Chiếc tủ nhỏ được đặt phía trong bệnh viện (BV), nằm giữa Khoa Y học cổ truyền và Phòng công tác xã hội, thuộc BV đa khoa Sài Gòn (Q.1, TP.HCM), bên trong đựng nhiều loại thực phẩm gồm: gạo, nước tương, nước mắm, bột ngọt… để giúp những người khó khăn khi đến điều trị tại BV. Người sáng lập chiếc tủ này không ai khác chính là bác sĩ trẻ Lê Công Thành (32 tuổi), Khoa Y học cổ truyền BV đa khoa Sài Gòn.
Bác sĩ Thành cho biết, cơ duyên đưa anh đến những việc làm thiện nguyện là từ sau khi tốt nghiệp trường y, bước vào BV làm việc cách đây hơn 10 năm. Khi đó, anh thường xuyên được các bậc tiền bối hướng dẫn, cho tham gia những hoạt động thiện nguyện cả trong và ngoài BV.
Khi vào BV đa khoa Sài Gòn làm việc, anh nhận thấy có rất nhiều bệnh nhân khó khăn, không có tiền khám bệnh, thậm chí có người thiếu thốn đến mức không có cơm để ăn. Chứng kiến các hoàn cảnh như vậy, bác sĩ Thành thấy cảm thương, luôn đau đáu phải có hành động gì đó để giúp đỡ.
Bác sĩ thành trong một lần khám bệnh từ thiện.
Thế là vào tháng 8/2023, bác sĩ trẻ này bắt đầu lên kế hoạch đặt chiếc tủ nhỏ nằm trong BV. Anh liên hệ nhiều nơi, tìm và xin được một chiếc tủ từ người quen. Tiếp đến anh tự bỏ tiền túi mua gạo để đổ vào những ngăn kệ. Để chiếc tủ được lấp đầy hơn, anh kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp, hễ ai dư những vật phẩm nào thì đóng góp thêm vào. Ban đầu, bên trong chiếc tủ này rất ít thực phẩm, nhưng càng về sau thực phẩm càng nhiều hơn.
Chiếc tủ tuy nhỏ nhưng những phần quà mang ý nghĩa rất lớn từ tấm lòng của nhiều người gửi đến bệnh nhân khó khăn. Trong đó, các thực phẩm như gạo, nước tương, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn… đủ để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân khó khăn trong khoảng thời gian nhất định. Chưa kể, với những bệnh nhân lớn tuổi đang điều trị, tủ gạo an sinh còn có thêm sữa giúp tăng cường sức khỏe.
Bác sĩ Thành chia sẻ anh rất trân quý tấm lòng của những người bạn luôn đồng hành với bệnh nhân nghèo. "Mỗi tháng có người cho vào tủ cả trăm ký gạo, hoặc có người cho chục chai nước tương, nước mắm", bác sĩ Thành nói và cho biết dù nhiều hay ít cũng là tấm lòng chung tay của nhiều người.
Đến nay, đã gần 1 năm qua mỗi tháng bình quân có 20 - 30 bệnh nhân nhận hỗ trợ từ tủ gạo.
Bệnh nhân nghèo hạnh phúc khi được nhận gạo.
Bác sĩ Thành kể anh nhớ nhất trường hợp một cụ ông bị tai biến, mỗi ngày tự đẩy xe lăn đến điều trị. Cụ có cuộc sống rất khó khăn, nhưng lại ái ngại, không dám mở lời xin quà cho mình. Thấy vậy, bác sĩ Thành đến tìm hiểu hoàn cảnh và trao tặng thực phẩm cho cụ. "Khi nhận quà, cụ nói chỉ xin một phần rồi thôi, vì còn để dành cho nhiều người khác nữa. Tôi thấy cụ khó khăn nhưng vẫn nghĩ cho người khác thật quý giá lắm", bác sĩ Thành xúc động bày tỏ và cho biết sau đó mỗi tháng anh đều gửi biếu cụ một phần quà.
Làm ở Khoa Y học cổ truyền, bác sĩ Thành hiểu rất rõ nỗi khổ của những người lớn tuổi bị bệnh về cơ, xương, khớp. Do đó, bác sĩ trẻ này còn dành thêm cho những bệnh nhân nghèo những phần thuốc xoa bóp, tránh nhức mỏi. Ngoài ra, hằng tháng anh tổ chức các chương trình khám chữa bệnh cho bà con nghèo ở các tỉnh. Trong tương lai, bác sĩ Thành mong muốn mở rộng hơn những hoạt động 0 đồng khác ở BV như tủ quần áo, cắt tóc cho những bệnh nhân khó khăn…
(Theo Thanh Niên)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự