Làng gốm truyền thống Hương Canh nằm soi bóng xuống dòng sông Cà Lồ, cách Hà nội 48km về phía Bắc. Như bao làng gốm khác, gốm Hương Canh theo dòng chảy đó mà giao thương khắp các vùng miền suốt mấy trăm năm.
Con người Hương Canh cũng được coi là điển hình của người nông dân Bắc Bộ, vừa giỏi nghề nông, vừa khéo tay trong nghề gốm. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, gốm Hương Canh vẫn giữ được vóc dáng truyền thống của mình với các sản phẩm gia dụng như chum, vại, lọ, tiểu sành,... Có lẽ vì thế, mà người đời sau vẫn hay truyền nhau câu hát:
"Ai về mua vại Hương Canh,
Ai lên mình gửi cho anh với nàng".
Theo thời gian, gốm Hương Canh không còn được ưa chuộng như xưa khi thị trường tiêu thụ thay đổi. Nhưng may mắn thay, đứng trước nguy cơ lửa lò dần nguội, những người thợ gốm Hương Canh với kinh nghiệm cầm lửa, bàn tay vuốt nặn tài hoa, ý nghĩ mộc mạc vẫn tiếp tục duy trì và nỗ lực tìm chỗ đứng cho gốm Hương Canh.
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn đã có gần 60 năm làm nghề, gia đình tính cả con bà là 4 đời gắn bó với nghề gốm truyền thống. Bà nói: "Các sản phẩm gốm Hương Canh có rất nhiều công đoạn. Công đoạn nào cũng khó, quan trọng, cần sự chỉn chu và tỉ mỉ của bàn tay người thợ. Từ khâu đầu tiên khi đất thô mang về cần “dấm” nửa năm rồi phải trải qua quá trình nhào ủ trước khi được dùng để chuốt lên hình. Chuốt càng mỏng càng thể hiện sự khéo léo của người thợ. Sau đó sản phẩm được mang ra phơi se để tiện lại và thêm hoa văn rồi mới mang đi nung."
Các sản phẩm gốm hương Canh có màu nâu cháy đặc trưng như: Chum, chĩnh, vại, ấm, trõ đồ xôi, bình hoa,...
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề, bà Nhạn bắt đầu với nghề từ khi 17 tuổi.
Nguồn nguyên liệu đất sét dồi dào ngay chính tại Hương Canh.
Gốm Hương Canh đặc biệt nhất ở màu tự thân do được làm bằng nguồn đất sét khai thác tại địa phương. Đây là thứ đất có độ mịn, độ béo, độ dẻo cao. Nguyên liệu đất trầm tích lắng đọng tự nhiên không men khiến cho các sản phẩm làm ra không cần tráng men vẫn có độ bóng và bền chắc.
“Gốm Hương Canh chống được nước thẩm thấu rất tốt, ngăn được ánh sáng, giữ bền hương vị của những thứ đựng bên trong. Vại làm tương, muối dưa cà, ủ rượu, làm mắm... giữ được tròn vị hơn cả. Hũ đựng trà, trà khô giòn; đựng thuốc lào, thuốc lào mềm. Người ta nói, nước chảy đá mòn, chứ tiểu sành Hương Canh thiên niên vạn đại không mòn… "- Bà Nhạn giới thiệu về sản phẩm thủ công của làng mình.
Không lộng lẫy, cũng chẳng quá cầu kỳ với nhiều màu men khác lạ như những dòng gốm khác, gốm Hương Canh đẹp ở sự mộc mạc và giản dị. Toát lên ở mỗi sản phẩm là vẻ đẹp của hồn quê và tâm huyết người nghệ nhân.
Gần 300 năm qua, gốm Hương Canh vẫn hoàn toàn được làm thủ công bằng tay. Các sản phẩm nung già, khi gõ có tiếng kêu vang riêng và chắc chắn, không bị nứt, không bị méo.
Bà Nhạn cùng con trai của mình vẫn ngày ngày hăng say với nghề truyền thống.
Bàn tay khéo léo ấy đã làm nên biết bao sản phẩm gốm sành chất lượng.
Bà Nhạn có 5 người con thì 4 người con cũng cùng đi theo nghề truyền thống của gia đình. Với bà, sinh ra trong làng nghề là đã có duyên, phải tâm huyết và sống với nghề. Bà luôn mong muốn các thế hệ trẻ sẽ tiếp tục khôi phục và thổi luồng gió mới cho nghề gốm Hương Canh.
Trải qua bao thăng trầm cùng với những sự thay đổi, cả làng hiện chỉ còn 7 hộ làm nghề nhưng những lò gốm vẫn ngày đêm đỏ lửa, giữ được những nét tinh hoa của cha ông để lại. Ngoài những sản phẩm truyền thống nổi tiếng như chum, vại, nồi, niêu, ấm chén, tiểu, ống nước thì các hộ làm nghề cũng chuyển sang làm gốm mỹ nghệ theo đơn đặt hàng đáp ứng những nhu cầu đòi hỏi của thị trường hiện nay.
Theo Baophapluat.vn