Người đàn ông sửa giầy miễn phí cho sinh viên, người lao động nghèo ở Sài Gòn

Thứ bảy - 11/02/2023 04:32
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q. 3), chiếc kệ để giày màu vàng cũ kỹ bên hông căn nhà nhỏ là nơi anh Tuấn hành nghề sửa giày gần 30 năm qua.
Anh Tuấn đã gắn bó với tiệm sửa giày ngoài trời của mình gần 30 năm. (Ảnh: Phương An)
Anh Tuấn đã gắn bó với tiệm sửa giày ngoài trời của mình gần 30 năm. (Ảnh: Phương An)
Gần 30 năm sửa giày miễn phí
Anh Huỳnh Thanh Tuấn là người gốc Ninh Thuận, nhưng sinh ra ở Sài gòn và đã sống ở thành phố sôi động này hơn nửa đời người. Anh hành nghề sửa giày dép đã gần 30 năm. Anh kể, hồi thời của anh, cuộc sống còn khó khăn lắm, không có điều kiện như bây giờ, anh thấy mình không có duyên với việc học hành nên dứt khoát xin ba mẹ cho mình nghỉ học để đi học nghề. Hồi còn đi học, mỗi lần đi ngang tiệm sửa giày dép trên vỉa hè, ông chủ tiệm thường cười đùa bảo: “Sau này không đi học nữa thì tới đây chú dạy nghề cho”. Vốn tưởng chỉ là câu bông đùa, không ngờ sau đó anh thật sự theo người chủ ấy học nghề sửa giày.

Từ lúc bắt đầu học đến lúc ra nghề cũng ngót nghét 3 năm. Tâm sự về những ngày còn trẻ, anh kể lại: “Lúc đó, tôi ngồi học nghề, làm với thầy tôi, thời đó còn khó khăn lắm, mấy cô chú bán vé số, chạy xích lô… mang dép nhiều khi bị mòn muốn nát chân, nhưng họ cũng không có tiền mua dép mới. Thấy vậy, tôi mới có suy nghĩ sau khi học nghề xong ra tôi sẽ làm miễn phí cho các đối tượng khó khăn”. Vì thế, sau khi ra nghề tầm 1 - 2 năm, anh cũng bắt đầu hoàn thành tâm nguyện nhỏ nhoi của mình, mãi cho đến bây giờ.

a
Nhận giày, chỗ nào cần thay thì anh mới sửa, chứ không bao giờ để khách tốn kém. (Ảnh: Phương An)

Anh kể, sửa giày dép ngày nay khác trước nhiều lắm. Giày dép bây giờ kiểu dáng, chất liệu đa dạng, nhiều chủng loại, kỹ thuật để làm ra một đôi giày cũng không giống với trước đây, anh phải vừa làm, vừa tự học để thay đổi kỹ thuật. “Ngày xưa, tôi theo thầy học nghề thì nó thiên về truyền thống. Bây giờ thì nó cải tiến rồi. Giống như ngày xưa đâu có ép bằng máy, bây giờ cải tiến là ép bằng máy, khác nhiều lắm…”, anh nói.

“Họ vui, mình cũng vui lây”
Trung bình, mỗi ngày anh nhận sửa tầm 5 - 10 đôi giày, ngày nào đắt khách thì nhận được nhiều đơn hơn. Thấy anh ngồi sửa giày ngoài trời chỉ có mỗi cái mái che trên đầu, hỏi anh công việc có vất vả lắm không thì anh xua tay lắc đầu, bảo nghề của anh không có gì khó khăn, cực khổ hết. Chỉ ngặt nỗi mấy tháng mưa, trời mưa tạt nên keo dán giày không khô được, thời gian anh trả hàng cho khách sẽ chậm hơn bình thường.

Công việc của anh thường là dán đế và khâu vá giày nam nữ. Nhận sửa giày miễn phí gần 30 năm, anh chưa bao giờ nhận tiền quyên góp hay đòi hỏi được báo đáp gì cả. Anh Tuấn cười nhẹ bảo: “Cái vui nhất của tôi lúc làm việc là khi sửa miễn phí cho các cô chú có thu nhập thấp và sinh viên. Lúc họ nhận lại sản phẩm mình sửa giúp họ, họ vui, mình cũng vui lây”.

Lúc mới nhận sửa miễn phí, anh Tuấn thường dặn người này người kia có bạn bị hư giày dép thì mang đến tiệm anh. (Ảnh: Phương An)
Lúc mới nhận sửa miễn phí, anh Tuấn thường dặn người này người kia có bạn bị hư giày dép thì mang đến tiệm anh. (Ảnh: Phương An).

Nhiều năm hành nghề với tấm lòng nhân ái, anh nhận sửa đủ mọi loại giày, từ giày da đến giày thể thao, từ những đôi giày chỉ tầm mấy chục nghìn đồng đến những đôi giày giá tiền cả triệu. Anh cũng gặp đủ mọi kiểu người, có người lợi dụng lòng tốt của anh đến nhờ anh sửa giày miễn phí, dù không thực sự khó khăn. Dù vậy, anh vẫn vui cười chấp nhận: “Tôi không phân biệt giàu nghèo gì hết, ai đúng chính sách mà tôi đưa ra là tôi giải quyết hết, còn chuyện họ gian dối thì kệ họ, tôi không quan tâm vấn đề đó, nhưng nếu nhiều lần quá thì tôi sẽ nói để họ có ý thức”.

Anh Tuấn còn kể, trong mấy chục năm làm nghề, vị khách để lại nhiều ấn tượng nhất với anh là một vị khách ở “tuốt” trên tận Củ Chi. Đó là một người đàn ông mắc bệnh tai biến, vị khách ấy biết đến anh Tuấn qua ti vi nên mới muốn đến gặp tận mắt người thật việc thật ngoài đời.

“Ông ấy đón xe buýt từ Củ Chi xuống đây để gặp tôi, gặp được tôi thì ông ấy ôm tôi khóc, nói xem ti vi thấy cảm động quá nên muốn xuống đây gặp tận mặt… Ông ấy cũng mang một đôi giày bị hư trên chân nên sẵn tôi sửa giúp luôn”. Kể xong, mặt anh cũng man mác buồn. Chuyện cách đây 6 - 7 năm rồi, từ đó đến nay anh Tuấn cũng không gặp lại vị khách ấy nữa.

Lan tỏa lòng tốt bằng nhiều cách
Trên tủ có nhiều giày cũ được sửa lại nhưng không để tên khách hàng, đó là vì thấy anh sửa giày miễn phí cho người nghèo nên nhiều mạnh thường quân mang giày cũ đến gửi tặng. Sau khi nhận, anh Tuấn sẽ sửa lại rồi cất ở đó để dành tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người giày hư hết cả không sửa được thì anh khuyên họ bỏ đi chứ giữ lại cũng không dùng được nữa, rồi tặng họ giày người ta quyên góp nếu có size vừa chân.

Ngoài công việc sửa giày dép thì anh Tuấn cũng nhận dạy học trò. Học trò của anh phần lớn sinh sống ở địa phương và có hoàn cảnh éo le khác nhau. Anh bộc bạch: “Mấy đứa làm với tôi từ lúc nhỏ rồi, cuộc đời của mấy đứa cũng như tôi vậy đó, học không được thì tôi tiếp quản mấy đứa, tôi hỏi trước, mấy đứa có thích học nghề với tôi không thì tôi dạy…”.

Theo anh Tuấn hơn 15 năm, anh Hải (bên phải) đã sớm thành thạo việc khâu dán đế giày. (Ảnh: Phương An)
Theo anh Tuấn hơn 15 năm, anh Hải (bên phải) đã sớm thành thạo việc khâu dán đế giày. (Ảnh: Phương An)

Nhận học trò, anh luôn dạy đạo đức, cách làm người trước rồi mới dạy nghề. Được học tập nhiều thứ từ “sư phụ”, khi ra nghề, các học trò của anh đều học anh giúp đỡ những cô chú có hoàn cảnh khó khăn. Bây giờ, cùng làm với anh chỉ còn một người, theo anh từ lúc 15 - 16 tuổi, bây giờ đã ngoài ba mươi tuổi.

Khi được hỏi có bao giờ anh từng nghĩ đến việc bỏ công việc này, anh Tuấn lắc đầu kiên quyết: “Không có, tôi rất là yêu nghề. Chưa bao giờ tôi cảm thấy chán công việc của mình hết!”. Công việc này đã mang lại cho anh nhiều thứ, không phải những thứ có thể đong đếm được như đồng tiền. Nhiều người sửa giày ở chỗ anh từ thời còn là sinh viên, đến khi lập gia đình vẫn quay lại tìm anh, trở thành bạn bè của anh.

Hai chiếc tủ nhôm chất đầy giày bên trên, trên tủ có dán một tấm bảng đỏ “Tuấn – Nhận sửa giày dép miễn phí cho các anh chị: Vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị...”. Anh Tuấn đã gắn bó với tiệm sửa giày ngoài trời của mình gần 30 năm.

Nguồn Báo mới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây