Tại số 2 phố Hàng Nón, nằm sâu trong ngách nhỏ chật chội giữa hàng chục hộ dân cư là đình Hàng Thiếc thờ Thánh sư - vị thần sinh ra nghề thiếc. Đình có tên chữ là "Đông Thổ Cổn Y".
Xưa các thợ nghề thiếc ở khắp nơi đổ về đất Thăng Long lập phường nghề tạo nên con phố chuyên sản xuất buôn bán đồ thiếc, sau chuyển sang làm đồ sắt tây. Những người thợ thiếc sau đó đã chung tiền mua đất xây đình thờ tổ nghề tại số 2 Hàng Nón. Ngôi đình xưa nay chỉ còn lại dấu tích một ban thờ nhỏ.
Ban thờ này được người dân nơi đây gọi là ban thờ Ông Hổ.
Đình Trương Thị ở số 50 Hàng Bạc thờ ông tổ nghề kim hoàn. Đình nằm sát với các đình Dũng Hán; Dũng Thọ; Kim Ngân.
Hiện trạng đình đã bị xuống cấp nhiều. Các cột gỗ phía ngoài mục nát. Đền nằm trong ngách vào nhỏ hẹp chỉ vừa một thân người lách qua.
Cửa võng nằm lộ thiên ở vị trí kì lạ sau khi trải qua bao năm tháng với nhiều đổi thay.
Gian thờ hiện còn khoảng hơn 20 mét vuông. Tường bao được xây thông thường kết hợp cùng bộ cửa gỗ trông giống với nhà ở.
Một số cột gỗ, xà và các cấu kiện bằng gỗ khác cũng đã xuống cấp trầm trọng.
Đình Trương Thị và đình Kim Ngân (số 42 và 44 Hàng Bạc) do người dân làng Châu Khê ở Hải Dương ra đây lập nghiệp dựng lên phường nghề thủ công làm nghề đúc bạc chung tiền xây dựng.
Đình Hà Vỹ tại số 11 phố Hàng Hòm thờ ông tổ nghề sơn. Thời Lê, dân làng Hà Vỹ (Thường Tín) lên Đông Kinh lập nghiệp đã mang theo nghề cha ông để lại là các loại hòm rương, đồ gỗ sơn quang, sơn dầu, sơn mài. Họ thuê nhà ở khu này, mở hiệu buôn bán nên mới có tên gọi là phố Hàng Hòm.
Theo tục thờ tổ nghề, dân làng Hà Vỹ lập đền thờ vị tổ đã có công cải tiến, nâng cao kĩ thuật sơn dân gian là cụ Trần Lư, người gốc làng Bình Vọng (Thường Tín). Hiện đền chỉ còn cổng mái, bị rào chắn quây kín mặt trước.
Đình Xuân Phiến Thị ở số 4 Hàng Quạt, thờ ông tổ nghề quạt họ Đào. Đình nằm lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc và các ngôi nhà cao tầng. Xưa dân làng Đào Xá (còn gọi là Đấu Quạt, huyện Ân Thi, Hưng Yên) đã mang nghề truyền thống của tổ tiên ra đây dựng làng, lập nghiệp.
Một phần mái đình nằm kề sát với nhà dân. Đình nay là "Nhà tưởng niệm liệt sĩ phường Hàng Gai".
Đình Hoa Lộc ở số 90 phố Hàng Đào thờ tổ nghề nhuộm là ông bà Triệu Xương - Phương Dung. Xưa nghề nhuộm vải của người dân Hàng Đào vốn có nguồn gốc từ làng Đan Loan (Bình Giang, Hải Dương). Người Đan Loan ra kinh kỳ sinh sống đã mang theo nghề nhuộm truyền thống của cha ông, sau đó lập đền thờ tại đây.
Hiện tại ngôi đình chỉ còn thấy rõ ở trên tầng 2, dưới tầng 1 là các cửa hàng buôn bán, rất khó phân biệt được lối vào đình.
Nguồn tin: Dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự