TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhiều ngôi chùa cổ không chỉ có kiến trúc đặc sắc mà còn sở hữu những pho tượng đặc biệt. Mỗi bức tượng của các chùa này đều ẩn giấu những câu chuyện, giá trị văn hóa tâm linh riêng.
Cổng tam quan chùa Pháp Vân.
Đôi kỳ lân đá khổng lồ
Nằm ở mặt tiền đường Lê Thúc Hoạch (Quận Tân Phú, TP.HCM), chùa Pháp Vân thu hút khách thập phương bởi tòa tháp cao 14 tầng vươn lên nền trời xanh ngắt. Phía sau cổng tam quan được xây dựng khang trang, không gian chùa rợp mát bóng cây.
Chùa Pháp Vân nổi bật với tòa tháp cao 14 tầng.
Theo các tài liệu tại chùa, tiền thân chùa Pháp Vân là ngôi thiền đường dành cho sinh viên thiền tập. Thiền đường này nằm trong khuôn viên trường Đại học Vạn Hạnh do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập và khởi xướng năm 1965.
Lúc mới thành lập, thiền đường chỉ là mái lá đơn sơ. Do đó, nơi đây còn được gọi là chùa lá Pháp Vân. Sau năm 1975, mái tranh của thiền đường mục nát và được thay thế bằng tôn.
Thời gian này, ngôi chùa cũ xuống cấp nặng nề. Khuôn viên xung quanh cũng bị cỏ dại, người dân xâm lấn. Không có người chăm nom, nhang khói thường xuyên, khuôn viên chùa bị kẻ xấu phá hoại, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Năm 1986, Hòa thượng Thích Thật Trí, Trụ trì chùa Pháp Vân vì tuổi già sức yếu nên mời thầy Thích Phước Trí từ chùa Vạn Phước về làm thị giả, giúp tiếp quản Phật sự tại chùa.
Thời gian đầu về chùa, thầy Phước Trí đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thầy đã nỗ lực tu tập và phát nguyện trùng tu ngôi thiền đường cũ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đông phật tử đến tu tập.
Sau 4 năm khởi công xây dựng, chùa hoàn thành các hạng mục như: Đại Giảng Đường, Tòa Chánh Điện, Tổ Đường, Linh Đường, Điện Di Đà…
Trong giai đoạn trùng tu, chùa cũng xây dựng hội trường cho gia đình người khuyết tật, nhà, chỗ ở cho học sinh, sinh viên nghèo đến TP.HCM học. Các hạng mục này đều được xây dựng khang trang trong một không gian yên tĩnh, rợp mát bóng cây.
Các đường nét được đục đẽo vừa mềm mại vừa cứng cáp thể hiện được thần thái linh vật.
Đặc biệt, chùa hấp dẫn khách thăm quan bởi cặp tượng kỳ lân bằng đá hoa cương khổng lồ đặt đối diện cổng tam quan. Hai bức tượng này dài 10m, rộng 4.2m, cao 5m được tạc từ những khối đá hoa cương lớn.
Bên ngoài, hai bức tượng bằng đá được người thợ tạo tác, đục đẽo bằng những đường nét vừa cứng cáp vừa mềm mại làm nổi thần thái của loài linh vật. Bên trong, tượng được đục rỗng, trở 2 thành cầu thang dẫn lên chính điện của chùa.
Để hoàn thành 2 bức tượng đặc biệt nói trên, 15 thợ điêu khắc đá tay nghề cao phải làm việc liên tục trong 3 năm. Ngày 5/7/2015, tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập đây là “Cặp kỳ lân bằng đá hoa cương lớn nhất”.
Bên trong kỳ lân đá rỗng, trở thành cầu thang dẫn lên chính điện của chùa.
Tượng đồng trị giá nửa tỉ đồng
Ngoài đôi kỳ lân đá khổng lồ, chùa Pháp Vân còn sở hữu bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở thế đứng trên tòa sen hiếm gặp. Bức tượng được bài trí trang trọng tại tầng 5 của bảo tháp.
Tượng có nhiều mặt chính nhìn ra phía trước và 42 cánh tay lớn. Các cánh tay này để trần, bàn tay trong tư thế ấn quyết và thiền định.
Vòng cánh tay phụ tạo thành một vòng tròn lớn đặt phía sau tượng. Trong mỗi bàn tay này có 1 con mắt. Toàn bộ bức tượng cùng phần đài sen phía dưới đều được tạo tác bằng đồng.
Tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở thế đứng bằng đồng.
Tổng trị giá bức tượng lên đến nửa tỉ đồng. Năm 2017, bức tượng trên được Kỷ lục Việt Nam xác nhận là "Tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt (ở thế đứng) bằng đồng cao nhất Việt Nam".
Cũng trong tầng này, chùa bài trí rất nhiều tượng Phật. Phía sau các bức tượng này là những cánh cửa bằng gỗ sao. Trên mỗi cánh cửa đều được khắc lộng những dòng Kinh Bát nhã bằng tiếng Việt do Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch.
Năm 2017, chùa Pháp Vân đón nhận thêm một kỷ lục mới là "Kinh Bát nhã bằng tiếng Việt (bản dịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh) được khắc lộng vào bộ cửa bằng gỗ sao lớn nhất".
Bức tượng đã được xác lập kỷ lục.
Ngoài 3 kỷ lục trên, chùa Pháp Vân sở hữu nhiều công trình có quy mô, đặc sắc về nghệ thuật kiến trúc. Một trong số này là tòa tháp cao 14 tầng. Ở hai tầng đầu của tòa tháp là chính điện và giảng đường.
Các tầng tháp trên nhỏ dần, mỗi tầng một chức năng như: Tổ đường, linh đường, điện Phật, tháp chuông, tháp trống...
Hoa văn trang trí ở tầng trên cùng của tháp có màu sắc sặc sỡ. Vòng tròn chính giữa là cách điệu của lá cờ Phật giáo, xung quanh là hình ảnh tượng trưng của lá bồ đề.
Một góc khuôn viên xanh mát, xinh đẹp trên tầng 5 của chùa Pháp Vân.
Năm 2005, chùa Pháp Vân tiếp đón phái đoàn Tăng thân Làng Mai do Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đầu cùng 200 thiền sinh từ Pháp về thăm. Từ đó, chùa được nhiều người biết và tìm đến tu học.
Nguồn Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự