Làng đúc đồng hơn 400 năm, "chuyên trị" các... kỷ lục

Thứ tư - 15/02/2023 21:58
Những tác phẩm thuộc hàng kỷ lục Việt Nam đã tạo nên tiếng vang cho làng đúc đồng cổ Phước Kiều. Sản phẩm làng nghề không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn vươn ra thế giới.
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng (69 tuổi), một trong những người "giữ lửa" làng nghề đúc đồng cổ Phước Kiều (Ảnh: Ngô Linh).
Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng (69 tuổi), một trong những người "giữ lửa" làng nghề đúc đồng cổ Phước Kiều (Ảnh: Ngô Linh).
Làng đúc đồng chuyên làm "hàng khủng"

Nghệ nhân ưu tú Dương Ngọc Thắng (69 tuổi), sinh ra trong một gia đình ba thế hệ sống bằng nghề đúc đồng tại làng Phước Kiều, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam. Ông được biết đến là một trong những người nỗ lực "giữ lửa" làng nghề qua bao bể dâu, thời cuộc.

Ông Thắng chia sẻ, sau thời gian được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đúc đồng Phước Kiều, năm 2000, để mở hướng đi riêng cho mình cũng như xây dựng thương hiệu cho làng nghề, ông quyết định thành lập doanh nghiệp riêng.

Tính toán hướng đi mới, ông Thắng chế tác những sản phẩm lưu niệm bằng đồng và tự tay mang đi tiếp thị tại các khách sạn, nhà hàng, khu du lịch dọc miền Trung.

a
Ngoài những sản phẩm phục vụ thờ cúng, công ty của ông Thắng còn sản xuất đồ mỹ nghệ, trang trí… (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Thắng cho biết, làm doanh nghiệp khác với HTX, phải thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ mới trong chế tác, đa dạng hóa sản phẩm. Muốn nghề tồn tại, chỉ có thể thích nghi với nhịp sống mới.

"Chọn lối đi riêng thì thường kèm theo điều tiếng, nhưng tôi không để tâm, chỉ cần cái tên làng Phước Kiều được gợi nhắc nhiều hơn, là giữ gìn tiếng quý của làng rồi. Nhiều người trước đó từng phản đối quyết liệt, nhưng sau này họ đã quay lại, bắt tay làm ăn với mình, góp phần đưa thương hiệu đồng Phước Kiều vươn xa", nghệ nhân Dương Ngọc Thắng bộc bạch.

a
Chuông đồng "Đại hồng chung" nặng gần 2 tấn và được đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Điện Bàn, Quảng Nam (Ảnh: NVCC).

Cùng với đó, ông và những người thợ lành nghề trong làng đã có những sản phẩm xác lập kỷ lục Việt Nam, lần lượt cho ra đời nhiều sản phẩm độc, lạ như cặp súng thần công theo nguyên mẫu thời Nguyễn; mặt trống đồng có đường kính 1,1m, dày 20cm được chế tác vào năm 2010.

Công ty cũng đã đúc thành công chiếc đồng hồ nước bằng đồng cao 2,5m với tổng trọng lượng 500kg; 12 con giáp cung hoàng đạo; nồi lư đồng kỷ lục 1.500 tấn. Những sản phẩm có một không hai này đánh bóng thêm tên tuổi cho đồng Phước Kiều.

Từ cơ sở của ông, nhiều sản phẩm đã đến với mọi miền đất nước, góp phần làm sống lại một thương hiệu đúc đồng Phước Kiều đã tưởng chừng như mai một.

Vị thế làng đúc đồng cổ hơn 400 tuổi

Theo các cụ cao niên của làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng có lịch sử hình thành từ khi Dinh trấn Quảng Nam (dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng) đặt tại đất Thanh Chiêm vào đầu thế kỷ 17, tồn tại và phát triển tới nay đã hơn 400 năm.

a
Cặp súng thần công nguyên mẫu triều Nguyễn được hoàn thành trong thời gian 3 tháng (Ảnh: NVCC).

Sản phẩm của làng nghề vào giai đoạn sơ khai chủ yếu phục vụ cho các sinh hoạt lễ nghi, thờ cúng và phong tục tập quán, như lư đèn thờ, chuông, chiêng, súng đạn, nồi niêu, xoong chảo...

Sự tồn tại và phát triển của làng nghề đúc đồng Phước Kiều như hôm nay ngoài sự đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ nghệ nhân xưa, như các ông Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên).

Đặc biệt, các nghệ nhân Dương Nhi, Dương Ngọc Tiển, Dương Ngọc Sang, Dương Ngọc Thắng hiện vẫn giữ nghề, đưa sản phẩm của làng nghề không chỉ cung ứng thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới, thông qua kênh xuất khẩu và du lịch.

a
Hơn 100 thợ trẻ được đào tạo tay nghề từ cơ sở đúc đồng Phước Kiều (Ảnh: Ngô Linh).

Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng chia sẻ, ông cảm thấy bản thân may mắn vì được sinh ra và chọn ngay cái nghề của gia tộc để lập nghiệp, theo đuổi cả cuộc đời. May mắn, thành công đến từ cái bệ đỡ lớn của danh xưng Phước Kiều.

Không dừng lại ở giới hạn tự mày mò để làm nên những sản phẩm bằng đồng khác biệt, ông Thắng sang tận Thái Lan xem cách người ta làm đồ lưu niệm. Ông đến những phường đúc danh tiếng để học hỏi thêm các ngón nghề, kỹ xảo để làm nên những sản phẩm bỏ túi tinh tế.

Dương Ngọc Thắng là một trong số ít nghệ nhân của làng đúc Phước Kiều không những sống được với nghề mà còn nâng tinh hoa nghề lên một tầm cao mới, trở thành cánh chim đầu đàn trong việc khôi phục, bảo tồn, phát triển thương hiệu đúc đồng Phước Kiều.

Từ ngày thành lập công ty đến nay, ông đã truyền dạy nghề cho trên 100 thợ trẻ. Công ty hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động trực tiếp, với mức thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/tháng.

Dù đã ở tuổi 70, nghệ nhân Dương Ngọc Thắng vẫn luôn đau đáu với sự phát triển làng nghề. Không chỉ vấn đề khó khăn về ứng dụng kỹ thuật, chuyện thợ trẻ của làng, chuyện làng sẽ làm du lịch, thích ứng cơ chế thị trường mới... luôn khắc khoải, khiến ông lúc nào cũng phải suy tư, đau đáu.

Nguồn Dân Trí

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây