Khi tham gia cùng các bạn trong Câu lạc bộ, có những buổi đi từ thiện, Linh thấy cuộc sống có ý nghĩa, giúp bản thân có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, tái tạo năng lượng tích cực trong mình. “Mình sẽ không quá bị bế tắc, vì khi có một niềm tin trong cuộc sống, khi bị áp lực trong cuộc sống thì dựa vào đó mình vươn lên, nghịch cảnh sẽ giúp cho mình phát triển”, Linh bày tỏ.
Trong các buổi sinh hoạt Mỹ Linh thích nhất là ngồi thiền, được hướng dẫn cách thư giãn cơ thể và niềm vui lớn nhất của bạn là: “Thấy rằng không ai thương mình bằng mình phải tự thương bản thân mình”.
Mỗi người trẻ tìm đến lớp giáo lý có một lý do riêng, nhưng chung quy lại đều là tìm cho mình nguồn năng lượng lành. Nguyễn Hải An (sinh năm 2009), học sinh lớp 8 - Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Q.3), một thành viên của lớp học giáo lý ở chùa cho biết, từ nhỏ, bạn đã được người thân dẫn đi tụng kinh mỗi tối, nhưng thấy bản thân chưa biết nhiều về Phật pháp, nên bạn muốn tham gia học để có sự hiểu biết đúng đắn.
An cho biết khi đi học Phật pháp, bạn thấy rất vui và thoải mái, quý thầy cô giảng rất dễ hiểu, dễ tiếp thu, nói rõ từng chi tiết, giải thích tường tận từng vấn đề. Qua các bài học, Hải An biết cách thực tập để bản thân an vui và mang niềm vui đến những người xung quanh. “Ngoài thời gian học và phụ giúp cha mẹ, nếu còn thời gian là em sẽ lên chùa công quả, và tham gia các khóa tu học ở chùa vì em thấy vui, và bình yên”, An bày tỏ.
Nâng đỡ tinh thần cho bạn trẻ
Câu lạc bộ Thanh thiếu niên chùa Bửu Đà được thành lập đầu tháng 11-2022, là nơi để các bạn trẻ đến chùa sinh hoạt, tập cho các bạn bén duyên với Phật pháp. Đại đức Thích Bổn Nguyên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Câu lạc bộ chia sẻ: “Ngày nay do áp lực cuộc sống, công nghệ nên bạn trẻ có nhiều vấn đề không giải quyết được và có một xu hướng chung là ngại nói.
Do đó Câu lạc bộ tổ chức các hình thức sinh hoạt về giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, và tâm lý để bạn trẻ có đời sống và sức khỏe tinh thần khỏe mạnh. Với chủ đề năm nay về Tình bạn, tình yêu hôn nhân gia đình, Câu lạc bộ mời chuyên gia, diễn giả chia sẻ, qua đó giúp các bạn có một cái nhìn về tình yêu trước hôn nhân; ý thức trách nhiệm của mình với gia đình. Tổ chức các chuyến đi thực tế tới các mái ấm, nhà mở, các hoạt động ngoại khóa, để thực hành về yêu thương”.
Ngoài những buổi học, Câu lạc bộ cũng tổ chức giao lưu, vui chơi, trao quyền cho các bạn, để các bạn suy tư và nói ra suy nghĩ, quý thầy hướng dẫn sẽ đúc kết, và các bạn tự nhìn lại chính mình. Qua đó, các bạn sẽ biết cách ứng phó với những khó khăn trong cuộc sống, biết thiền thư giãn, làm việc cảm thấy áp lực thì biết cách dừng lại để cho mình thở và sống trọn vẹn trong từng việc mình làm.
Đến với lớp học ở chùa Bửu Đà, các bạn trẻ được lắng nghe nhiều hơn. Mỗi lớp học sẽ có một thầy phụ trách. Như lớp Giáo lý dành cho Phật tử, Đại đức Thích Không Tú, Phó Chủ nhiệm lớp cho biết, việc thiết kế chương trình dựa trên nền tảng sách Phật học phổ thông của Hòa thượng Thích Thiện Hoa, do các vị giáo thọ là Tăng Ni tốt nghiệp Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, hoặc đang dạy ở Học viện hướng dẫn với hình thức học trực tiếp và học online.
Qua mỗi buổi học, các vị giáo thọ đánh giá cụ thể cảm nhận sự thay đổi của học viên sẽ có thay đổi cho phù hợp với đối tượng hướng dẫn. “Bất cứ lúc nào các bạn hỏi, luôn có các thầy lắng nghe và giải đáp, giúp các bạn tháo gỡ các nút thắt kịp thời hơn, để tái tạo năng lượng lành”, Đại đức Thích Không Tú cho biết.
Tâm huyết của người thầy
Từ ưu tư, trăn trở khi thấy Phật tử tới chùa đa số người lớn tuổi, còn người trẻ rất ít, Đại đức Thích Thị Vinh, trụ trì chùa Bửu Đà đã kết hợp với chư tôn đức mở ra các lớp dạy tiếng Hoa, lớp giáo lý, khóa tu một ngày tỉnh thức, lớp thư pháp, lớp cắm hoa và sinh hoạt Câu lạc bộ Thanh thiếu niên Phật tử tại chùa để Phật tử thấy có niềm vui, thu hút người trẻ tới chùa.
“Đối tượng nào chùa cũng quan tâm, nhưng đầu tiên là sinh viên và giới trẻ. Chùa tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt để phù hợp với mọi đối tượng. Tạo ra môi trường, gieo duyên, trên tinh thần họ cần gì mình sẽ hỗ trợ cái đó, tất cả mọi kinh phí chùa sẽ bỏ ra”, Đại đức Thích Thị Vinh nói.
Đại đức trụ trì chùa cho biết, tùy theo nhu cầu của Phật tử chùa sẽ có những hoạt động phù hợp. Có người họ chỉ cần tụng kinh thì tới chùa tụng kinh; có người bận cả tuần, cuối tuần muốn tu thiền thì tới khóa tu một ngày tỉnh thức; với các bạn sinh viên học quá nhiều rồi thì tới sinh hoạt câu lạc bộ vừa chơi nhưng vừa được tu học, thư giãn. Có người chỉ thích phóng sanh, có người muốn tặng quà, hoặc có người muốn tặng học bổng cho học sinh nghèo,… chùa cũng sẽ tạo điều kiện.
Sau mỗi chương trình, chư tôn đức ở chùa đều nhìn nhận đánh giá lại cho phù hợp, đôi khi có thể sẽ hủy bỏ chương trình đó, để đầu tư cho hoạt động phù hợp hơn. Đôi khi đứng trước nhu cầu cần thay đổi, chư tôn đức ở chùa cũng thay đổi để có cách tiếp cận phù hợp.
“Vì chúng tôi quan niệm ‘mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông’, do đó các hoạt động chùa tổ chức đều với mong muốn để Phật tử buồn cũng tìm tới chùa, vui cũng tìm tới chùa, tìm sự bình an cũng tới chùa, đôi khi chán cuộc sống xô bồ bên ngoài họ cũng muốn tới chùa, không vui không buồn cũng tìm tới chùa”, Đại đức Thích Thị Vinh chia sẻ.