Cô đỡ thôn bản tận tâm nơi vùng cao Điện Biên

Thứ năm - 11/07/2024 16:50
Gần 10 năm làm nghề cô đỡ thôn bản, chị Lò Thị Đường, bản Nậm Đích, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn luôn giữ ngọn lửa đam mê và luôn tận tâm với nghề.
Cô đỡ Lò Thị Đường phát sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho phụ nữ mang thai.
Cô đỡ Lò Thị Đường phát sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho phụ nữ mang thai.

Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, cô gái người dân tộc Thái Lò Thị Đường cất tiếng chào đời trong hoàn cảnh rất đặc biệt so với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Chị kể, ngày ấy, do không được tiếp cận với điều kiện chăm sóc sức khỏe trong quá trình mang thai và sinh đẻ, mẹ chị đã không có sự chuẩn bị chu đáo. Đến ngày sinh nở, mẹ đã sinh chị ngay trên đường mà không kịp đến các cơ sở y tế. May mắn được cứu sống, sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt nên chị được bố mẹ đặt tên là "Đường" để ghi nhớ thời khắc sinh tử đó.

s
Cô đỡ Lò Thị Đường đến nhà thăm khám cho sản phụ. 

Nậm Đích là bản vùng sâu, xa trung tâm xã Chà Nưa hơn 43km, gồm hai dân tộc Thái và Mông sinh sống. Mỗi dân tộc lại có phong tục, tập quán riêng với nhiều hủ tục lạc hậu. Phụ nữ nơi đây khi mang thai không đi khám thai tại cơ sở y tế, không cho người ngoài thăm khám và đỡ đẻ nên việc người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em còn nhiều hạn chế.

Nhớ lại hoàn cảnh lúc mình sinh ra, cùng với việc tận mắt chứng kiến nhiều trẻ em ở Nậm Đích tử vong sau sinh khiến Lò Thị Đường vô cùng đau xót. Vì thế, mong muốn chăm sóc sức khỏe cho người dân bản Nậm Đích của chị càng thêm cháy bỏng.

Năm 2015, sau khi học xong lớp đào tạo cô đỡ thôn bản, Lò Thị Đường về làm cô đỡ tại bản Nậm Đích. Trải qua gần 10 năm làm nghề, hạnh phúc lớn nhất đối với chị là đã dần thay đổi được nhận thức và giúp đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được với các dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

Chị kể, trước đây, do trình độ dân trí và nhận thức về sinh sản của người dân bản Nậm Đích còn hạn chế, nhiều hủ tục lạc hậu, sự tự ti e ngại, sợ xấu hổ khi người lạ thăm khám của đồng bào dân tộc dẫn đến việc đi khám thai hay đến trạm y tế để sinh đẻ còn xa lạ với người dân nơi đây.

Để thay đổi nhận thức, tạo sự tin yêu của người dân, ngoài sự nhiệt tình với công việc, chị luôn gần gũi với người dân để sẻ chia mọi niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Để làm được điều đó, chị Đường đã học tiếng Mông, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Nhờ đó, đến nay, nhận thức cùng với những hủ tục lạc hậu của người dân dần được thay thế bằng kiến thức sinh sản, công tác chăm sóc sức khỏe đã khoa học hơn.

Chị Giàng Thị Sau, nhóm 1, bản Nậm Đích cho biết, năm 2016, chị mang thai đứa con đầu lòng. Trong quá trình mang thai, chị đã được cô đỡ Đường thăm khám và khuyến cáo phải xuống cơ sở y tế để sinh nở, do chị mang thai ngôi ngang, nếu sinh ở nhà sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, chị Giàng Thị Sau chủ quan, không nghe theo lời cô đỡ. Đến kỳ chuyển dạ, dù rất đau nhưng chị không thể sinh được cháu bé. Chị mất nhiều máu, tưởng chừng như không qua khỏi. Nhờ người nhà khẩn cấp gọi cô Đường, sau vài phút chị Đường đã có mặt để sơ cứu ban đầu cho chị Sau rồi đưa đến Trung tâm y tế huyện Nậm Pồ. Nhờ được cấp cứu kịp thời, mẹ và con chị Sau đã được cứu sống.

Giàng Thị Sau hiện đã có 3 đứa con, mỗi lần sinh nở, chị đều nhờ cô đỡ Đường thăm khám hoặc đến cơ sở y tế để sinh nở và được chăm sóc y tế sau sinh. Sau lần “thập tử nhất sinh” của Giàng Thị Sau, người dân trong bản đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc chăm sóc sinh sản, phụ nữ có thai đã tự giác đến trạm y tế để khám thường xuyên, không còn chủ quan như trước đây.

Cần có chính sách hỗ trợ cô đỡ thôn bản

Ngoài nhiệm vụ là cô đỡ thôn bản, nhiều năm nay chị Lò Thị Đường còn kiêm nhiệm làm y tá thôn bản; tham gia thăm khám, đỡ đẻ cho hàng chục ca mỗi năm. Chị còn tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân; phối hợp với Trạm Y tế xã thực hiện nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn; hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi đến thai kỳ, tiêm phòng uốn ván đầy đủ, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em sau sinh.

Tuy đi lại vất vả, kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, nhưng chị Đường chỉ nhận được khoản tiền phụ cấp chưa đến 500 nghìn đồng/tháng. Việc phụ cấp thấp lại chưa có chế đãi ngộ khiến chị gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. "Nhiều lúc muốn nghỉ, nhưng vì tình yêu con trẻ, cảm thấy hạnh phúc khi được nghe tiếng trẻ con khóc chào đời sau mỗi ca đỡ đẻ thành công lại khiến tôi tiếp tục cố gắng", chị Đường tâm sự.

Bác sĩ Poòng Văn Vận, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Chà Nưa cho biết, Nậm Đích là một bản khó khăn nhất xã với trên 100 hộ, gần 600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Do trình độ dân trí thấp cùng với phong tục lạc hậu, giao thông đi lại vất vả, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với sự nhiệt tình, sự tận tâm với nghề, chị Lò Thị Đường đã giúp người dân bản Nậm Đích có bước chuyển biến nhận thức về sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tại tỉnh Điện Biên, từ năm 2009 - 2021, nhờ sự hỗ trợ từ các tổ chức như Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup, địa phương đã mở 14 lớp đào tạo với tổng số 271 cô đỡ thôn bản, tập trung ở 6 huyện khó khăn gồm: Điện Biên Đông (đào tạo được 79 cô đỡ), Mường Chà (47 cô), Nậm Pồ (50 cô), Mường Nhé (40 cô), Tuần Giáo (10 cô) và Tủa Chùa (45 cô).

Theo bác sỹ Nguyễn Thị Bình, Phó Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên cho biết, những người được chọn đào tạo là những phụ nữ người dân tộc thiểu số, hiện đang sinh sống ổn định tại địa phương. Là người bản địa, hiểu phong tục tập quán, có cùng ngôn ngữ, nên những co đỡ sẽ là cánh tay nối dài, dễ dàng tiếp cận để thực hiện các nhiệm vụ như tuyên truyền, vận động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; hướng dẫn thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Bác sỹ Nguyễn Thị Bình cho biết, để duy trì hoạt động của đội ngũ cô đỡ, hằng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều tổ chức các lớp đào tạo lại nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, nâng cao chất lượng của đội ngũ cô đỡ thôn bản; hỗ trợ cô đỡ về chuyên môn, kỹ thuật, "cầm tay chỉ việc" để giúp họ thực hiện tốt công tác chuyên môn.

Nhờ đó, sau khi về địa phương công tác, các cô đỡ thôn bản đều làm tốt và rất tận tình trong công việc. Tại các thôn bản có cô đỡ, hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, hiện nay phụ cấp hỗ trợ cho các cô đỡ thôn bản quá thấp so với nhiệm vụ; lại chưa có chế độ đãi ngộ, nhiều cô đỡ thôn bản không còn mặn mà với công việc tại địa phương. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở cơ sở hiện nay trên địa bàn.

Nguồn TTXVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây