Những con tem quý hiếm có hình Bác Hồ
8h30 sáng trung tuần tháng 4.2022, tiếng trống nghỉ giữa giờ của Trường THCS thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn - An Giang) vang lên, hàng trăm học sinh chưa kịp túa ra sân chơi thì một nhóm học sinh khối 7 hối hả đến Phòng truyền thống để dự buổi sinh hoạt tem đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Cái náo nức sau thời gian dài gián đoạn như thôi thúc các tín đồ của tem đến sớm hơn một chút so thông lệ, nhưng vừa đến đã thấy nhà sưu tập tem Trần Hữu Huệ, người chủ trì các buổi sinh hoạt tem đã ngồi sẵn.
Đã bước qua tuổi 71, nhưng lửa đam mê tem dường như đã khiến ông trẻ trung như chàng trai.... tuổi 17. Sau khi thầy giáo Trịnh Văn Thu - Tổng phụ trách Đội, kiêm Chủ nhiệm CLB Tem nhà trường, sinh hoạt thủ tục, ông Huệ vào cuộc ngay: “Sắp đến kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, nên hôm nay chúng ta sinh hoạt tem theo chủ đề Bác Hồ. Em nào cho biết, con tem về Bác Hồ được xem là quý hiếm nhất thị trường tem Việt Nam được phát hành năm nào?”.
Tưởng chừng như câu hỏi có độ khó cao sẽ thách thức các em, nhưng không, cả rừng cánh tay đưa lên xin được trả lời. Rất ngẫu nhiên, ông Huệ gọi tên Nguyễn Huỳnh Anh, lớp 7A10, ngay lập tức nhận được đáp án: “Dạ, năm 1951”. “Chính xác. Chúng ta vỗ tay biểu dương bạn Huỳnh Anh”, vừa nói ông Huệ vừa trao tặng 10 con tem dành cho người có câu trả lời đúng.
“Tên đầy đủ của con tem là Bác Hồ với Liên khu V do huyện Hoài Nhơn (Bình Định) phát hành năm 1951. Ảnh Bác Hồ được dựa trên hình ảnh bộ tem chân dung Bác phát hành năm 1946 do họa sĩ bậc thầy Nguyễn Sáng thiết kế dựa vào bức ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ tài Vũ Năng An chụp” - giọng ông Huệ như tràn cảm xúc. “Theo thống kê của giới sưu tầm tem, hiện cả thế giới chỉ còn 40 con tem Bác Hồ với Liên khu V. Trong đó, 39 con thuộc quyền sở hữu của các nhà sưu tập tem ở Mỹ, con còn lại đang ở trước mắt các em đây”.
Ông Trần Hữu Huệ tận tình chỉ dẫn kiến thức về tem cho học sinh trong buổi sinh hoạt hằng tuần. Ảnh: LT.
Chuyện bắt đầu vào năm 2006. Thoạt đầu, ông Huệ đến với thú chơi tem như sự trân trọng và yêu thích tuyệt phẩm mỹ thuật của họa sĩ nổi tiếng đương thời phản ánh về sự kiện lịch sử bằng ngôn ngữ cô đúc của hội họa, nhưng sau một lần được đọc tác phẩm: “Lịch sử nước ta” do Bác sáng tác theo thể thơ lục bát, trong đó có câu: Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, ông Huệ phát lên tâm nguyện: muốn truyền bá phong trào chơi tem trong cộng đồng học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước như một cách thực hiện di nguyện của Bác Hồ.
Sau khi trình bày tâm nguyện và được lãnh đạo Trường THCS thị trấn Núi Sập ủng hộ, ông Huệ tổ chức sinh hoạt tem cho học sinh theo phương thức do ông tự nghĩ ra: Từ hình ảnh con tem, đặt ra những câu hỏi liên quan, ai trả lời đúng sẽ được thưởng 10 con tem do chính ông Huệ bỏ tiền túi ra mua. Cứ thế mỗi tuần 1 buổi, ông đều đặn duy trì suốt niên học đến tận hôm nay.
Tình yêu kỳ diệu về Bác
Không chỉ đam mê sưu tập tem, ông Huệ còn dành nhiều thời gian, công sức để “tạc” tượng đài Bác Hồ bằng hàng ngàn con tem. Không chỉ sở hữu nhiều tem về Bác Hồ với hơn 2.000 con tem và bì thư thực gửi về chủ đề Bác Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh do các họa sĩ trong nước và thế giới thực hiện, ông Huệ còn khiến cho giới chơi tem cảm phục trước khối kiến thức và tấm lòng mà ông dành cho những con tem về Bác Hồ.
“Bộ tem chân dung Bác năm 1946 có 5 mẫu, in trên giấy dó với các màu xanh lá mạ, vàng, đỏ, lam, tím” - ông Huệ khiến tôi ngạc nhiên với những kiến thức rộng về tem Bác Hồ. Thậm chí ông Huệ còn thông thuộc cả dòng chảy lịch sử của bối cảnh con tem ra đời.
“Năm 1968, Bưu điện phát hành 2 bộ tem về Bác. Trong đó 1 bộ in hình Bác trên nền lá cờ đỏ có tên “Tiến lên theo lời Bác dạy”, bộ tem còn lại có tên “Làm theo lời Bác” trên đó có câu nói nổi tiếng của Người “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Riêng năm 1970, nhân 1 năm ngày Bác Hồ đi xa, Bưu điện cho phát hành bộ tem gồm 3 mẫu chân dung Bác rất trang trọng, trong đó có hình chân dung Bác khi đọc Tuyên ngôn Độc lập”.
Càng sưu tập tem về Bác Hồ, có thêm nhiều thời gian tìm hiểu lịch sử liên quan, ông Huệ càng kính yêu, cảm phục Bác nhiều hơn. “Bác rất vĩ đại trong tư duy, tư tưởng, nhưng lại rất đỗi bình dị trong cuộc sống đời thường. Đó là những phẩm chất cần thiết cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ nên tôi quyết tìm cách truyền chất lửa từ Bác đến các em” - với suy nghĩ đó, ông Huệ đã tạo dựng cho mình chỗ đứng riêng trong thế giới tem thư.
Ông Trần Hữu Huệ trong buổi sinh hoạt tem ở Trường THCS thị trấn Núi Sập. Ảnh: LT.
Không chỉ tham gia hỗ trợ nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL khơi gợi phong trào và tổ chức các đợt triển lãm tem, trong đó đặc biệt là mảng đề tài tem về Bác Hồ và Hoàng Sa - Trường Sa, mà việc thành lập CLB Tem tại trường THCS thị trấn Núi Sập là điển hình, ông Huệ còn dành cho tem Bác Hồ sự quan tâm đặc biệt. Không chỉ dành 5-10 giạ lúa sau mỗi vụ thu hoạch để lên Sài Gòn tìm mua tem Bác Hồ, ông còn thường xuyên viết thư trao đổi, thậm chí là nài nỉ người sưu tầm phía Bắc...
Sau thời gian quen nhà sưu tầm Trịnh Xuân Dĩnh ở Hà Nội, được biết bố ông Dĩnh từng là người công tác ở Văn phòng Phủ Thủ tướng và có nhiều bì thư thực gởi cùng tem Bác Hồ, ông lập tức bay ra Hà Nội. “Sau khi thấy tôi thành kính thắp hương lên bàn thờ thân sinh của mình, ông Dĩnh đã rưng rưng nước mắt, sau đó mang nhiều tem, bì thư quý tặng” - ông Huệ bồi hồi nhớ lại. Và cũng chính chủ đề tem về Bác đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng danh giá trong nước và Châu lục.
Năm 1998, được bạn bè động viên, ông Huệ mang bộ tem “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” dự thi và đạt huy chương đồng (HCĐ) tại Triển lãm Tem bưu chính Quốc gia lần thứ I tại TP. Hồ Chí Minh. Đây được xem như pháo hiệu mở đầu cho loạt thành tích cho những năm tiếp theo: 1 huy chương bạc (HCB), 2 HCĐ (Triển lãm tem quốc gia năm 2000); 4 HCB, 9 HCĐ tại triển lãm tem khu vực ĐBSCL năm 2002... Đến năm 2007, với bộ sưu tập tem về Truyền thống ngành Bưu điện trong đó có nhiều con tem độc đáo về Bác Hồ, ông Huệ đã giành HCB tại Triển lãm tem Châu Á tổ chức tại Thái Lan với sự tham dự của hàng trăm nhà sưu tập tem đến từ 43 quốc gia trên thế giới.
Theo Laodong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự