ nữ Xơ Đăng lần đầu cầm bút viết chữ.

Sau một ngày vất vả trên nương, chị Y Xanh tranh thủ về lo công việc gia đình rồi lên lớp học chữ. Đó là lần đầu tiên chị được cầm bút viết chữ, đôi bàn tay thô ráp, cầm bút nắn nót tô theo những chữ cái mà giáo viên đã viết sẵn. Vừa viết, chị Y Xanh vừa nhẩm đọc để nhớ mặt chữ.

Với quyết tâm học chữ, ngoài giờ học ở lớp, chị Y Xanh còn nhờ cô con gái út hướng dẫn thêm cách viết và đánh vần. “Ban đầu khi con dạy mình ngại lắm, nhưng để biết chữ thì phải cố gắng. Qua mấy ngày mình đã viết được những chữ cái đơn giản nhưng đánh vần vẫn còn chưa rõ lắm. Mình sẽ cố gắng học chữ để tính toán, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất và làm gương để con cháu noi theo”, chị Xanh chia sẻ.

lop hoc dac biet cua cac ba cac me o vung nui kon tum hinh 4
Cô giáo Nga cầm bút hướng dẫn các học viên từng nét chữ.

Cô Đinh Ái Nga – giáo viên Trường PTDTBT cấp 1 - 2 Măng Bút II – cô giáo của những học viên đặc biệt chia sẻ: “Lớp học xoá mù chữ được mở, bà con rất hào hứng tham gia. Mình dạy những học viên đặc biệt này như hướng dẫn trẻ vào lớp 1. Phần lớn đã lớn tuổi nhưng các bà, các mẹ rất siêng năng và ham học. Mình thấy rất vui và hạnh phúc vì đó là sự nỗ lực không ngừng của bà con vùng núi này. Mình chỉ mong học viên đến lớp đều, kiên trì học đọc - viết, sau này có thể phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời làm gương để con cháu cố gắng phấn đấu học tập”.

Nâng cao chuẩn phổ cập giáo dục và xoá mù chữ ở vùng khó.

Nhận thấy xoá mù chữ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, chính vì vậy UBND huyện Kon Plông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương với ngành giáo dục để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xoá mù chữ.

lop hoc dac biet cua cac ba cac me o vung nui kon tum hinh 5
Bỏ qua tuổi tác, hàng ngày các bà, các mẹ vẫn kiên trì đến lớp với ao ước được biết đọc, biết viết.

Với sự nỗ lực trên, hiện trên địa bàn huyện Kon Plông có 4 lớp xoá mù chữ được mở tại các xã Đăk Ring, Măng Bút, Ngọk Tem và xã Hiếu. Những lớp học này đã thu hút hàng trăm học viên tham gia. Tất cả học viên đều là người dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 20 đến 69.

Nhằm thuận lợi trong công tác dạy học, Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông đã phối hợp với các trường trên địa bàn phân công giáo viên dạy và bố trí về cơ sở vật chất. Những lớp học xoá mù chữ được mở vào các tối thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần. Khi đến lớp người dân sẽ được hỗ trợ sách vở, bút viết… Sau khi hoàn thành khoá học từ lớp 1 đến lớp 3 trong vòng 16 tháng mỗi người dân sẽ được hỗ trợ 500 nghìn đồng.

lop hoc dac biet cua cac ba cac me o vung nui kon tum hinh 6
UBND huyện Kon Plông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học.

Theo ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, thực hiện theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cùng UBND tỉnh Kon Tum địa phương đã đề ra kế hoạch “Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện Kon Plông giai đoạn 2022 - 2025”.

Kế hoạch được đề ra với mục đích tập trung nguồn lực duy trì và nâng cao chuẩn phổ cập giáo dục và xoá mù chữ. Qua đó, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

lop hoc dac biet cua cac ba cac me o vung nui kon tum hinh 7
Hiện trên địa bàn huyện Kon Plông có 4 lớp xoá mù chữ thu hút 116 học viên tham gia.

“Cùng với sự chung tay của các cấp chính quyền, địa phương phấn đấu duy trì 100% xã, thị trấn đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Bên cạnh đó, đặt mục tiêu tỷ lệ người trong độ tuổi từ 15 - 60 biết chữ mức độ 2 là 96,5% và huy động số người xoá mù chữ từ 80 - 200 học viên/năm.

Ngoài những mục tiêu vạch sẵn, huyện Kon Plông cũng đặc biệt quan tâm, chú trọng đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo đáp ứng đủ phòng học an toàn, công trình vệ sinh, nguồn nước sạch, bếp ăn,... cho các trường học. Đồng thời tiếp tục đầu tư, bổ sung kinh phí mua sắm đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy, học”, ông Thắng cho biết thêm.

Theo Congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây