Sự tích lễ hội Pôồn Pôông
Đến xã Cao Ngọc (huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) hỏi nghệ nhân Phạm Thị Tắng (SN 1948) ai cũng đều ngỡ ngàng. Cụm từ “nghệ nhân” dường như còn xa lạ với người Mường nơi đây. Mãi đến khi hỏi về lễ hội Pôồn Pôông, họ mới tặc lưỡi rằng, nghệ nhân mà chúng tôi hỏi, người dân gọi là “Máy Tắng”.
Ngồi trong ngôi nhà sàn, nhâm nhi chén nước nấu từ lá cây rừng, bà Tắng bảo, cái tên “Máy Tắng” xuất phát từ lễ hội Pôồn Pôông.
Lễ hội này có từ bao giờ bản thân bà Tắng cũng không biết. Từ khi bà lớn lên đã thấy có nó. Lễ hội được tổ chức hàng năm vào các ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Ba và Rằm tháng Bảy.
Ý nghĩa của lễ hội là mong muốn cho mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống ấm no. Ngoài ra, lễ hội còn có nghi lễ cầu phúc, cầu an và mang tính chất giao duyên nam nữ.
Người chủ của lễ hội Pôồn Pôông thường gọi là Âu Máy (hay còn gọi là bà Máy). Vì thế người dân địa phương thường gọi bà Tắng là “Máy Tắng”.
Lễ hội có từ rất xưa, trong tiếng Mường, “Pôồn” có nghĩa là chơi, nhảy múa. “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa. “Pôồn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên cây bông (hay còn gọi là nhảy múa bên cây hoa).
Theo Máy Tắng, lễ hội Pôồn Pôông gắn liền với câu chuyện tình đẫm nước mắt của nàng Ờm và chàng Bồng Hương.
Máy Tắng giới thiệu các loại dụng cụ để tổ chức lễ hội Pôồn Pôông.
Tương truyền, nàng Ờm và Bồng Hương yêu nhau nhưng bị bố mẹ nàng Ờm chia cắt, do nhà Bồng Hương nghèo. Bất chấp sự ngăn cấm của bố mẹ, nàng Ờm vẫn lén lút gặp gỡ Bồng Hương. Một hôm, bố mẹ nàng Ờm bắt được đã đánh rồi đuổi nàng ra khỏi nhà.
Đau đớn, nàng Ờm lần theo con suối và gặp chàng Bồng Hương rồi cả hai cùng ăn lá ngón chết bên nhau. Trước khi chết, Bồng Hương lấy chiếc khăn trắng lau vết máu cho nàng rồi vắt khăn lên cây chạng bạng. Sau đó cây chạng bạng nâng niu chiếc khăn và biến chiếc khăn thành dây hoa bông trắng quấn quanh cây.
Cũng từ đó hoa bông nở vào tháng Ba, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Người Mường chọn cây hoa chạng bạng có hoa bông trắng nở để mở hội Pôồn Pôông.
Ngôi nhà sàn của Máy Tắng cũng là địa điểm tổ chức lễ hội.
Cả đời gìn giữ văn hóa Mường
Gia đình bà Tắng có truyền thống làm thầy mo Mường. Ngay từ nhỏ bà đã được gia đình dạy những điệu múa, hát xường, đẽo gọt cây chạng bạng…
Theo bà Tắng, có một thời gian lễ hội Pôồn Pôông bị lãng quên. Mãi đến năm 1987 tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 thì lễ hội Pôồn Pôông mới được “hồi sinh”.
Máy Tắng được tặng rất nhiều bằng khen, giấy khen liên quan tới việc giữ gìn các nét văn hóa của lễ hội.
“Ngày đó tôi và một số người trong bản đã đem lễ hội Pôồn Pôông đến với nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để giao lưu, gặp gỡ. Những lần như vậy chúng tôi mang về không ít giải Nhất, huy chương Vàng.
Năm 2015 tôi được công nhận là nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Năm 2017, lễ hội Pôồn Pôông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, Máy Tắng phấn khởi nói.
Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên bà Tắng bảo, bà phải dành nhiều thời gian hơn để truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pôồn Pôông cho các thế hệ con cháu.
"Đến nay số người được tôi truyền dạy đã lên đến hàng trăm người, chủ yếu là các cháu nhỏ. Tôi mong rằng, sau khi tôi mất đi, các cháu sẽ là người nối tiếp những điệu hát, nhảy trong lễ hội Pôồn Pôông” bà Tắng tâm sự.
Nguồn Vietnamnet