Ít người biết rằng, cách đó vài năm, có một ông già người Pháp đã đến đứng trên cầu Đúc, miệng lẩm bẩm như khấn một điều gì đó, rồi rút từ trong túi áo khoác ra chiếc lọ sành, xong nghiêng chiếc lọ để đổ chất gì đó xuống dòng sông Bảo Định…
Lời nguyền trên sông
Ông già người Pháp tên là Francois Nguyen, mang 2 dòng máu Pháp - Việt. Ông từ Pháp đến Việt Nam, tìm đến TP.Tân An, đứng trên cầu Đúc đổ lọ tro cốt xuống sông Bảo Định, là thực hiện theo ý nguyện của mẹ ông, nói đúng hơn là một lời nguyền: Đến chết bà không trở lại dòng sông Bảo Định, nhưng sau khi bà qua đời, hãy hỏa táng và đem tro cốt về đổ xuống dòng sông.
Dòng sông Bảo Định nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ, nó chảy ngang và chia cắt TX.Tân An (nay là TP.Tân An) ra làm 2 phần. Bây giờ, ở thành phố Tân An đã có 4 chiếc cầu bắc qua sông Bảo Định, trong đó có cầu Đúc. Nhưng vào cái thời mẹ của Francois Nguyen sống ở đây, đầu thập niên 1920, chưa có chiếc cầu nào bắc qua sông Bảo Định. Sau đó khoảng 10 năm, chiếc cầu Đúc mới được xây dựng lên và tồn tại đến ngày nay. Ngày ấy, người dân 2 bên sông qua lại bằng những chiếc đò nhỏ, chèo tay, mỗi chiếc chở độ 5 - 10 người.
Buổi sáng hôm ấy, bến sông nhộn nhịp hơn ngày thường, vì sắp có 1 đám đón dâu ngang qua sông. Nhà trai ở miệt Thủ Thừa, họ đi xe ngựa xuống Tân An, rồi mướn xuồng đưa qua sông Bảo Định để đón dâu. Nhà cô dâu ở bên kia sông, từ nhà có thể nhìn xuống bến đò để thấy nhà trai với đầy đủ lễ vật đang xuống đò qua sông để rước dâu. Đoàn người đi đón dâu khoảng 20 người, họ chia làm 3 nhóm đi 3 chiếc đò sang sông. Chiếc đi đầu có bà mai, cha của chú rể, cùng những người ngồi bàn trưởng tộc. Chiếc thứ hai chở chú rể chính, rể phụ và cánh thanh niên đi đón dâu. Chiếc cuối cùng chở cánh phụ nữ.
Dòng sông Bảo Định ngày ấy không rộng lắm, bề ngang chỉ độ 50m, thế nhưng nước sông chảy xiết, nhất là gặp lúc nước ròng. Buổi sáng hôm ấy, sông Bảo Định đang lúc nước ròng, lại vào mùa nước đổ, nên chảy rất mạnh, những người chèo đò phải chèo cật lực để nương theo dòng nước đưa đoàn người đón dâu qua sông.
Khi chiếc đò thứ nhất chở bà mai và những người lớn tuổi cập bến, từ phía nhà gái pháo bắt đầu nổ ran để đón mừng nhà trai. Cũng chính viên pháo “đại” khai hỏa bất ngờ đã làm cho 1 thanh niên “yếu bóng vía” đi trên chiếc đò thứ hai chở chú rể bị giựt mình, làm chiếc xuồng chao nghiêng. Đoàn thanh niên nhà trai đến từ huyện Thủ Thừa ít sông nước, đa số họ ít được đi xuồng, nhiều người không biết bơi, vì vậy mà họ hoang mang, hoảng loạn.
Vậy là dù chỉ còn cách bờ sông chưa tới 10m, nhưng chiếc đò chở chú rể đón dâu đã không còn cơ hội cập bến, nó lật ngang, dìm chú rể và những thanh niên đi cùng với bao lễ vật xuống dòng nước đang chảy mạnh. Hàng chục thanh niên từ trên bờ đã cởi đồ lao nhanh xuống sông để cứu những người không biết bơi, nhưng do nước chảy mạnh, chú rể và 1 người nữa đã chìm mất hút dưới dòng sông. Hơn 1 ngày sau, xác chú rể mới nổi lên ngoài sông Vàm Cỏ Tây cách nơi xảy ra tai nạn gần 1 cây số. Cô dâu của đám cưới ngày hôm ấy tên là Tư Thảo, mẹ của Francois Nguyen sau này, dù chưa 1 lần “chăn gối”, nhưng cũng về nhà chồng để thọ tang chồng. Cô là người khóc nhiều nhất trong đám tang, suốt mấy ngày cô ra ruộng nằm ôm nấm mộ đất mới mà than khóc, kể lể cho một kiếp má hồng.
Sau đúng 3 tháng, cô Tư Thảo xin phép nhà chồng cho cô “xả tang”, rồi từ giã trở về nhà cha mẹ ruột ở Tân An. Sau vài ngày ân cần chăm sóc cha mẹ, cô Tư Thảo xin phép 2 đấng sinh thành cho cô về Gia Định - Đồng Nai làm ăn với nghề thợ may của mình. Dù rất thương con gái, nhưng cha mẹ cô Tư Thảo không nỡ ngăn cản con, vì nếu để cô tiếp tục ở lại Tân An, trọn đời cô sẽ “ở giá” bởi không còn chàng trai nào bạo gan tới cầu hôn cô - một người con gái tuổi Dần đã 4 lần “sát chồng” dù chưa một lần nếm trải “đêm tân hôn”. Cô ra đi với lời nguyền sẽ không bao giờ quay lại dòng sông Bảo Định. Sau khi rời Tân An đi Gia Định - Đồng Nai, cô Tư Thảo đã “gá nghĩa” vợ chồng với một người đàn ông Pháp, không làm đám cưới, rồi theo chồng xa xứ.
Xung quanh giai thoại về cô Tư Thảo “có chồng 4 lần mà vẫn còn trinh”, sau này những người lớn tuổi ở Tân An kể lại có nhiều điểm dị biệt, nhưng khá giống nhau ở chỗ cô đã 4 lần đính hôn và cả 4 lần chú rể đều chết yểu. Theo cụ Tám Oanh, người đã sống cuộc đời gần 90 năm bên bờ sông Bảo Định thì khi ông lớn lên đã nghe cha mẹ kể về chuyện cô Tư Thảo 4 lần có chồng... Theo đó, cô Tư tuổi Dần, sinh năm 1902, là người con gái đẹp người, đẹp nết, thêu thùa may vá thật khéo tay, cô mở tiệm may ngay bên bờ sông Bảo Định cách không xa bến đò. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên cô Tư được người mai mối với 1 thanh niên ở Bến Lức, cách Tân An khoảng 15 cây số.
Theo tập tục của người dân Nam bộ thời ấy, bà mai gặp gỡ gia đình 2 bên, dùng “miệng lưỡi” của mình thuyết phục chuyện hôn nhân, sau đó đến 1 thủ tục gọi là “coi mắt”, nếu sau khi “coi mắt” mà 2 bên đều ưng ý thì sẽ tiến tới chuyện nhà trai sang bỏ rượu, rồi đám hỏi, trước khi lễ cưới chính thức được tiến hành. Lần ấy, chàng trai từ Bến Lức mặc áo dài khăn đống được cha mẹ và bà mai đưa đến Tân An để coi mắt cô Tư Thảo. Chỉ được ngắm nhìn cô Tư Thảo vài khoảnh khắc khi cô mặc áo dài lên nhà trên châm trà đãi khách, nhưng chú rể đang đứng dựa cột nhà suốt cả tiếng đồng hồ đã quên hết chuyện mỏi chân, anh ta thấy tâm hồn lâng lâng bay bổng khi nghĩ tới chuyện mai này cưới được người vợ xinh đẹp, đoan trang như mơ.
Trong khi đó, từ trong buồng ở nhà sau, cô Tư Thảo cũng có cách ngó lén chàng trai coi mắt mình, rồi sau đó khi khách đã ra về, đám bạn gái của cô cứ khen: “Chàng rể hiền lành, đẹp trai”. Mẹ và dì của cô Tư Thảo không quan tâm tới chuyện “đẹp trai”, mà chấm chàng rể ở chỗ hiền hậu, nhất là khi được sinh ra trong gia đình gia giáo, bản thân anh ta cũng sắp trở thành người “gõ đầu trẻ”, khi có chồng cô Tư Thảo sẽ trở thành “thiếm giáo”.
Sau khi bên nhà trai ra về, bà mai ở lại thăm dò thái độ của nhà gái và bà đã thật sự an tâm khi biết chắc rằng “trai tài” đã gặp được “gái sắc”, bà tiếp tục nán lại dùng cơm chiều với gia đình cô Tư Thảo và cũng để bàn chuyện coi ngày để nhà trai đi bỏ rượu. Vì vậy, khi bà mai chưa kịp rời khỏi nhà cô Tư Thảo thì đã có người hớt hải qua đò báo hung tin: Chàng trai vừa đến coi mắt cô Tư Thảo đã bị tai nạn trên đường trở về nhà ở Bến Lức.
Thời đó, việc đi lại giữa Tân An và Bến Lức rất thuận tiện nhờ tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho. Tuyến xe lửa được thực dân Pháp xây dựng đầu tiên ở Đông Dương (năm 1885) này từng là kỳ quan trọng con mắt của người dân vùng sông nước miền Tây, khi từ bao đời họ chỉ biết đi lại bằng ghe xuồng lênh đênh trên sông nước hoặc bằng xe thổ mộ bằng ngựa kéo. Đặc biệt là khi “Sở hỏa xa” sau đó đã bắc được 2 chiếc cầu Tân An (qua sông Vàm Cỏ Tây) và Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông) để xe lửa chạy một mạch, thay cho cảnh qua phà trước đó, người dân miền Tây đi lại bằng xe lửa ngày càng nhiều. Thế nhưng, từ đi ghe xuồng trên sông hoặc đi xe thổ mộ trên đường làng chuyển sang đi xe lửa, nhiều người phải bỡ ngỡ, không ít tai nạn xảy ra do chuyện chưa quen đi xe lửa đó.
Không biết do không có kinh nghiệm đi xe lửa hay vì quá vui mừng khi nghĩ đến chuyện sẽ cưới được vợ đẹp, mà chàng trai đã bước xuống sân ga Bến Lức khi xe lửa chưa dừng hẳn. Anh ta đã bị giật té, đầu đập vào nền bêtông sân ga, gây chấn thương sọ não. Điều kiện y học thời đó không thể làm gì hơn ngoài chuyện để cho người thanh niên hôn mê dần rồi tử vong. Vậy là mới 17 tuổi mà cô Tư Thảo đã mang tiếng có 1 đời chồng!
(Còn tiếp)
Nguồn tin: Báo Lao Động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự