Kỳ 1: Cuốn ngọc phả quý và những báu vật không được xem
Nhắc đến núi Tản, người dân cả nước nghĩ ngay đến ngôi đền Thượng trên đỉnh quả núi cao nhất thủ đô. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ở lưng chừng phía Tây quả núi này, có một ngôi đền khá thú vị, là đền Trung. Ngôi đền nằm trên độ cao khoảng 600m, thuộc xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội) tựa lưng vào núi, hướng dòng sông Đà uốn khúc quanh co như dải lụa xanh.
Trong cuốn Ngọc Phả “Sự tích Đức Thánh Tản” lưu giữ tại Đền Và do Quản giám bách thân Nguyễn Hiển sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 3 (1737) có ghi: Đền Trung là nơi thờ bà Ma Thị Cao Sơn, mẹ nuôi của Đức Thánh Tản Viên.
Điều thú vị, là tại Đền Trung, vẫn còn lưu giữ cuốn Ngọc Phả vô cùng quý, tuổi vài trăm năm, ghi lại sơ lược lịch sử nước Việt xa xưa. Đặc biệt, vật báu đồn rằng có từ thời dựng nước, vẫn còn lưu giữ trong ngôi đền này, mà không phải ai cũng có thể được chiêm ngưỡng, đó là cây gậy thần có tên Sinh Tử và cuốn sách Ước kỳ lạ.
Ngôi đền đổ nát
Không như Đền Thượng nhỏ tí xíu nằm cheo leo bên vách núi, đền Trung nằm trên dải đất thoai thoải, rộng rãi, phong cảnh hữu tình. Thủ nhang đền Trung khá đặc biệt, là một chàng trai còn trẻ, mới ngoài 30 tuổi. “Trông em không giống thủ nhang anh nhỉ? Vậy mà em hương khói hầu Thánh ở đền tròn 14 năm rồi đấy” - Võ Tùng Lâm, thủ nhang đền Trung, mở đầu câu chuyện với tôi như vậy.
Câu chuyện Võ Tùng Lâm gắn với ngôi đền này cũng có nhiều lạ lùng. Lâm quê ở xã Minh Quang, nhà dưới chân núi Tản. Tuổi nhỏ, hay cùng đám bạn mò vào rừng chơi, hái củ, đào dược liệu, nên biết đến ngôi đền cổ, đổ nát trong rừng, rễ cây phủ kín. Người dân địa phương ít quan tâm, nhưng người Hà Nội thì cứ vạch rừng cuốc bộ cả buổi lên hương khói. Ngày đó, Lâm cùng đám bạn thường rình mò, chờ người đi lễ lơ là, liền trộm xôi oản để ăn.
Hồi là sinh viên Đại học Luật, năm thứ 2, đột nhiên Võ Tùng Lâm cứ ốm yếu, dặt dẹo. Đêm ngủ chẳng ngon, toàn mơ thấy ngôi đền lưng núi Ba Vì, rồi nghe thấy tiếng “Thánh” gọi về. Chẳng tin mấy chuyện tâm linh, nhưng thấy lạ lùng, nên mới bảo mẹ sắm gói kẹo, rồi hai mẹ con vạch rừng tìm đến ngôi đền đổ nát hương khói. Điều kỳ lạ, là cứ lên đền hương khói, thì Trung thấy người ngợm thảnh thơi, khỏe ra. Nhưng, cứ về Hà Nội thì lại mất ngủ, ốm đau dặt dẹo, học hành chẳng tập trung. Có một ông thầy bảo lên đền Gióng xem sao. Cậu cũng thử đến Sóc Sơn, ngồi cả buổi ở đền Gióng, cũng không ăn thua gì cả. Bệnh chỉ đỡ khi tìm đến đền Trung.
Cứ kiên trì cuối tuần tranh thủ về quê lên đền hương khói, rồi lại ốm đau dặt dẹo khi ở Hà Nội, rồi cũng tốt nghiệp được trường Luật. Nhưng, ra trường, Lâm chẳng đi làm ở đâu, mà cứ ở nhà chăm lo hương khói ngôi đền kỳ lạ đổ nát, khiến ai cũng bảo dở hơi.
Thế rồi, điều kỳ lạ, là người tứ xứ kéo đến ngôi đền đổ nát này ngày một đông, nhất là đầu năm quan dân, đồng cốt kéo về cầu cúng đông như trẩy hội. Lắm khi, tắc cả đường. Lúc này, các nhà nghiên cứu mới quan tâm đến ngôi đền, rồi các cuộc khai quật diễn ra, người ta mới giật mình về lịch sử ngôi đền, quy mô ngôi đền, bảo vật của đền, đặc biệt là những câu chuyện quanh nó mang tầm vóc lớn. Và nhanh chóng, ngôi đền trở thành di tích lịch sử quốc gia. Và, cũng như một cơ duyên, chàng trai trẻ Võ Tùng Lâm được bầu làm thủ nhang đền Trung khi Ban quản lý di tích đền Trung được thành lập.
Võ Tùng Lâm dẫn tôi đi dạo một vòng cung khá rộng để tôi hình dung ra quy mô của ngôi đền khi xưa. Ở những vách núi lấp ló những chân tảng bằng đá rất lớn, lộ ra trơ thờ lợ bởi được các nhà khảo cổ khai quật. Dưới gốc những cây lớn, những bức tường rêu phong được xây bởi những loại gạch cổ xưa. Những bộ rễ khổng lồ đã nhấn chìm những bức tường xây bằng mật mía, mà áng chừng đã phục dựng lại vài trăm năm trước.
Tường cổ chìm trong thân cây.
Khai quật khảo cổ lộ ra những chân tảng lớn.
Sự tích Thánh Tản
“Cái quý nhất không phải là những kiến trúc của ngôi đền anh ạ, mà nó là sự tích để có ngôi đền này. Ngôi đền thờ bà Ma Thị Cao Sơn, là mẹ nuôi của Đức Thánh Tản, nên câu chuyện về bà và đức Thánh Tản là một phần của lịch sử đất nước” – thủ nhang Võ Tùng Lâm nói.
Theo lời Võ Tùng Lâm, 3 báu vật của đền Trung, gồm ngọc phả, gậy thần và sách ước cổ được cất giữ trong hậu cung, không được phép mang ra ngoài, không được cho ai xem. Ngay bản thân thủ nhang cũng không tự tiện dám mở hậu cung để đem vật báu đó ra ngoài. Thế nên, số người được tận mắt vật báu đó không nhiều.
Theo ngọc phả, thì thời Hùng Vương thứ 18, ở động Xương, huyện Thanh Xuyên, phủ Gia Hưng, đạo Sơn Tây, có gia đình giàu sang phú quý, nhưng con cháu không có. Ông Nguyễn Công đã 53 tuổi, vợ tròn 40 tuổi, và vợ chồng người anh trai là Nguyễn Cao Hạnh đã ngoại ngũ tuần cũng đều chẳng có con. Nghĩ phận bất hiếu vì không có con cháu nối dõi tông đường, hai anh em đem hết của cải tài sản gia tiên để lại phát cho người nghèo. Phân phát cứu bần suốt mấy năm trời mới hết gia sản.
Mùa xuân, mọi người kéo nhau lên núi Tản Lĩnh, hai anh em tuy già cả, nhưng cũng rủ nhau đi. Khi quay xuống lưng núi, thì gặp ông lão vừa đi vừa hát, có mấy đứa trẻ theo sau. Trông thấy dáng vẻ ông lão kỳ lạ, đẹp như tiên, hai anh em liền chạy đến vái tạ: “Nhà tôi đức mỏng, nên hai anh em tuổi đã cao mà chưa có con, muốn xin tiên ông rộng lòng giúp đỡ…”.
Đền Trung thờ bà Ma Thị Cao Sơn, mẹ nuôi Đức Thánh Tản.
Ông lão nghe xong cười bảo: “Ta chẳng phải tiên thánh gì cả, mà chỉ là người, một đời nhàn nhã, thoát nghiệp tam sinh, ngóng trông phong thủy, các nơi quan lại, xem việc phúc thiện của đời. Ta vừa xem thấy một thế đất ở trên núi Thụ Tinh. Nếu được đất ấy, không quá một trăm ngày sẽ sinh một thánh, hai thần. Anh em nhà ngươi nên về thu thập phần mộ của tổ tiên mà mai táng vào đó”.
Nghe vậy, hai anh em liền chạy về bới hài cốt của cha, mang lên núi Thụ Tinh. Ông lão lập hướng, chỉ đạo việc chôn cất. Xong xuôi, ngoảnh lại, thì chẳng thấy ông lão và mấy đứa trẻ đâu nữa. Hai anh em mới biết là thần, lập đàn bái tạ. Càng gắng sức làm việc công đức.
Quả 100 ngày sau, cả hai bà đều mang thai. Đúng ngày 6 tháng giêng năm Đinh Hợi, tròn 12 tháng, hai bà mới sinh. Vợ của người anh sinh một con trai, vợ người em sinh đôi. Cả 3 đứa trẻ đều khôi ngô tuấn tú, phong thái thần tiên, khác hẳn ngày thường. Đúng 100 ngày sau, thì mới đặt tên. Con người anh là Tuấn Công, con người em là Sùng Công và Hiển Công. 13 tuổi đã thông làu kinh sử cả.
17 tuổi, thì cha mẹ cả hai nhà cùng theo nhau qua đời. Gia tài không còn gì, nên sống cảnh bần hàn, đốn củi kiếm ăn. Một lần, lên núi Tản đốn củi, gặp bà Ma Thị Cao Sơn, không có con, nên nhận bà là mẹ nuôi, rồi sống ở đó.
Một hôm, anh em lên núi đốn một cây to, rồi về gọi thêm người xẻ cây kéo về. Nhưng kỳ lạ thay, hôm sau lên, lại thấy cây tươi tốt như cũ. Lấy làm lạ, Tuấn Công đốn hạ, giả vờ xuống núi, rồi quay lại nấp sau lùm cây xem xét sự tình.
Nửa đêm, thấy ông lão râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ hoa, thân mặc áo gấm, lưng thắt đai tía, chân đi giày mây, tay phải cầm gậy trúc. Theo sau ông là một trẻ nhỏ tay cầm lục lạc vàng. Ông lão niệm thần chú, chỉ gậy vào cây đổ, bỗng cây dựng lên, sống lại như cũ. Tuấn Công biết là thần tiên, liên chạy đến quỳ gối ôm chân: “Người ở đâu tới đây, sao lại thương tiếc một thân cây, để cho kẻ cô đơn đói rét này không được cậy nhờ?”.
Ông lão tiết lộ là Sơn Tinh Đại Thần, đã ngự ở đây vạn năm, trông nom cây gỗ quý. Tuấn Công liền nói: “Tôi muốn có được cây gậy thiêng và lời chú để cứu sinh tử nhân gian, báo đáp ơn sâu cha mẹ, rất mong được thiên tướng ban cho”.
Cạnh đền có động thờ ngũ hổ.
Ông lão biết là người đại hiếu, chẳng phải người phàm, nên ban cho gậy thiêng. Một đầu cây gậy có thể cứu tử cứu sinh, một đầu lại có thể tiêu trừ tai hại, chỉ đất đất nứt, chỉ nước nước cạn, chỉ trời mây bạt sương tan, phép màu linh nghiệm cơ biến huyền diệu. Ban gậy xong, ông lão và đứa trẻ biến mất.
Có gậy và thần chú, Tuấn Công xưng Thần Sư. Một hôm, đi qua thôn Cốc, thấy mấy trăm con hổ lớn kéo về, khiến người người sợ hãi, thú nuôi tán loạn. Ông đem gậy ra chỉ, hổ sợ chạy hết. Lấy gậy giơ ra, núi non thành đường, nước sông dạt ra thành lối người đi giữa dòng. Ông cứ đi giữa dòng sông, đến tận bãi Trường Sa, thì thấy trẻ con đùa nghịch với một con rắn đen. Bọn trẻ đã đánh chết con rắn.
Thần Sư thấy con rắn bị đánh chết thì động lòng, liền bỏ tiền ra mua lại xác rắn. Ông chỉ đầu gậy vào xác rắn đọc thần chú, thì con rắn sống lại. Rắn dập đầu bái tạ Thần Sư, rồi trườn xuống sông, mặt nước rẽ thành một đường. Con rắn bò về tới hồ Động Đình. Hóa ra, rắn đen là con trai của Long Vương.
Gậy sinh tử cất giữ ở hậu cung đền Trung, ít người được xem.
Cảm động ân tình, Long Vương mời Thần Sư xuống long cung chơi một chuyến. Yến tiệc xong, Long Vương đem ra vô số vàng bạc, vật quý biếu tặng. Thế nhưng, Thần Sư nhất định từ chối.
Thái Tử ghé tai nói với Thần Sư: “Công đức của Thần Sư lớn như sông bể, của cải đều xem bằng một sợi tơ, sao đủ để báo đáp công ơn này. Nay vua cha có một cuốn sách thần bí pháp nhiệm màu, thần trời, suốt đất, đều chỉ mong một điều ước mà thôi. Thần Sư muốn cuốn sách đó, tôi sẽ tâu riêng với Đế quân, xin được báo đáp”. Thần Sư gật đầu đồng ý, và Đế quân mang sách tặng.
Trở về động Long Xương, Thần Sư ghé ngay núi Tản thăm mẹ nuôi. Ông lấy sách ước ra lẩm nhẩm đọc điều ước, tức thì sấm chớp nổi lên, trận mưa châu ngọc đầy mặt đất. Tiền vàng trăm ngàn vạn quan rơn từ trên trời xuống. Ông lượm lấy tất cả dâng lên mẹ. Mẹ nuôi là bà Ma Thị Cao Sơn thấy con nuôi hiếu nghĩa, rất mừng, liền giao cho Thần Sư cai quản núi rừng linh thiêng này. Sau bà mất đi, ông dựng đền lớn thờ phụng mẹ.
Cũng nhờ có hai vật báu là Gậy Sinh Tử và Cuốn Sách Ước, nên sau này, ông đã giúp Vua Hùng bao phen dọc ngang đánh giặc, chống lại Thủy Tinh, giữ vững non sông gấm vóc.
Nhưng rồi, Tuấn Công đã khuyên Hùng Vương nhường ngôi cho Thục Phán, rồi ông cùng Hùng Duệ Vương và vợ là công chúa Ngọc Hoa bay về trời, hóa Thánh.
Truyền thuyết về Thánh Tản rất dài, nhưng đọng lại trong câu chuyện ở đền Trung, nơi núi Thụ Tinh linh thiêng huyền bí, là những báu vật đang được cất giữ ngàn năm, đó là ngọc phả, gậy thần và cuốn sách ước. Tin rằng, những vật báu đó có khả năng ban điều ước, nên hàng trăm năm nay, mọi người cứ rỉ tai nhau kéo đến đền Trung để nói ra những mong ước.
“Con người ai cũng có mong ước và nói ra những ước mong cũng là tốt lành. Chẳng biết người đời có được Thánh ban cho giàu sang phú quý hay không, nhưng tôi thấy rất nhiều người đến cầu tự mà được như ý đấy” – thủ nhang Võ Tùng Lâm bày tỏ.
Còn tiếp…
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự