Lão nông hàng chục năm gìn giữ, bảo tồn nghề trồng chuối tiến vua

Thứ ba - 05/01/2021 21:56
Tiếp nối thế hệ đi trước, ông Trần Khắc Năm (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã nhiều năm gắn bó với nghề trồng chuối ngự Đại Hoàng, loại chuối dùng để tiến vua vào thời xưa.
Lão nông hàng chục năm gìn giữ, bảo tồn nghề trồng chuối tiến vua

Nhờ biết cách ứng dụng khoa học công nghệ vào việc chăm sóc chuối, nên người nông dân này đã thu được thành quả hơn cả mong đợi.

Hòa Hậu là một xã thuộc huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam (xưa là Phủ Lý Nhân). Nơi đây, được mệnh danh là "thủ phủ" chuối ngự Đại Hoàng, loại chuối từng được dùng để tiến Vua vào thời xưa. Dọc các con đường thôn, xóm của xã đâu đâu cũng là màu xanh mướt của vườn chuối, hầu như nhà nhà đều tận dụng triệt để đất trong vườn nhà để trồng chuối.

Nhờ việc trồng chuối ngự Đại Hoàng mà nhiều người dân trong xã đã phất lên trông thấy. Ông Trần Khắc Năm - làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, là một trong số đó.

1

Dọc các con đường thôn, xóm của xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam) đâu đâu cũng là màu xanh mướt của vườn chuối ngự Đại Hoàng, hầu như nhà nhà đều tận dụng triệt để đất trong vườn nhà để trồng chuối.

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trần Khắc Năm cho hay, sau nhiều năm bôn ba ở xứ người bươn trải với nhiều nghề khác nhau, hơn 20 năm về trước ông trở về quê hương "khởi nghiệp" và gắn bó với nghề trồng "chuối ngự Đại Hoàng".

Ban đầu, ông chỉ trồng khoảng 3-4 sào nhưng việc trồng chuối ngự tiến vua mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, đến nay vườn chuối của ông Năm đã được mở rộng lên hơn 10 sào và trở thành một trong số ít hộ trồng nhiều chuối ngự Đại Hoàng lớn nhất của xã Hòa Hậu. "Chuối ngự Đại Hoàng là đặc sản quý hiếm của địa phương và cho giá trị kinh tế cao. Nhờ việc trồng chuối đời sống kinh tế gia đình tôi đã thay đổi, có "của ăn của để", ông Năm tâm sự.

1
Ông Trần Khắc Năm (làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đang chăm sóc vườn chuối ngự tiến vua của gia đình.

Theo ông Năm, chuối ngự Đại Hoàng rất kén đất, chỉ phù hợp với dải đất ven sông Châu Giang chảy qua địa phận một số xã của huyện Lý Nhân bởi khu vực này là đất pha cát. Chất lượng đất thì không có một nơi nào ở Việt Nam mà có được vi lượng chất đất tốt tốt như ở Đại Hoàng. Ở đây thổ nhưỡng, khí hậu, gió mùa rất tốt, phù hợp cho cây chuối phát triển.

Tại vườn chuối của ông Năm, cây chuối ngự được áp dụng phương pháp trồng mới giãn cách, mỗi gốc chuối chỉ để một cây mẹ cho buồng và một mầm con tạo lứa mới.

1
Lãng nông Trần Khắc Năm chia sẻ kinh nghiệm trồng chuối ngự Đại Hoàng.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng chuối ngự Đại Hoàng, ông Năm cho biết, chuối ngự Đại Hoàng thích hợp sinh trưởng ở nhiệt độ từ 26-28 độ C. Cây rất cần nước, nhất là lúc phân hóa mầm, ra hoa, kết quả vì vậy người trồng chuối phải giữ ẩm, chống hạn cho chuối trong mùa khô và chống úng trong mùa mưa lũ.

"Chuối ngự Đại Hoàng có đặc điểm thân cao, yếu, giòn, dễ gãy đổ nên khi trổ buồng cần phải làm cột chống đỡ. Mỗi một bụi chuối không để quá 3 mầm, tức là có 1 cây mẹ và 2 cây con chuẩn bị cho thế hệ sau", ông Năm nói.

1

Theo chia sẻ, chuối ngự Đại Hoàng không ưa bón phân tươi, phân đạm chỉ bón vào thời gian đầu, nếu bón vào lúc chuối đang ra hoa đậu quả dễ gây nứt vỏ và quả chuối không giữ được màu sắc, phẩm chất nguyên bản.

Đặc biệt, lão nông với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng chuối ngự Địa Hoàng cho hay, chuối ngự không ưa bón phân tươi, phân đạm chỉ bón vào thời gian đầu, nếu bón vào lúc chuối đang ra hoa đậu quả dễ gây nứt vỏ và quả chuối không giữ được màu sắc, phẩm chất nguyên bản.

Vì vậy, để chuối chín đạt tiêu chuẩn, không chỉ cần chú ý kỹ thuật trồng, phương pháp chăm sóc mà công đoạn dấm chuối cũng rất quan trọng. Những hộ dân trồng nhiều chuối thường phải có lò dấm bằng vách đất.

1
Chuối ngự Đại Hoàng khác với những loại chuối thường, dáng quả nhỏ, chỉ to bằng hai ngón tay chụm lại. Khi chín, chuối ngự có màu vàng cam, cuống có màu xanh tươi.

Theo dòng tâm sự, ông Năm cho biết, hiện nay, với hơn 10 sào đất trồng chuối, tương ứng với hơn 600 gốc chuối được trồng trong vườn nhà, mỗi năm 1 gốc cho thu hoạch 2 buồng, mỗi buồng chuối dao động 5 - 7 nải.

Nhờ vào kinh nghiệm hơn 20 năm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng chuối nên mỗi vụ Tết hàng năm, vườn chuối nhà ông đều bội thu và cho thu nhập ổn định.

1
Hàng ngày ông Trần Khắc Năm đều phải kiểm tra các buồng chuối để tránh bị sương hoặc côn trùng làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chuối.

Tuy nhiên, năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời tiết khí hậu có sự biến đổi thất thường khiến cho số lượng chuối thu hoạch của hộ gia đình ông giảm chỉ còn 1/3 so với mọi năm.

"Đây đang là khó khăn không chỉ đối với gia đình tôi nói riêng mà còn là khó khăn của các hộ nông dân nói chung", ông Năm nói và khẳng định, dù đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là về kinh tế, ông vẫn chưa từng nguôi ngoai suy nghĩ duy trì, phát triển vườn chuối của gia đình. 

1
Nhờ vào kinh nghiệm hơn 20 năm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng chuối nên mỗi vụ Tết hàng năm, vườn chuối nhà ông đều bội thu và cho thu nhập ổn định.

Hàng ngày, ông vẫn miệt mài kiên trì với truyền thống của thế hệ trước và cũng là truyền thống của địa phương về một huyền thoại chuối ngự Đại Hoàng hay còn gọi là chuối Tiến Vua đã được đi vào thơ ca, văn học bao đời nay.

Chuối ngự được trồng tại làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Theo người dân Đại Hoàng ghi lại trong sách sử địa phương, một lần vua Trần cùng đoàn tùy tùng xuôi thuyền từ kinh thành Thăng Long về hành cung Thiên Trường nghỉ chân tại Lý Nhân nên đã ăn thử giống chuối địa phương. Thấy loại quả ngon, vua ban thưởng và truyền cho người dân nhân giống. Từ đó, chuối làng Đại Hoàng được mang tên chuối Ngự, hay còn gọi là chuối tiến Vua và cũng từ đó tại xã Hòa Hậu, nhà nhà trồng chuối, người người trồng chuối và truyền thống được tiếp nối đến ngày nay.

Theo Danviet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây