Tây Nguyên vào những ngày đầu năm, chúng ta rất dễ bắt gặp những bà con bản địa đang gùi đót đi khắp các nẻo đường. Theo tìm hiểu của phóng viên, mùa đót ở Gia Lai bắt đầu từ khoảng tháng 12 đến tháng 3 hàng năm. Để cây đót chất lượng nhất, bà con đều chọn tháng 1 để đi hái. Tuy nhiên, để hái được những cây đót, bà con "băng rừng" đi rất gian nan. Cây đót thường mọc trên núi đá, ven rừng hoặc các kênh mương trong rừng.
Mới 7h sáng khi màn sương chưa tan trên đỉnh núi, chị Jen (thôn Bông Hiot, xã Hải Yang, Gia Lai) đã lên rừng đi hái đót cùng với bà con. Trên chiếc xe sắt độ chế, chị cùng chồng bươn lên từng con dốc đỏ dựng đứng, rồi lao xuống vực sâu. Gần trưa, đoàn xe mới đến được cánh rừng đót xanh mơn mởn đang tung bay trước gió.
Lúc này, những người đàn ông trèo lên tận đỉnh núi cheo leo bên vực núi để hái đót. Người phụ nữ sức yếu thì hái những đám đót mọc hai bên đường.
Theo chị Jen: "Mùa này, cả làng chúng tôi đều đi từng tốp men theo sườn núi, quả đồi để tìm đót. Thời gian này, cây đót bông to, đẹp và vừa chớm nở nên giá cũng cao. Trung bình mỗi ngày một người hái 30 - 40 kg đót. Lúc nào may mắn trúng được vào khu vực nhiều đót mà chưa có ai phát hiện có khi hái nửa tạ".
Để hái được những cây đót, bà con phải băng qua những cánh rừng già bằng xe độ chế.
"Mới đầu mùa đót nên chúng tôi bán khoảng 6.200đồng/kg. Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng cũng thu được khoảng 500 ngàn đồng. Chính vì có thu nhập cao nên vợ chồng cố gắng đi sớm và đi thật xa để có những đám đót mới. Chỉ đầu mùa thì đót mới đẹp còn hết tháng 1 thì đót nở hoa hết nên không bán được nữa", chị Jen bộc bạch.
Mỗi ngày, bà con thu nhập hàng trăm ngàn từ nghề đi hái đót.
Theo kinh nghiệm của những người đi rừng, thời gian đót trổ bông đến khi thu hoạch không lâu, khoảng từ 30 đến 45 ngày nên muốn tranh thủ nguồn đót phải "chạy đua" với thời gian. Không khí thu hái bông đót đang nhộn nhịp khắp các nẻo đường ở vùng đất đỏ bazan.
Anh Dưng (xã Hải Yang, Đăk Đoa, Gia Lai) chia sẻ: "Mỗi ngày tôi cũng kiếm được 350.000 - 400.000 đồng. Tuy nhiên, nghề hái đót cũng nguy hiểm lắm, rắn rết nhiều lại thêm đót thường mọc ở vách đá, bờ suối nên không cẩn thận là mất mạng như chơi…Nhưng nhờ thu nhập này mà tôi mua sách vở, quần áo mới cho con. Ngoài ra, gia đình có mua thêm nếp, gà chuẩn bị cho những ngày lễ cúng cuối năm".
Để có những cây đót tốt, thanh niên phải trèo lên những vách đá cheo leo, hiểm trở.
Để kiếm tiền mua quần áo mới, đám trẻ trong làng Kông Hiot cũng rủ nhau lên đám rẫy gần nhà để hái đót. Em Đinh Thị Liên (12 tuổi, xã Hải Yang) đã dẫn theo em 5 tuổi của mình để vào rừng hái đót.
Em Liên cho biết: "Tranh thủ những ngày chủ nhật, em lại đi quanh nhà để kiếm đót về bán mua sách vở, quần áo tết. Hồi nhỏ em cũng hay theo cha đi vào rừng hái đót nên giờ em cũng biết chỗ nào đót nhiều, những chỗ nguy hiểm thì nhờ người lớn hái còn em hái những cây nhỏ thôi. Mỗi ngày em bóc nhanh cũng được gần 20kg đót để đưa cho bố bán...".
Nhờ những cây đót tự nhiên mà bà con có thêm thu nhập cao trong khi cái tết cận kề.
Trao đổi với chúng tôi, một thương lái mua đót (xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) cho biết: "Hiện nay, đót có giá khoảng gần 7.000đồng/kg. So với năm ngoái thì đót năm nay tăng nhẹ nhưng đổi lại thì đót hiếm và nhỏ hơn. Trung bình cứ 1kg đót tươi, sau khi phơi còn khoảng 4 lạng đót khô. Đót khô sẽ có giá khoảng 19.000 - 20.000đồng/kg…".
Những ngày nghỉ, lũ trẻ trong làng cũng đua nhau lên rẫy hái đót về bán để sách vở.
Nhờ vào loại cây từ lộc trời này mà người dân ở vùng Tây Nguyên đã có thêm thu nhập vào những ngày cuối năm, khi cái tết đang cận kề. Đám trẻ trong làng cũng nhộn nhịp lên rẫy hái đót trong những ngày cuối tuần. Tuy nhiên, việc hái đót còn bấp bênh, phụ thuộc vào thời tiết và vị trí mọc nhiều. Càng ngày, nguồn đót cũng hiếm dần nên người dân phải băng vào những cánh rừng xây để hái đót.
Nguồn tin: Dantri.com.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự