Không gian rộn rã tiếng nói cười. "Túm lại, mấy bà muốn trồng cây gì…", Mừng hỏi, phá tan sự náo nhiệt. Chị Kiều hào hứng đáp: "Mỗi thứ trồng một ít đi mấy bà". Phượng thêm vào, "Nhờ anh Thanh đến trại cây giống lớn mua giá sỉ, rồi nhờ xe tải của An chở xuống đó luôn". Mọi người muốn phủ xanh một phần khu đất 1.500m² được một nhà hảo tâm ở Cần Đước, Long An tặng, với ước mong xây dựng nhà dưỡng lão cho người già neo đơn, bằng nhiều loại cây ăn trái khác nhau và thêm những loại cây thuốc nam thông thường khi mùa mưa bắt đầu.
Tiếng xe máy kêu tạch tạch, rồi tắt hẳn. Xuống Củ Chi thăm một thành viên trong nhóm thiện nguyện bị bệnh, chị Tuyết vừa về. Lúc đi thì một mình. Khi về, chị đùm đèo thêm rau củ của mấy bà bạn gửi tặng. Chiếc xe Mio đời đầu đã theo chị rong ruổi trên nhiều ngả đường của Sài Gòn, mang yêu thương sưởi ấm những cảnh đời khốn khó.
"Khoai mì Củ Chi nè. Ngon lắm lung…", chị Tuyết với tay đưa cho tôi bọc khoai, bảo mọi người cùng ăn. Rồi chị nói mình đói bụng. Chị Tuyết chỉ nhớ đến bữa trưa khi mọi việc đã hoàn tất! Ăn vội bát cháo trắng với tương hạt một cách ngon lành, rồi chị lại tất bật cùng mọi người nhặt rau cải. 100 phần cơm phải xong trước 15 giờ, đó là phần việc của nhóm với những công đoạn từ nhặt rau, chiên tàu hủ, xới cơm..., mọi thứ phải chỉn chu, chuẩn vị cơm nhà.
Rẻ - sạch - ngon và bao no, tiêu chuẩn này được chị Tuyết đặt ra từ năm 2009, khi bếp cơm Tâm Ái lần đầu tiên đỏ lửa. Dù cơm chay, nhưng hương vị, hình thức trình bày đẹp mắt, đủ chất dinh dưỡng bởi những bí quyết riêng từ các đầu bếp có khi là bác sĩ, giáo viên, nhân viên văn phòng…, có khi là những cô chú đã thôi đóng bảo hiểm xã hội, có cả những cô cậu sinh viên. Ngoài bí quyết riêng, những thành viên trong nhóm giống nhau, đều sẵn sàng, tự nguyện bỏ thời gian nghỉ ngơi ngày cuối tuần, kể cả bỏ tiền túi để mang đến những phần cơm tặng cho người cần. Ai làm được việc gì thì cứ làm, giống như ông chủ nhà số 034, Lô D, Chung cư Lạc Long Quân, đường Tống Văn Trân, Q.11, TP.HCM vậy. Ông đã cho nhóm thiện nguyện thuê mặt bằng mở quán cơm chay Tâm Ái với giá bao rẻ.
Hồi cuối tháng 4, nhóm Tâm Ái đã mang nhiều bồn chứa nước, kể cả nước ngọt về tặng cho bà con vùng hạn mặn miền Tây. Chị Tuyết hồ hởi kể: "… Nhìn bà con phấn khởi nhận nước, mình cũng cảm thấy ấm lòng ghê vậy đó".
Chị Tuyết thăm và tặng quà cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Năm 2019, Tâm Ái cũng đã đôi lần mang nước ngọt tặng cho bà con vùng hạn mặn miền Tây. Lần nào, chị Tuyết cũng ngồi xe theo đoàn, chẳng quản nắng hè đổ lửa. Đôi chân khuyết tật sau một cơn sốt quái ác hồi chị 3 tuổi, cứ ngỡ như dấu chấm hết cuộc đời, ấy vậy mà, chị đã ngược dòng số phận, đến nhiều vùng đất khác nhau để "gieo hạt" yêu thương với vai trò trưởng nhóm.
Năm 2006, trước khi nghỉ hưu, cô kế toán Kim Tuyết thường đến trung tâm bảo trợ vào mỗi cuối tuần, mang theo bánh kẹo và dụng cụ học tập cho các em nhỏ. Dáng đi khập khiễng của chị làm nhiều người không khỏi cảm động. Tuy nhiên, chính dáng ấy lại mang đến nhiều giá trị tốt đẹp cho những trẻ em kém may mắn và nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Chị đã "truyền lửa" đến bạn bè và nhận được sự chung tay góp sức của nhiều người, mặc dù trước đó, họ luôn ngăn cản với lý do "thôi… thôi…, bà đi lại còn chưa xong, ra đường không khéo, xe nó 'hun' cho thì mệt".
Chị Tuyết cho biết, ban đầu nhóm của chị chưa có đến 10 thành viên, nhưng hiện nay đã thu hút trên 100 người tham gia. "Muốn chia sẻ nhiều hơn nữa, nhóm nghĩ đến việc nấu cơm chay để tặng cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang thăm khám, điều trị ở một vài bệnh viện. Nhà ai rộng rãi thì nhóm tập trung đến đó nấu. Từ năm 2009 đến nay, đều đặn mỗi tuần 3 ngày, đại diện thành viên của nhóm đi tặng cơm. Ai có của góp của, có công góp công…", chị Tuyết chia sẻ.
Chị Tuyết chụp ảnh cùng các em nhỏ vùng sâu – xa trong chuyến về miền Tây.
Trong những năm qua, nhóm Tâm Ái thường xuyên tổ chức việc tặng suất ăn cho các cụ già tại trung tâm dưỡng lão và các em nhỏ tại những mái ấm tình thương. Đi đến đâu, để thương đến đó, nên tiếng thơm của Tâm Ái được nhiều nhà hảo tâm biết đến và đồng thời đóng góp tài vật, giúp nhóm có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa.
Để đảm bảo cho hoạt động thiện nguyện trở nên "bền vững", tạo ra giá trị lâu dài, chị Tuyết quyết định thuê nhà để mở quán bán cơm chay. Ngoài ra, nhóm cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện như tiệc buffet chay và chương trình bán vé tham dự văn nghệ với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng.
Vậy đó, cái tên Tâm Ái được vun vén, đắp bồi từ những tấm lòng sẵn sàng cho đi!
Vốn người khéo tính, tỉ mẩn, muốn mọi thứ chỉn chu, nên lắm khi chị Tuyết tổ chức đến 2-3 chương trình/ngày. Chị Tuyết còn kết nối với nhiều nhóm thiện nguyện khác, nên sau mỗi chương trình, khiến chị bị đuối sức. Lắm lúc chị nghĩ đến việc dừng lại. Nhưng không thể rời tách, chị xem nó như nhân duyên mà mình đã "gieo" trong suốt hành trình thiện nguyện.
Những chương trình Tâm Ái thực hiện tràn đầy bầu nhiệt huyết với tên gọi ý nghĩa, như: Yêu thương xin gửi về em - hướng đến học sinh nghèo hiếu học, phụ huynh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn ở Tây nguyên; Gieo hạt yêu thương – hướng đến đồng bào dân tộc Khmer ở miền Tây, Nối nhịp yêu thương, Nước ấm tình thương, Xuân bình an…
Nhóm thiện nguyện đến với các em nhỏ vùng sâu – xa trong chuyến đi về miền Trung.
Chương trình Chiếc bánh chung vui thực sự là một ví dụ rõ nét về sự chia sẻ và quan tâm đáng quý. Nó mang lại niềm vui cho các em thiếu nhi ở vùng sâu - xa, đặc biệt là những bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Vào mỗi dịp trung thu về, mọi người hân hoan làm bánh kèm với lời nhắc nhớ của chị Tuyết rằng, dù chỉ là những công việc nhỏ nhặt nhưng với tình yêu thương, ta có thể biến ước mơ của các em trở thành hiện thực.
Chương trình hỗ trợ của nhóm Tâm Ái trong giai đoạn dịch Covid-19 cũng thật sự ấn tượng. Tâm Ái đã huy động được hơn 94 tấn rau củ quả, gạo, mì và nấu trên 300 suất cơm mỗi ngày từ ngày 1.7 - 8.8.2021 để hỗ trợ người dân trong khu vực cách ly và những người gặp khó khăn do dịch bệnh.
"Hồi ấy, sống là may, khỏe là mừng, cho là hạnh phúc. Tâm Ái đã có nhiều chuyến xe mang rau củ đến những nơi khác nhau, nhưng không phải tất cả đều được kiểm đếm. Giờ thì phải rõ ràng. Với nhân quả, pháp luật… hông thoát được đâu", chị Tuyết nói và cho biết thêm, Tâm Ái luôn sẵn lòng sẻ chia, lan tỏa niềm vui, nhưng cân nhắc, tìm hiểu kỹ càng khi nhận sự đóng góp.
Chị Tuyết chỉ nhận mình là cầu nối giữa những người có điều kiện để sẻ chia và những người xứng đáng được nhận. Những việc làm của chị đã góp phần làm tỏa sáng cách sống nghĩa tình của người Sài Gòn - TP.HCM.
"Sống chậm để cho đi em à!", câu nói của chị Tuyết làm tôi suy nghĩ miết!
Nguồn Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự