Tài xế những chuyến xe 0 đồng ở xứ Nghệ

Thứ hai - 03/04/2023 10:24
Những chuyến xe 0 đồng của ông Nguyễn Văn Lâm đầy ắp tình cảm đã giúp không ít người nghèo nơi vùng quê xứ Nghệ được đến bệnh viện kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Lâm bên chiếc xe cấp cứu 0 đồng đã giúp được nhiều bệnh nhân, người nghèo đến bệnh viện kịp thời. Ảnh: ĐẮC LAM
Ông Nguyễn Văn Lâm bên chiếc xe cấp cứu 0 đồng đã giúp được nhiều bệnh nhân, người nghèo đến bệnh viện kịp thời. Ảnh: ĐẮC LAM

Nhắc đến ông Nguyễn Văn Lâm (55 tuổi, Phó Trưởng Trạm y tế xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương, Nghệ An), rất nhiều người dân xứ Nghệ cho hay họ biết về ông lâu nay qua chiếc xe cứu thương 0 đồng. Chiếc xe này được ông sắm từ tiền bán cả đàn bò.

Bán đàn bò mua xe cấp cứu

Chiếc xe bảy chỗ của ông luôn đậu trước nhà với tấm biển “Chuyến xe không đồng, tài xế Nguyễn Văn Lâm, biển số xe 37A-944.23, điện thoại 0978123901”. Khi có người gọi, dù đêm hôm hay mưa bão, ông đều không nề hà mà lập tức lái xe chở người bệnh đến cơ sở y tế.

“Cha tôi là liệt sĩ, tôi lớn lên trong khó khăn, cơ cực nên hiểu được sự khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Họ sống chủ yếu bằng nghề làm nông rất vất vả, lại xa trung tâm nên mỗi khi phải đi cấp cứu rất khổ. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng về những chuyến xe cấp cứu 0 đồng để người bệnh được đến bệnh viện kịp thời” - ông Lâm chia sẻ.

Tuy nhiên để mua được xe thì trước tiên phải có tiền. Ông Lâm chỉ làm nghề y. Gia đình ông ở quê cũng không giàu có.

“Để có tiền mua xe này tôi thuyết phục mẹ và vợ bán đàn bò, bán xe cũ rồi vay mượn thêm. Người dân nơi đây chủ yếu làm nông đang vất vả, xa thị trấn và xa TP nên tôi muốn giúp đỡ những người bệnh đi cấp cứu kịp thời” - ông Lâm tâm sự.

Lúc ông tròn hai tuổi thì cha ông hy sinh ở chiến trường. Người mẹ không đi bước nữa mà ở lại nuôi các con ăn học. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn thời ấy, ông đã tốt nghiệp THPT rồi đi học trung cấp hóa chất ở tỉnh Phú Thọ.

“Nhưng rồi ước mơ làm nghề y đã thôi thúc tôi bởi tôi từng đi rừng bị sốt rét rất nặng, được cứu sống nên tôi đi học sơ cấp y. Học xong, tôi trở về quê đúng lúc trạm y tế xã đang thiếu người nên tôi được mời đến làm việc và gắn bó cho đến nay” - ông Lâm tâm sự.

Ông Lâm công tác tại trạm y tế phụ trách tiêm chủng rồi đi học thêm bốn năm trung cấp y để trau dồi thêm tay nghề, trình độ.

Túc trực ở trạm y tế, chứng kiến những khoảnh khắc sinh tử cần chuyển bệnh nhân đi cấp cứu gấp ông thấy được sự cần thiết trong việc cấp cứu kịp thời.

Năm 2010, ông Lâm âm thầm đi học và thi lấy giấy phép lái xe, từ đó ông cũng không nhớ đã chở bao nhiêu người đến bệnh viện vì “Cứ người ta cần, tôi sắp xếp được thì chở thôi” - ông Lâm chia sẻ.

Ấm áp những chuyến xe nghĩa tình

Ông Lâm nhớ lại khoảng năm 2014, khi ấy ông còn là điều dưỡng trạm y tế, có một sản phụ được chồng chở xe máy đến trạm y tế xã để sinh vào lúc rạng sáng. Tuy nhiên khi sinh nhau thai không ra, mất nhiều máu, sản phụ nguy kịch.

Ông nhanh chóng gọi xe cứu thương nhưng từ trung tâm huyện đến trạm y tế xa và đường khó đi. Khoảng 1 giờ sau xe mới tới và đưa sản phụ lên tuyến trên cấp cứu.

Lại có lần một sản phụ sinh con ở trạm y tế, bị nhau cài răng lược phải chuyển tuyến trên mổ gấp. “Những lúc ấy, tôi và người nhà bệnh nhân đều như ngồi trên đống lửa, thời gian chờ xe cứu thương tới trở nên dài lê thê… Hình ảnh sản phụ cứ lả đi, người nhà lo lắng đứng ngồi không yên… cứ ám ảnh tôi rất lâu sau đó. Và những người dân đắn đo gọi ô tô chở bệnh nhân đi bệnh viện luôn thôi thúc tôi mua xe chở miễn phí” - ông Lâm tâm sự.

Ngoài giờ làm việc, bất cứ khi nào có thể ông Lâm đều tranh thủ chở người dân đến bệnh viện khi họ nhờ đến ông. Ảnh: ĐẮC LAM
Ngoài giờ làm việc, bất cứ khi nào có thể ông Lâm đều tranh thủ chở người dân đến bệnh viện khi họ nhờ đến ông. Ảnh: ĐẮC LAM.

Năm 2022, do chiếc xe đã cũ, ông lại bàn với vợ bán cây keo rừng trồng, thêm tiền bán xe cũ, mua chiếc xe bảy chỗ hiện nay để chở người bệnh nhanh chóng, an toàn hơn. Trên mỗi chuyến xe 0 đồng như vậy, ông Lâm vừa là tài xế vừa trò chuyện, động viên người bệnh để họ bớt lo lắng, đau đớn.

Ông vui vẻ khoe: “Tôi thích văn thơ nên hay đọc thơ cho người bệnh nghe, cũng là để tự răn mình dù gấp đến đâu cũng phải thận trọng trên mỗi chuyến xe:

Nghĩ về xe tôi phải nghe lời vợ

Nghĩ về nợ tôi chẳng dám phiền ai

Nghĩ về con tôi vững vàng tay lái

Nghĩ về mẹ nhè nhẹ chân ga

Nghĩ về cha tôi rà chân phanh

Nghĩ về anh không phóng nhanh, vượt ẩu”.

Không chỉ “chuyến xe 0 đồng”, ông Lâm còn mua máy phát điện để vào ngày mưa bão, lũ lụt, nắng nóng mất điện lưới ông chở máy phát điện đi giúp người dân có điện để nạp đèn pin, nạp pin điện thoại, bơm nước sạch…

Những chuyến xe lan tỏa yêu thương

Ông Lâm đang tham gia Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Chương rất tích cực. Thời gian qua, ông Lâm làm nhiều việc rất tốt trên địa bàn huyện. Trong đêm khuya có nạn nhân bị tai nạn cần chở đi cấp cứu gọi ông Lâm là ông đến chở đi ngay. Có nhiều bệnh nhân bị bệnh nặng được ông Lâm chở miễn phí lên tuyến trên.

Việc làm của ông Lâm ban đầu là tự phát nhưng nay có sự lan tỏa thêm một số người mua xe làm “chuyến xe 0 đồng”.

Đặc biệt trong thời gian chống dịch COVID-19, ông Lâm lái xe của mình giúp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của huyện và người dân, thực hiện nhiều chuyến xe miễn phí chở người dân đi cách ly. Vừa qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Chương đã khen thưởng cho ông Lâm. Ông NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An.

Nguồn Plo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây