Ông Đỗ Tuấn Đạt (75 tuổi) là cựu chiến binh, vốn là người xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Giữa năm 1967, khi đang là lái xe cho Công ty Vận tải hàng hóa Hà Nội ông xin nhập ngũ, sau chuyển công tác về trung đội hỏa lực của Đại đội 9, Tiểu đoàn 439, Trung đoàn 5, Quân khu Trị Thiên. Hai năm sau, ông về Đại đội 69B, lái xe vận chuyển lương thực, vũ khí tiếp tế cho chiến trường miền Nam.
Năm 1971, khi đoàn xe của ông di chuyển đến đèo Bù Lạch (Quảng Nam), chiếc xe của hai chiến sĩ Trần Văn Thiết và Đào Quang Bình dính mìn. Hai anh hy sinh, cả đoàn an táng tại chỗ và tiếp tục lên đường. Hòa bình lập lại, ông Đạt cùng đồng đội quy tập hai anh về nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị).
Bà Nguyễn Thị Mão (70 tuổi) là vợ ông Đạt, tâm sự rằng bản thân có phần lo lắng khi thấy chồng tuổi cao vẫn tiếp tục đi xa. Lo là thế, nhưng bà không cấm cản chồng, trái lại còn tích cóp, dành một phần tiền lương hưu cho chồng đi làm việc thiện. Mỗi năm, gia đình họ đóng góp 200-300 triệu đồng cho hoạt động tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Số tiền này được trích từ tiền lương hưu của ông bà, con cái, anh em thân thiết hỗ trợ.
Đến nay, hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ của ông Đỗ Tuấn Đạt đã kéo dài 25 năm. Không ít lần, ông phải bán đất, thay ô tô, thậm chí gặp tai nạn nguy hiểm trên đường. Thế nhưng, nhìn lại chặng đường đã qua, người cựu chiến binh ấy không hề hối tiếc. Hành động của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người khác, để rồi tất cả cùng chung tay làm việc tử tế.
10 năm trước, ông Đoàn Trọng Nghĩa (71 tuổi) sau khi biết câu chuyện của ông Đạt, đã xin tham gia nhóm. Vị này tâm sự: "Có đi mới biết để tìm và đưa hài cốt liệt sĩ về quê không đơn giản, nên chúng tôi càng khâm phục bác Đạt. Bác ấy bị tiểu đường nặng, chân trái bị liệt nhẹ do biến chứng nhưng chưa từng lúc nào nghỉ ngơi".
Nay người cựu chiến binh đã 75 tuổi, nhiều người khuyên nên dừng lại, nhường việc chinh chiến cho lớp trẻ, nhưng ông Đạt từ chối. "Bằng mọi cách tôi phải đưa các đồng đội về", ông nói. Nhiều năm qua, ông nhận được vô số bằng khen của Chủ tịch nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các tổ chức thiện nguyện. Không ít gia đình, mạnh thường quân còn ngỏ ý gửi tiền cảm ơn nhưng ông đều từ chối. Ông khẳng định: "Việc tôi làm từ tâm nên không mong chờ danh tiếng, trục lợi hay nhận lời cảm ơn từ người khác".
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự