"Trĩ Xuyên di cư đồ"
Đồ cổ, cụ thể là tác phẩm nghệ thuật cổ, thường được hậu thế săn lùng mua lại với mức giá cao khó tin. Năm 2011, giới mộ điệu bất ngờ với con số 402,5 triệu NDT (gần 1.500 tỷ đồng) của bức tranh Trung Quốc có niên đại 700 tuổi vào cuối thời nhà Nguyên.
Đây là bức tranh cổ thư pháp đắt bậc nhất thế giới, chỉ thấp hơn một chút so với bức thư pháp đắt nhất của nhà thư hoạ gia Hoàng Đình Kiên (440 triệu NDT). "Trĩ Xuyên di cư đồ" có thể tạm dịch là tranh vẽ chuyến di cư của Trĩ Xuyên và các chuyên gia còn ví von rằng đây có lẽ là chuyến di cư tốn kém nhất trong lịch sử Trung Quốc.
"Trĩ Xuyên di cư đồ" và các nhóm nhân vật trong bức tranh. Hình ảnh: Sohu.
Bối cảnh của bức tranh này là cuộc chuyển nhà của Cát Hồng - một học giả Đạo giáo, nhà giả kim và nhà nghiên cứu y thuật nổi tiếng ở triều đại Đông Tấn hay còn được người đời gọi là Tiểu Tiên Ông.
Dù nhiều lần được thăng chức do có công lớn, nhưng trong bối cảnh xã hội rối ren, ông đã nhìn thấu thiên hạ, dốc lòng tu Đạo. Mọi vinh hoa phú quý đều chẳng là gì nên ông quyết định từ bỏ triều chính, đưa gia đình trở về nơi núi rừng sâu thẳm để tu luyện Đạo giáo. Toàn bộ bức tranh, về mặt bố cục, hầu hết đều sử dụng tư thế uốn lượn quanh co của núi cao, của rừng rậm và thung lũng sâu thẳm để khắc họa khí thế hùng vĩ tráng lệ.
Trong bức tranh, nhân vật chính - Cát Hồng đang cưỡi trên lưng một con bò đực, khoác áo choàng đạo sĩ cùng với biểu cảm vô cùng tập trung vào cuộn sách trên tay. Phía sau là vợ và những người con của ông. Ngoài còn có một số người hầu dắt theo gia súc và đồ đạc thiết yếu. Xa xa, trong sân trước ngôi nhà, những người hầu đã đứng sẵn ở cửa, dọn dẹp sân vườn để chào đón sự xuất hiện của chủ nhân.
Cát Hồng, vợ và con của ông. Hình ảnh: Baijiahao.
Phía trên bức họa là những dòng chữ chứa ấn ký của 7 nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như là một sự công nhận cho tài năng của tác giả bức tranh - họa sĩ Vương Mông. Màu sắc và độ đậm nhạt hài hòa của mực khiến tác phẩm này toát lên vẻ sâu thẳm bí ẩn cũng như hẻo lánh của núi rừng.
Dù rằng bức tranh này đẹp có thể xếp vào hàng kiệt tác nhưng để xứng đáng với mức giá trên trời hơn 400 triệu NDT thì hẳn nó còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa khác nữa.
Bí mật của tác giả
Một phần tạo nên mức giá đắt "cắt cổ" của bức tranh chính là hành trình thăng trầm của nó. Tranh vẽ vào cuối thời nhà Nguyên (khoảng 700 năm trước) và trải qua nhiều lần chiến tranh, lưu lạc từ nửa sau thế kỷ 19, đến tháng 8 năm 1937. Khi Nhật Bản ném bom vào Tô Châu (Trung Quốc), bức tranh lại được chuyển đến Tô giới Thượng Hải trong một đêm pháo đạn. "Trĩ Xuyên di cư đồ" đã suýt bị phá hủy vài lần nhưng vẫn may mắn được lưu giữ bảo quản cho đến ngày nay.
Bút tích của Cát Hồng và 7 nhân vật nổi tiếng khác trong lịch sử. Hình ảnh: Baijiahao.
Khi vẽ nên bức tranh này, họa sĩ Vương Mông không chỉ đơn thuần kể câu chuyện di cư của Cát Hồng mà còn bí mật gửi gắm cả tâm tư của mình ở trong đó.
Với nhân vật Cát Hồng nằm ở góc tranh, họa sĩ thực ra đang vẽ lại chính mình, sử dụng Cát Hồng để thể hiện ý chí của mình. Sâu trong thâm tâm, họa sĩ khao khát được buông bỏ vinh hoa phú quý như Tiểu Tiên Ông, nhưng ông vẫn còn lưỡng lự, mông lung nên chỉ dám gửi gắm nỗi lòng mình vào bức tranh.
Sau khi hoàn thành bức tranh này không bao lâu, Vương Mông không thể chịu đựng và không cam lòng phục vụ trong Nguyên triều nên đã rút lui về quê ở ẩn. Đến đầu thời nhà Minh, cứ ngỡ gặp được minh quân nên đồng ý xuất sơn làm quan, nhưng không ngờ lại gặp phải bạo chúa Chu Nguyên Chương để rồi cuối cùng lại bị liên lụy trong vụ án Hồ Duy Dung, sau đó kết thúc cuộc đời trong ảm đạm.
Nỗi lòng của Vương Mông chính là ý nghĩa ẩn sâu bên trong kiệt tác này, khiến hậu thế của hàng trăm năm sau vẫn còn phải chiêm nghiệm.
Toàn bộ bức "Trĩ Xuyên di cư đồ". Hình ảnh: Sohu.
.