Chàng trai Hà Nội vào rừng rèn bản lĩnh, lập nghiệp

Thứ sáu - 08/01/2021 17:20
Khi Tất Đạt muốn theo nghiệp kinh doanh, chứ không theo sự sắp xếp của gia đình, bố cậu ra điều kiện con phải tự sinh tồn trong rừng để thử chí chịu đựng.
Trước khi được bố ủng hộ vào Kon Tum lập nghiệp, Đạt đã ra đường bán bánh mỳ, trà đá, theo học nghề làm chân nhang của người anh họ, từ đó tích lũy được nhiều kỹ năng tự lập, cũng như sửa chữa. Trong ảnh, Tất Đạt với một củ sâm ở Ngọc Linh vừa thu hái. Ản
Trước khi được bố ủng hộ vào Kon Tum lập nghiệp, Đạt đã ra đường bán bánh mỳ, trà đá, theo học nghề làm chân nhang của người anh họ, từ đó tích lũy được nhiều kỹ năng tự lập, cũng như sửa chữa. Trong ảnh, Tất Đạt với một củ sâm ở Ngọc Linh vừa thu hái. Ản

Trước khi ra quyết định này đã nhiều lần vợ chồng ông Trương Quang Thiều, ở Thanh Xuân (Hà Nội) mở cuộc họp gia đình để chất vấn chuyện "chán học thèm kinh doanh" của cậu út Trương Tất Đạt. Vợ chồng ông đều là quân nhân, định hướng gia đình muốn con làm trong một cơ quan nhà nước ổn định. Ngược lại, Đạt chưa thực sự biết mình muốn kinh doanh gì, nhưng biết chắc "không muốn sự êm đềm".

Trong khi vợ phản đối, ông Thiều chỉ phân tích những khó khăn khi ra làm ngoài. Đạt vẫn một mực chấp nhận. Cuối cùng người cha đồng ý cho con vào Kon Tum lập nghiệp làm chân nhang (lõi tre trong que nhang), trên một cái lán có sẵn máy móc nhưng chưa triển khai gì.

"Con phải ở một mình trên một quả đồi, nấu bếp củi, dùng nước suối, không tivi, tự thân vận động", người cha 42 năm phục vụ trong quân đội, ra điều kiện.

Dĩ nhiên Đạt mừng rơn. Một ngày cuối năm 2012, chàng trai 22 tuổi hăm hở lên đường. Trong balo ngoài vài bộ quần áo thì toàn là sách. Nơi "tu chí lập thân" của Đạt nằm trên một quả đồi tại Đắk Kroong, cách trung tâm huyện Đắk Glei gần 20 cây số, xung quanh là đồng bào Giẻ Triêng.

Trong ấn tượng ban đầu của bà Phạm Thị Mận, 50 tuổi, một người kinh doanh khá có tiếng ở Đắk Glei, Đạt "thật thà đến khờ", ai nói gì cũng tin. "Mọi người gọi Đạt là gà công nghiệp. Ban đầu tôi nghĩ cậu ấy không làm kinh doanh được, có cố gắng thì chỉ hợp làm sản xuất", bà Mận, người Đạt xem như "sư phụ", chia sẻ.

Tại lán có ba loại máy để làm chân nhang, hàng ngày Đạt tự cho chạy máy, chỉnh máy, ghi chép lại, từ đó tính toán để tìm ra phương án sản xuất. Máy trục trặc, cậu tự mang cờ lê, mỏ lết ra sửa, tự tay đấu nối đường điện. Chàng trai cứ lủi thủi một mình. Chỉ hôm trời mưa to, nước suối đỏ ngầu và nhớt, Đạt mới xuống nhà dân xin nước.

Đến tháng thứ ba, Đạt bắt đầu tuyển công nhân. Một năm sau, xưởng hoạt động trơn tru. Chàng trai tiếp tục phối hợp cùng bà Mận mở một xưởng nghiền bột bời lời (một loại nguyên liệu làm nhang).

Hồi đó ông Thiều đang làm một đoạn trong công trình đường tuần tra biên giới Việt - Lào. Vài tuần ông lại ra thăm con trai một tối. Người cha nghĩ "nếu con chịu được hoàn cảnh sẽ cho theo con đường đã chọn, còn nếu không thì dứt khoát cho về Hà Nội". Nhưng qua những lần đến thăm, ông nhận ra cậu con trai mình "cũng có gene con nhà lính".

1

Từ khi trong quân ngũ, ông Trương Quang Thiều nhận thấy vùng đất Tây Nguyên có nguồn tài nguyên rất lớn, nhưng làm "ăn xổi" theo số đông thì không bền. Ông đưa con vào đây kèm câu nói: "Bất luận con làm gì, phải giữ nguyên tắc 'gieo nhân nào gặp quả nấy". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sang năm 2014, Đạt tiếp tục hợp tác khai thác nhựa thông bên Lào. Thời gian đầu, công việc bắt đầu xán lạn nhưng cũng đầy vất vả. Mùa mưa, cậu thường xuyên phải cuốc bộ 10 km vào các bản làng xa xôi, có lần nửa ngày mới tới được lều lán công nhân.

Chàng trai ám ảnh nhất một lần dẫn công nhân lên bãi ở huyện Dak Cheung, tỉnh Sekong. Vắt đen chi chít trên mặt đất, đánh hơi thấy mùi máu, chúng ngóc dậy. Ăn rừng, ở rừng bao năm nhưng chưa bao giờ Đạt thấy nhiều vắt thế. Chẳng ai bảo ai, người lưng gùi bao gạo, bao mỳ tôm, mắm cá mà như lao đi như không. Đến lưng chừng đồi có ánh nắng, cả nhóm mới dừng lại. Dưới chân người nào người ấy có vài chục con vắt...

Thị trường hoạt động tốt được khoảng hơn hai năm thì bắt đầu biến động, giá bột bời lời đi xuống, hàng bán nhưng không thu hồi được vốn. Đỉnh điểm, cơn lốc giữa năm 2017 đánh bay nóc nhà xưởng ở Kon Tum, mưa ướt nhiều hàng hóa. Cùng lúc việc làm ăn tại Lào cũng thất bại, để lại số nợ vài tỷ đồng.

"Mọi thứ dồn dập đến như để thử thách sức chịu đựng của con người. Nhưng trong tình huống đó những bài học nhận được trong thời gian nằm rừng đọc sách và sự kề vai sát cánh của người thân quen khiến tôi dễ chấp nhận đã kinh doanh thì sẽ có lúc thắng lúc thua", Đạt chia sẻ.

Lo cho tương lai con mờ mịt, ông Thiều ăn ngủ không yên. Vào một đêm mưa xối xả tháng 7/2018, người cha không nhịn nổi nữa, ông hỏi: "Con định thế nào?". Nhìn khuôn mặt người cha sắt đá, đến giờ cũng hoang mang về mình, người con kiên định nói: "Cho con ba năm". Ông Thiều lẳng lặng rời đi. Không dám tin lời con, nhưng ông đã đạt được điều mình muốn, đó là biết được con trai vẫn ổn.

Còn với Đạt, đằng sau lời nói ngắn gọn là cả một hoài bão đã lớn dần sau sáu năm sống ở đây, được tiếp xúc nhiều với cây hồng đẳng sâm. Khi dùng sâm bên Lào, anh thấy có mùi tanh và không thấy cơ thể tốt thay đổi gì, so với loại sâm từng dùng trước đó ở Ngọc Linh. Suy nghĩ "tại sao lại có khác biệt, hay do mình chế biến không đúng", cứ lởn vởn trong đầu anh một thời gian dài.

Lời giải đến vào một lần Đạt thăm vườn sâm trồng trên độ cao 1.550 mét ở dãy Ngọc Linh. Củ sâm trồng ở đây ngọt, màu vàng, nhiều thân nhánh, để héo trong bóng râm 2 ngày vẫn rất giòn. Chỉ cách nhau vài chục km nhưng cảm quan sử dụng và hiệu quả của sâm ở Ngọc Linh lại khác hoàn toàn sâm ở Lào.

"Hàng ngày chứng kiến thương lái Trung Quốc vào tận các bản làng xa xôi thu mua dược liệu, tôi càng day dứt, rằng mình là thanh niên sức dài vai rộng, được tiếp xúc với công nghệ hiện đại, mà không mang được sản phẩm tốt cho sức khỏe đến cho dân ta sử dụng thì thật có lỗi", anh bộc bạch.

Sau 2 tháng suy nghĩ hoặc ổn định với các xưởng kinh doanh cũ hoặc dấn thân, một lần nữa Đạt chọn vế không ổn định. Anh xin dừng việc kinh doanh bên Lào, dừng sản xuất bột bời lời, chỉ tập trung vào xưởng tăm tre vẫn còn hoạt động hiệu quả. Từ cuối năm 2018, khi màn đêm buông xuống là Đạt lại vùi đầu vào nghiên cứu các tài liệu về sâm.

1

Tất Đạt (áo kẻ xanh) ăn trưa cùng người dân ở làng Tu Dốp, xã Ngọc Linh sau một buổi thu hoạch sâm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Ban đầu Đạt sử dụng những công cụ có sẵn để chế biến hồng đẳng sâm thành các sản phẩm khác nhau cho gia đình dùng thử. Nhiều hôm 2h sáng ông Thiều bị con trai đánh thức, mắt nhắm mắt mở đã bị đút ngay một miếng sâm vào miệng, dồn dập hỏi: "Bố thấy sao, đã tốt hơn lần trước chưa?". Có lần Đạt miệt mài thái sâm 12 tiếng và ngủ gục trên sàn nhà, tỉnh dậy lưng bị đau, phải nằm liệt giường 5 ngày. "Đó là lần ốm nặng nhất trong 8 năm sống ở đây. Bệnh là hậu quả suốt một thời gian dài nằm co vì lạnh và làm việc nhiều giờ một tư thế", anh cho hay.

Bước sang năm 2019, chàng trai rút vốn từ xưởng tăm tre để mua máy sấy lạnh, một công nghệ giúp hồng đẳng sâm khô từ từ, giữ nguyên được màu sắc và các vi chất có lợi. Anh mất thêm 6 tháng nghiên cứu ra cách nghiền bột sâm siêu mịn bằng sử dụng cối đá granit không gia nhiệt. Tiếp đó đầu tư nhiều máy khác để đảm bảo quy trình khép kín.

Đầu năm 2020 Đạt mang hai sản phẩm bột hồng đẳng sâm và sâm mật ong đi xét nghiệm. Bao lần giao dịch thành công, cầm trong tay tiền tỷ nhưng bao giờ anh thấy bồi hồi như khi ngồi chờ kết quả. Có rất ít thấy tài liệu nói trong đẳng sâm có saponin (một trong những hoạt chất chính giúp tạo nên sự kỳ diệu của nhân sâm). Một người quen của Đạt cũng từng đem sâm Lào đi xét nghiệm mà không thấy chất này. "Kết quả bột sâm của tôi đạt hàm lượng saponin là 1,92%, hồng đẳng sâm mật ong là 1,87%. Tôi lâng lâng hạnh phúc, điều tôi hy vọng đã đúng", chàng trai bồi hồi kể.

Đến tháng 5, Trương Tất Đạt đăng ký bảo hộ thương hiệu và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường. Đến giờ anh có một xưởng sản xuất sâm hơn 100 m2, với công nghệ đồng bộ, tạo việc làm cho 6 nhân công, bên cạnh xưởng xiên tăm tre có 15 công nhân. Sản phẩm của Đạt dùng sâm mua của đồng bào Xơ Đăng ở hai xã Ngọc Linh và Mường Hoong (Đắk Glei) trồng trên dãy Ngọc Linh. Ông chủ trẻ cũng đang hợp tác với một nhân viên trong công ty mình trồng 3 sào nguyên liệu và đang triển khai mở rộng lên một hecta nhằm mục đích sử dụng thực tiễn để nghiên cứu kỹ hơn về đẳng sâm trồng trên dãy Ngọc Linh.

1

Trong hai năm nghiên cứu làm sâm, Đạt chỉ mong đến ngày ra sản phẩm tốt để khoe với ông nội, thế nhưng ông mất trước khi Đạt làm được điều đó. Bắt đầu từ hè 2020, Đạt quyết định dành một tháng gác lại công việc để ở bên bà nội, khi bà còn khỏe. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Phòng làm việc của Đạt có một tấm bảng vẽ bức tranh lĩnh vực sẽ theo đuổi 5 năm tới và những công việc phải làm. Sâm chỉ là một nhánh trong tấm bản đồ. Hình thành một một chuỗi đồ uống bằng thảo dược và cây trái ở vùng đất dược liệu Kon Tum mới là hoài bão của Trương Tất Đạt.

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây