Bà Bích Châu cũng là tác giả soạn “Kê minh thập sách” nổi tiếng - là kế sách khuyên vua chăm lo sửa sang việc nước của Chế thắng phu nhân dâng lên Hoàng đế Trần Duệ Tông. Trải qua dâu bể hơn 600 năm, lời tiền nhân vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là bài học cho người đời sau về kế sách an dân, trị quốc…
Cảm kích công lao to lớn của bà với dân với nước, vua đã phong cho bà là Thần phi, nhân dân đã lập đền thờ, hiện nay tại thôn Hải Khẩu, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh có Khu di tích đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Vị cung phi tài sắc, trí tuệ trong lịch sử Đại Việt
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư“, bà Nguyễn Thị Bích Châu là một nhân vật lịch sử, bà sinh năm 1356, quê ở Bảo Lộc (nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Bà là con gái hiếm của đại thần Nguyễn tướng công thời nhà Trần nên được cha mẹ nâng niu đặt tên Bích Châu (viên ngọc quý).
Lớn lên, nàng Bích Châu không những xinh dẹp mà trí tuệ hơn người, văn võ song toàn. Năm Long Khánh thứ nhất (1373) Bích Châu được vua Duệ Tông kén vào hậu cung, đặt hiệu là Phù Dung ngụ ý ví nhan sắc của nàng lộng lẫy như một đóa phù dung.
Cổng tam quan dẫn vào Khu di tích.
Gác chuông trong sân đền.
Đi qua lần cổng nữa có đôi nghê chầu với những bậc thang vào khu thờ tự.
Hai "ông voi" bằng đá trong sân đền.
Về tên hiệu Phù Dung của nàng, có giai thoại kể rằng, nhân Tết Trung thu năm nọ, nàng Bích Châu bày tiệc nhỏ trên gác tía, treo đèn lồng lộng lẫy sắc màu. Hoàng đế Duệ Tông tức cảnh sinh tình ra câu đối: "Trời thu gác tía treo đèn bạc, quế đỏ trong trăng". Hàng quan dự tiệc còn đang suy tư tìm vế đối thì nàng Bích Châu đã chắp tay, cất tiếng: "Sắc xuân đài trang mở gương báu, phù dung đáy nước". Thấy vế đối của nàng quá hay, chuẩn chỉ từ ý đến lời nên vua rất ưng lòng, liền lấy chữ Phù Dung trong câu đối đặt hiệu cho người thiếp mà Ngài sủng ái.
Một góc Khu di tích.
Theo sử sách, Trần Duệ Tông là vị hoàng đế dũng cảm, cá tính mạnh mẽ, mang hoài bão chấn hưng Đại Việt vốn đã suy bại từ thời vua Trần Dụ Tông và Dương Nhật Lễ. Ông cũng là người đã đưa ra nhiều chính sách tiến bộ như tuyển chọn nhân tài - không phân biệt là xuất thân bình dân hay hoàng tộc, coi trọng nho sĩ, đề cao văn hóa nước nhà, như: không cho phép mặc áo kiểu phương Bắc và hạ lệnh thần dân phải giữ gìn tiếng Việt, không lai căng học nói tiếng Chiêm- Lào.
Chính điện thờ Chế thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu.
Bia đá khắc "Kê minh thập sách" của Thần phi Nguyễn Thị Bích Châu.
Tuy nhiên, thời vua Duệ Tông chính sự rối ren, lòng dân bất ổn, thù trong giặc ngoài luôn rình rập. Thấy triều cương ngày càng sa sút, chính sự đổ nát, nhân tài không được trọng dụng, nịnh thần lộng hành…nên Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu đã tự mình thảo “Kê minh thập sách” dâng lên vua Trần Duệ Tông.
Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu được Bộ Văn hóa xếp hangh Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 1991.
"Kê minh thập sách" được xem là áng văn chính trị cổ xưa của nước ta, bao gồm những vấn đề trọng đại của đất nước trên cả ba lĩnh vực: Chính trị – Văn hóa – Quân sự. Sớ dâng lên vua, vua Trần cảm kích phán rằng: “Không ngờ nàng thông tuệ đến thế, xứng là một quý phi tài ba của trẫm!”.
“Kê minh thập sách”, ngụ ý mượn tiếng gà gáy sáng để dâng lên 10 kế sách trị nước an dân, đại ý rằng:
1- Bền gốc nước, trừ kẻ bạo thì dân chúng được yên.
2- Giữ nếp xưa, phiền nhiễu nên bỏ thì triều cương không rối.
3- Ngăn kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.
4- Loại bọn quan tham nhũng để bớt vơ vét của dân.
5- Mở lối nho phong để ngọn lửa đóm được soi cùng mặt trời mặt trăng.
6- Tìm những lời trực gián để đường ngôn luận được rộng mở như cửa thành.
7- Rèn luyện binh sĩ cần lất hạng có dũng lực hơn là hạng vóc vạc lớn.
8- Chọn tướng trước nên lựa người thao lược sau mới đến là bậc thế gia.
9- Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là lòe loẹt.
10- Tập trận pháp cần chỉnh tề, không cần múa nhảy.”
Cuối bài "Kê minh thập sách" nàng Bích Châu viết đại ý: “Mấy việc kể trên thật hợp thời này. Một tấm lòng trung mạo muội tỏ bày. Lời quê mộc mạc, xin vua xét lấy. Điều dở thì bỏ, thi hành điều hay. Nước được thịnh trị, muôn dân vui vầy. Tấm lòng thiếp vậy.”
Từ nội dung của “Kê minh thập sách” cho thấy, lời khuyên của Quý phi Nguyễn Thị Bích Châu với vua Trần Duệ Tông là một bản kiến nghị mang danh nghĩa lời khuyên nhỏ nhẹ của một người vợ đối với chồng lúc gà vừa gáy sáng, đây thực chất là một chính sách toàn diện nhằm cải tổ bộ máy nhà nước chuyên chế trên cơ sở mầm mống phôi thai của tinh thần dân chủ.
Cái chết huyền thoại của bậc nữ trung hào kiệt
Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành. Bích Châu làm tờ biểu can ngăn nhưng vua không nghe nên nàng xin đi theo hộ giá. Khi quân nhà Trần đến cửa biển Thị Nại (tỉnh Bình Định) đóng quân thì được vua Chiêm là Chế Bồng Nga cho sứ giả đem ngà ngọc, vàng bạc tới trực tiếp cho quan quân ta để trá hàng, sau đó lại lập mưu tiến đánh úp vào lúc nửa đêm.
Quân của vua bị tấn công bất ngờ, long thể nhà vua bất an. Là người võ nghệ tinh thông, nàng Bích Châu dũng cảm cưỡi ngựa tả xung hữu đột cầm quân xung trận, không may bị trúng tên độc. Lúc hồi quân về hội điểm an toàn vào rạng sáng ngày 11/2, bà đã từ trần. Ba ngày sau vì bệnh tình quá nặng, vua Trần Duệ Tông cũng băng hà.
Trên đường trở về kinh đô, khi tới địa điểm đầu Châu Hoan (Hà Tĩnh ngày nay) vì sóng to, gió lớn, nên triều đình đã xuống chiếu cho an táng quý phi Bích Châu tại cửa khẩu bến Kỳ La - huyện Kỳ Hoa (nay là Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Còn theo truyền thuyết dân gian kể rằng, năm 1377 khi vua Duệ Tông đem quân đi dẹp giặc theo đường thủy, Bích Châu cũng hộ giá đi theo. Khi chiến thuyền vừa đến vùng biển Kỳ Hoa (nay là xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trời bỗng nổi cuồng phong.
Đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là "Nam Minh Đô đốc", muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới làm cho bể yên, sóng lặng để thuyền vua đi qua. Vua sợ hãi, vội cho đòi các quan tướng và phi tần đến chỗ ngự tẩm, kể lại giấc mơ. Trong khi các quan tướng chưa biết ứng đối thế nào, thì Bích Châu từ sau trướng bước ra, nói: "Việc linh ứng của thần nhân như vậy là rõ ràng, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Tiện thiếp tình nguyện liều tấm thân bèo bọt này để chu toàn cho đoàn ngự giá và quan quân".
Trần Duệ Tông bàng hoàng chưa kịp phán bảo cản ngăn thì bà Bích Châu đã nhanh nhẹn quay ra thuyền lệnh: "Các quan mau mau sửa soạn lễ vật cúng thần biển, kính báo thời khắc thiếp tôi được nhà vua cử làm sứ giả đi gặp thần biển xin sóng lặng bể yên phù trợ cho vua quan, quân lính nhà Trần được chiến thắng dịp này, đem bình an về cho đất nước".
Sau đó nàng Bích Châu lệnh cho thị nữ xông trầm, trang điểm trâm thoa, xiêm gấm, hài thêu lộng lẫy như một vị thiên thần và bình thản, dũng mãnh đi vào cõi vĩnh hằng, xả thân vì đất nước. Cảm kích trước tấm lòng trung trinh của quý phi Nguyễn Thị Bích Châu, vua Trần Duệ Tông đã truy tặng cho bà làm Thần phi.
Phía trước mặt Khu di tích là biển Vũng Áng tuyệt đẹp (ảnh Báo Hà Tĩnh).
Theo giai thoại kể lại, sau khi nàng Bích Châu hiến thân cho Thủy Thần vì nghĩa lớn, hôm sau trời yên biển lặng, quan quân nhà Trần tiếp tục lên đường dẹp giặc giữ yên bờ cõi. Tuy nhiên, thế trận không cân sức nên sau đó vua Duệ Tông cũng băng hà.
Gần 100 năm sau, vua Lê Thánh Tông cho xây dựng lại lăng mộ và đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu tại địa điểm Khu di tích ngày nay.
Trong cuộc đời huyền thoại của Thần phi Bích Châu, "Kê minh thập sách" của bà được nhắc đến nhiều vì những giá trị vượt thời gian của nó. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, “Kê minh thập sách” là minh triết, là linh hồn của những đạo lý mới để góp vào hình thành một cộng đồng xã hội Việt hiện đại. Đối với các thế hệ hôm nay, “Kê minh thập sách” chính là nền tảng của khái niệm về một quốc gia “Hòa bình, độc lập, dân chủ và hùng cường”.
Hiện nay cổng vào Khu di tích đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu có hai câu đối: “Kê minh thập sách, trí tuệ thánh hiền truyền lưu phù nước Việt, Chế thắng phu nhân, ơn Mẹ dài lâu gìn giữ giúp Nam dân”.
Và câu đối chữ Nôm:
"Sống mong nước trị dân an, một lòng tiết nghĩa,
Thác hóa Phúc thần thánh mẫu muôn thuở anh linh."
Theo Baophapluat.vn