Ấm tình người nơi “xóm trọ ung thư”

Thứ tư - 06/03/2019 16:10
Mỗi ngày, hàng trăm bệnh nhân nghèo từ các tỉnh về Bệnh viện K T.Ư (cơ sở Tân Triều, quận Hà Đông, Hà Nội) để chữa bệnh ung thư.
Ấm tình người nơi “xóm trọ ung thư”

Họ phải thuê những căn phòng tồi tàn bên ngoài bệnh viện làm nơi chống chọi lại căn bệnh tử thần. Cảm thông với số phận những con người trong sự khốn cùng ấy, nhiều chủ nhà trọ tìm cách giúp đỡ, sẻ chia...

Mỗi mảnh đời, một số phận
Bệnh viện (BV) K T.Ư chuyên khám, điều trị ung thư tuyến cuối ở phía Bắc nên bệnh nhân, thân nhân từ các tỉnh, thành tập trung về đây rất đông. Từ BV cơ sở Tân Triều vào xóm trọ chỉ hơn 50m - nơi “trú ngụ” của nhiều bệnh nhân ung thư đang điều trị tại BV.

Ở đây, phòng trọ có thể là nhà dân, phía sau quán ăn hay bên trong cửa hàng. Có nghĩa, chủ nhà tận dụng mọi chỗ có thể để mở phòng trọ cho những bệnh nhân điều trị ngoại trú thuê. Bất kỳ ai “lạc” bước vào xóm trọ ung thư, ngó nghiêng là y như rằng có người hỏi ngay: “Tìm phòng trọ hả anh/chị?”.

Khu xóm trọ nhà bà Nguyễn Thị Hai (tổ 15, phường Kiến Hưng) hiện có 10 người thuê. Khi chúng tôi tới, thấy người thì chít khăn tam giác trên đầu hoặc đội mũ lưỡi trai, người có mái tóc tém hoặc ngang vai thì đều là tóc giả. Chẳng phải nói, ai cũng biết đó là hậu quả của những đợt truyền hóa chất.

Mỗi bệnh nhân đến thuê trọ tại đây có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần đều rất khó khăn. Cả xóm thống nhất “bầu” chị Nguyễn Thị Quyên là vất vả nhất. Chị Quyên phát hiện có khối u ở vú từ năm 2000. Khi ấy, khối u nhỏ như hạt ngô, nên chị không chú ý, bởi sức khỏe vẫn bình thường. Năm 2009, chị thấy sút cân, chán ăn, ngực đau nên đến BV địa phương kiểm tra. Sau khi làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú, và chuyển lên BV K T.Ư. Nửa tháng sau, chị được thực hiện phẫu thuật cắt khối u một bên vú. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, chị không theo các liệu trình điều trị bởi hết tiền. Năm 2016, chị lại thấy đau ở ngực, nên lên BV K T.Ư kiểm tra, mới hay bệnh ung thư đã tái phát. Hiện tại, chị phải truyền hóa chất một thời gian, sau đó mới thực hiện phẫu thuật.

Chị Quyên đã qua tuổi tứ tuần, nhưng vẫn một mình lẻ bóng và ở với bố mẹ. Cuộc sống gia đình quanh năm khốn khó, bởi thu nhập của gia đình chỉ trông vào 2 sào ruộng khoán. Khi con bị bệnh, bà Phạm Thị Điểm - mẹ chị Quyên - dù đã gần 80 tuổi vẫn lọ mọ đi theo để chăm con. Bà bảo, mỗi lần truyền hóa chất là hơn 7 triệu đồng. Dù chị Quyên có BHYT, nhưng không phải được thanh toán tất cả, bởi có những vật tư nằm ngoài danh mục thanh toán. Đó là chưa kể các chi phí thuê trọ ở ngoài. Vì vậy, gia đình ở quê cũng đã vay hơn 20 triệu đồng để làm “lộ phí” điều trị cho con. Trong đợt phẫu thuật tới, gia đình chưa biết xoay xở thế nào. Nói đến đây, tất thảy những người có mặt trong xóm trọ đều lặng im. Bởi những lời tâm sự của bà Điểm gần như là hoàn cảnh chung của những bệnh nhân bị ung thư, vì đa phần ai cũng đến lúc khánh cùng, lực kiệt.

Ở xóm trọ này, anh Văn Bút (35 tuổi, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là người “đóng đô” lâu nhất. Anh Bút được phát hiện bị ung thư vòm họng đã 3 năm, hiện bệnh đã chuyển giai đoạn cuối, mỗi lần truyền hóa chất mất từ 15 đến 20 ngày, vì vậy thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà. Trong 3 năm qua, anh đã “ăn chực, nằm chờ” tại nhiều phòng trọ quanh BV K T.Ư để điều trị. Từ khi anh chuyển lên điều trị tại cơ sở Tân Triều, anh đóng đô luôn ở xóm trọ này, đến nay đã hơn một năm. “Tôi đã xạ trị hết đợt này đến đợt khác mà bệnh không thuyên giảm. Gia đình đã bán hết tài sản, nhà cửa lấy tiền đi chữa bệnh mà cũng không đủ. Giờ nợ nần chồng chất không biết sẽ xoay xở ra sao nữa” - anh Bút ngậm ngùi.

Sau khi tham khảo một số phòng trọ, bà Nguyễn Thị Hà (Vĩnh Phúc) đã chọn một căn phòng nhỏ ở cuối xóm làm chỗ “trú chân” cho hai vợ chồng. Chồng bà vừa được BV địa phương chẩn đoán ung thư phổi nên chuyển lên BV K T.Ư. Ngày hôm sau, ông mới được đưa đi làm các xét nghiệm nên vợ chồng bà lên trước tìm chỗ ở. Căn phòng bà thuê có giá 60.000 đồng/ngày đêm. Căn phòng chỉ rộng khoảng 5m2, kê được 1 chiếc giường 1,2m và một lối đi nhỏ. “Chỉ trong 2 tuần trước, chúng tôi đã tiêu tốn hơn chục triệu đồng ở BV tuyến dưới rồi. Giờ tiết kiệm được đồng nào tốt đồng ấy để lấy tiền điều trị cho ông ấy” - bà Hà chia sẻ.

Càng vào sâu, số bệnh nhân bị ung thư thuê trọ ngày càng nhiều. Nhà thấp cũng có vài ba phòng, nhà nhiều có từ 10 đến 15 phòng. Mỗi phòng, có thể là một bệnh nhân và người nhà, nhưng cũng có phòng có vài bệnh nhân ở chung. Có người chỉ ở vài ngày nhưng cũng có người ở vài tháng mới về với gia đình. “Hầu hết, các bệnh nhân ở đây đều biết hoàn cảnh của nhau, bởi ngày nào cũng gặp nhau “chan chát”. Cũng vì thế, chỉ cần nói tên, quê quán thì mọi người có thể đọc vanh vách hoàn cảnh gia đình, bệnh tật, thời gian điều trị” - anh Nguyễn Văn Tiến, một bệnh nhân quê ở Thái Bình, chia sẻ.

Sẻ chia với bệnh nhân

Sống cùng bệnh nhân, chủ nhà hiểu được những khó khăn, vất vả và cả nỗi đau của từng hoàn cảnh cụ thể. Vì vậy, họ luôn tìm cách sẻ chia, giúp đỡ những trường hợp khó khăn. Chị Nguyễn Thị Hương - chủ một căn hộ có 9 phòng trọ - nắm rõ hoàn cảnh của từng bệnh nhân nên vẫn luôn tìm cách để giúp đỡ họ. Cách giúp đỡ nhiều người vẫn thường thực hiện nhất là giảm tiền thuê trọ tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể. Với chị Hương, thường cho thuê giá phòng thấp hơn những xóm trọ khác, dao động từ 40.000 đồng đến 100.000 đồng/phòng/ngày đêm. Những bệnh nhân khó khăn chị chỉ lấy 40.000 đồng, thậm chí một số trường hợp còn miễn phí.

Nói rồi chị chỉ về phía một nam bệnh nhân còn rất trẻ. Chị cho biết, đó là bệnh nhân Hờ A Da (18 tuổi, dân tộc Mông, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, Sơn La). Không chỉ chị, mà cả tổ 15 đều biết hoàn cảnh của em. Da mới 18 tuổi, nhưng đã cưới vợ và có con được hơn 1 tuổi. Khi con được 6 tháng, Da được phát hiện bị ung thư cơ và điều trị từ đó đến nay. Gia đình Da rất nghèo, thu nhập chỉ trông vào nương ngô, nương sắn nên quanh năm thiếu đói. Từ khi em bị bệnh, nhà có cặp trâu, gia đình cũng đã bán lấy tiền cho A Da điều trị. Thời gian đầu, vợ còn xuống chăm chồng, nhưng gần đây con ốm suốt, lại không có tiền nên chỉ mình em đi truyền hóa chất. Da đến nhà chị Hương thuê trọ cũng đã gần 4 tháng. Dù vậy, chị Hương không lấy tiền, bởi thương hoàn cảnh khó khăn của em. “Mấy tháng Da ở đây, tôi chưa từng thu một đồng nào tiền nhà. Tết vừa rồi, gia đình Da tặng tôi cặp bánh tét và 5kg gạo nếp. Tôi từ chối, nhưng gia đình bảo nếu không nhận ra tết sẽ không ở nữa nên đành phải nhận” - chị Hương chia sẻ.

Cũng như chị Hương, bà Nguyễn Thị Hát cũng có nhiều cách để hỗ trợ bệnh nhân nghèo đang điều trị ung thư. Bà bảo, với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, thì giá thuê phòng trọ chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày, bao gồm cả điện nước. Ngoài ra, để giúp người bệnh giảm chi phí, còn mua gas, bếp, cho mượn xoong nồi để nấu ăn. Thậm chí, nhiều hôm bệnh nhân ốm quá, người nhà lại lo thủ tục giấy tờ, bà còn bỏ tiền mua đồ ăn, trực tiếp nấu cơm mời họ.

Đáp lại tình cảm của bà chủ nhà, mỗi lần từ quê lên, người nhà bệnh nhân lại mang những “đặc sản quê”, như mớ rau, củ khoai để tặng. Bà Hát nhận hết, nhưng sau đó đem chế biến cho tất cả bệnh nhân khác cùng thưởng thức.

Ông Lê Anh Quyết - Tổ trưởng tổ dân phố 15 - cho biết, cả tổ có khoảng 30 gia đình có nhà trọ. Nhà ít thì 2-3 phòng, nhà nhiều thì 10-15 phòng, mỗi phòng từ 2-3 người ở. Trung bình mỗi ngày có khoảng 150 người mới đến đăng ký ở, đa số là các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Cũng theo ông Quyết, do số lượng người đến, đi mỗi ngày khá lớn nên công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng cũng gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K T.Ư - cho biết, đây là BV tuyến cuối điều trị về ung thư. Vì vậy, bệnh nhân tại các tỉnh đổ về rất đông. Chỉ riêng cơ sở 3, mỗi ngày đã tiếp nhận gần 300 trường hợp mới đến khám và điều trị. Ngoài ra, còn hàng trăm bệnh nhân đến điều trị theo chu kỳ.

Cũng theo bác sĩ Thuấn, để hỗ trợ bệnh nhân, BV đã xây dựng nhà lưu trú tại cơ sở 3. Trong nhà lưu trú có chiếc giường rộng, chăn màn, quạt trần, nước nóng lạnh, nhà vệ sinh. Những bệnh nhân thuộc các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ chỗ ở. Bệnh nhân chỉ cần đăng ký với bảo vệ cùng với các giấy tờ liên quan sẽ được bố trí chỗ ở. Bệnh nhân chỉ phải đóng phí rất thấp để BV thuê nhân công dọn vệ sinh và trả điện nước. Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân quá đông, BV cũng không thể bố trí hết được. Vì vậy, một số bệnh nhân vẫn phải thuê trọ bên ngoài.

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây