Chính vì lẽ đó, khi giữa trung tâm thành phố biển Nha Trang phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, tồn tại một địa chỉ đáp ứng niềm khao khát thiên nhiên cho mọi người dân thành phố Nha Trang nói riêng, người dân tỉnh Khánh Hòa nói chung, thì địa chỉ ấy nhanh chóng được nhận sự quan tâm, yêu mến của mọi người. Đó là Làng nghề Trường Sơn Nha Trang.
Làng nghề Trường Sơn Nha Trang tọa lạc tại số 8 đường Trường Sơn, phường Phước Long, thành phố Nha Trang. Làng nghề nằm ở vị trí đắc địa, gần biển Nha Trang. Đó là vị trí thuận lợi cho tất cả mọi người, từ mục đích muốn tìm không gian mở-xanh- đẹp đến mục đích muốn tham quan các nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời.
Với du khách, đặc biệt là du khách ngoại quốc, Làng nghề Trường Sơn hấp dẫn họ còn bởi lý do: có thể dễ dàng tìm hiểu nhiều nghề truyền thống, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ngày càng hiếm. Đến tham quan làng nghề, họ có thể mua được những sản phẩm chất lượng, quà lưu niệm độc đáo, đậm bản sắc văn hóa địa phương và văn hóa Việt Nam. Với tổng diện tích gần 20.000m2, khuôn viên vuông vắn, được thiết kế khoa học và mỹ thuật, khách bước vào Làng nghề Trường Sơn là bước vào một thế giới khác, cơ thể và tâm hồn được thanh lọc, nhẹ nhàng, lắng dịu.
Trung tâm là ngôi nhà tròn, mái ngói, nơi tập trung triển lãm những sản phẩm của làng, nơi có sân khấu để giao lưu, tổ chức sự kiện. Tại đây, khách có thể thư giãn, mở mang tầm mắt, thu nhận nhiều kiến thức về những nghề thủ công sản xuất dụng cụ lao động (lưới, thuyền thúng, thuyền câu,…), vật gia dụng (nón lá, chiếu cói, bàn ghế mây và sợi tổng hợp, bàn ghế gỗ, đồ gỗ trang trí được chạm khắc rất tinh xảo,…), tác phẩm trang trí (12 con giáp, đàn chim yến đan bằng sợi tổng hợp, tượng gốm, tranh vẽ, thư họa, tranh cát, chuông gió, hoa đất sét, tò he,…), nhạc cụ (đàn ghi-ta, đàn đá, đàn T’rưng,…)…
Trung tâm là ngôi nhà tròn, mái ngói, nơi tập trung triển lãm những sản phẩm của làng, nơi có sân khấu để giao lưu, tổ chức sự kiện.
Từ nhà tròn trung tâm, chủ nhân làng nghề xây dựng hai khu nhà dài chữ L tạo thành một kiến trúc ôm lấy nhà tròn và từ nhà tròn có thể bao quát tất cả. Đây chính là nơi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, công nhân chế tác. Và đây cũng chính là nơi khách tham quan có thể tận mắt ngắm nhìn quá trình tạo ra tác phẩm, sản phẩm của các nghệ sĩ, nghệ nhân.
Hiện nay, Làng nghề Trường Sơn Nha Trang đã tập hợp được khoảng 20 nghề truyền thống, luôn đặt tiêu chí sáng tạo, chất lượng, tinh xảo lên hàng đầu, trong đó ưu tiên cho các nghề truyền thống của địa phương Khánh Hòa, chẳng hạn, nghề đan song mây, gốm nghệ thuật Lư Cấm, dệt chiếu Vĩnh Thái, đan lưới chài Vĩnh Trường, đan võng Nha Trang, chằm nón Diên Khánh, ốc mỹ nghệ Vĩnh Nguyên,…
Làng nghề Trường Sơn đang sở hữu 10 bộ tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam
Đáng trân trọng là Làng nghề Trường Sơn đang sở hữu 10 bộ tác phẩm đạt kỷ lục Việt Nam: mô hình quả bầu hồ lô lớn nhất nước từ 542 quả bầu nhỏ, bộ 4 bản đồ Việt Nam thực hiện thủ công bằng nguyên liệu tự nhiên, bức tranh cát hai mặt tạo hình bằng chữ thư pháp, mô hình Trống đồng Ngọc Lũ đan bằng sợi tổng hợp, bức tường gắn chân dung danh nhân đan bằng sợi tổng hợp, bộ 8 bức tranh thư pháp tâm linh,…
Bao quanh không gian sáng tạo của những khối óc, bàn tay tài hoa là vườn hoa, cây trái rực rỡ, xanh mát. Làng nghề Trường Sơn nổi tiếng từ lâu với vườn mai gồm mấy trăm chậu mai thế, vườn hồng, vườn hoa hướng dương, hoa lan, hoa sen, hoa giấy, hoa cúc,… tô điểm cho làng nghề thêm rực rỡ, tràn trề sức sống. Ở cuối làng là vườn rau với giàn bầu nậm, luống cà chua, luống ớt,… sai quả.
Bao quanh không gian sáng tạo của những khối óc, bàn tay tài hoa là vườn hoa, cây trái rực rỡ, xanh mát.
Trong đại dịch COVID-19, trừ khoảng thời gian giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16, Ban Giám đốc, các nghệ sĩ, nghệ nhân, công nhân đã thực hiện tốt 5K để tiếp tục sáng tạo, sản xuất. Ngày 2-4 vừa qua, Làng nghề Trường Sơn tổ chức Kỷ niệm 47 năm ngày Nha Trang giải phóng (2-4-1975 _ 2-4-2022) và công bố sản phẩm được chế tác trong đại dịch. Đó thực sự là một hoạt động ý nghĩa và giá trị, chứng tỏ tư duy năng động, tình yêu nghề, yêu cái đẹp của tất cả mọi người nơi đây.
Trong buổi lễ, Ban giám đốc làng nghề có đề cập đến dự thảo hoàn thiện Vườn Tri ân – Vườn Danh nhân. Điều đó chắc chắn sẽ làm cho Làng nghề Trường Sơn càng trở thành một địa chỉ du lịch- văn hóa không chỉ cho người dân Khánh Hòa mà còn cho du khách trong và ngoài nước.
Tượng gốm Lư Cấm tạo nên "thần thái" cho làng nghề.
Nghề chính của làng nghề là bàn ghế bằng mây và sợi tổng hợp.
Theo Plo.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự