Cây trâm cổ ở Long An thành điểm cầu cơ, xin số của dân 'đỏ đen'

Thứ sáu - 15/04/2022 21:55
Người dân nơi đây không ai dám mạo phạm cây trâm cổ, đi ngang qua còn phải cởi nón, cúi đầu chào. Gần đây, cây thiêng bỗng nhiên trở thành điểm cầu cơ, xin số của tín đồ đỏ đen.
Cây trâm cổ thụ vươn cao, nổi bật giữa đồng.
Cây trâm cổ thụ vươn cao, nổi bật giữa đồng.

Cây thiêng, miếu cổ

Trời đứng bóng, những người bán vé số dạo tìm đến bóng mát của cây trâm đại thụ nằm trong ngôi miếu cùng tên tại xã Đức Hòa Hạ (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) nghỉ trưa.

Tại đây, họ lại kể những câu chuyện nhuốm màu tâm linh về cây cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm này.

Nằm giữa đồng, cây trâm cổ rất lớn, chia thành nhiều gốc phụ. Những thân cây con tạo thành một khối khổng lồ 10 người ôm không xuể. Những gốc trâm vươn lên trời xanh, chia nhiều nhánh đan xen nhau, cành lá um tùm, che mát cả một khoảng đất rộng.

Không người dân địa phương nào biết cây trâm có tự bao giờ. Khi được hỏi, họ chỉ nói, từ lúc còn là "cậu bé để tóc 3 chỏm, đi chăn trâu, chăn bò đã thấy cây trâm sừng sững giữa đồng".

Hơn thế, họ đều được người xưa kể lại rằng, cây trâm có trước cả thời "ông cố, ông sơ" của mình và rất linh thiêng. Ông Nguyễn Văn Rữ (70 tuổi, xã Đức Hòa Hạ) cho biết: “Cây trâm và ngôi miếu có từ lâu lắm rồi”.

“Cây và miếu nằm trên đất nhà tôi, gia đình tôi quản lý, chăm sóc từ xưa đến bây giờ. Người xưa dặn, cây trâm thiêng lắm, không ai dám mạo phạm, không ai dám chặt phá. Hễ ai mạo phạm sẽ gặp điều không may mắn”, ông Rữ kể thêm.

Các bậc cao niên trong vùng khẳng định, khi khu vực này còn là rừng rậm, cây trâm đã sừng sững, bất chấp mọi nỗ lực triệt hạ nó để khai khẩn đất đai của người bản địa, dân tứ xứ. Đến thời chiến tranh, khu vực có cây trâm cũng nằm trong tầm đạn pháo của giặc.

1
Ngôi miếu nhỏ dưới gốc cây trâm.

Thế nhưng, sau 2 cuộc kháng chiến, trải qua bao phen bom đạn, cây trâm và ngôi miếu nhỏ vẫn sừng sững, không hề chịu một tổn thất nào. 

Ông Rữ kể thêm: “Mỗi năm đến mùa trái chín, trái trâm sum suê, tím ngắt ở trên cành. Thế nhưng, từ xưa đến giờ, không ai dám trèo lên hái trái ăn hoặc đem bán. Ai trèo đều bị té ngã, nhẹ thì gãy tay, chân, nặng thì chết.

Từ nhỏ đến giờ, tôi chứng kiến chuyện người nào dám cãi lời, trèo cây hái trái đều té ngã. Từ đó, dân trong vùng ai cũng biết chuyện nên chỉ dám nhặt trái rụng để ăn chứ tuyệt đối không dám trèo lên hái”.

1
Thân chính của cây trâm đã gãy đổ, mục nát từ lâu.

Ông Rữ cũng khẳng định chuyện người xưa rất e sợ, tôn kính cây trâm cổ thụ. Họ truyền tai nhau rằng nếu không có việc gì cần thiết thì không đến gần cây. Khi đi ngang qua phải cởi nón, cúi đầu chào cây cổ.

Bỗng trở thành nơi cầu cơ, xin số

Một trong những câu chuyện khác tô điểm thêm sự huyền bí của cây trâm đại thụ là việc người Pháp vô vọng trong việc tìm cách đốn hạ cây. Vợ của ông Rữ kể, khi xưa, người Pháp có ý định đốn hạ cây thiêng.

Tuy nhiên, họ không thuê được ai trong vùng vì không ai dám mạo phạm cây trâm cổ thụ. Tức giận, lính Pháp trực tiếp sử dụng cưa để đốn hạ. Tuy nhiên, trong lúc cưa cây, các lưỡi cưa đều bất ngờ đứt, gẫy không rõ lý do.

1
Tuy nhiên, các cây con bao quanh thân chính giờ đây đã vươn cao, tỏa bóng mát một vùng.

Bất lực trước việc đốn hạ cây quý và vấp phải sự phản đối kịch liệt từ người dân địa phương, người Pháp đành từ bỏ ý định hủy hoại cây trâm cùng ngôi miếu nhỏ.

“Từ nhỏ tôi đã được nghe chuyện này. Chính cha tôi là người yêu cầu người Pháp không chặt hạ cây quý. Sau đó, họ mới rút quân đi”, ông Rữ cho biết.

Hiện nay, ngôi miếu Cây Trâm được người dân góp sức sửa sang, tôn tạo khang trang hơn. Hàng năm, vào ngày 18/2 Âm lịch gia đình ông Rữ vẫn tổ chức cúng lễ tại miếu. Hoạt động này thu hút rất nhiều người dân địa phương tham gia.

Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, khuôn viên ngôi miếu nhỏ bên dưới gốc trâm đại thụ bỗng trở thành địa điểm cầu cơ, xin số của những tín đồ đỏ đen. Nhiều người tin rằng, ngôi miếu rất thiêng và từng “phù hộ” cho nhiều trường hợp trúng số độc đắc.

1
Ông Rữ không biết cây trâm và ngôi miếu nhỏ có tự bao giờ. Từ lúc ông còn nhỏ đã thấy và được nghe những chuyện kể ly kỳ về cây cổ thụ này.

Ông Rữ khẳng định: “Đúng là có chuyện người dân mua vé số tại miếu Cây Trâm và trúng độc đắc. Lần ấy, một số người cùng mua và trúng 10 tờ vé số giải độc đắc. Tuy nhiên, sau khi trúng số, tôi cũng không còn nghe tung tích của họ”.

Câu chuyện này cũng được những người thường xuyên lui tới miếu Cây Trâm tránh nắng trao đổi, kể lại. Tin rằng miếu nhỏ thiêng liêng, nhiều tín đồ đỏ đen kéo đến đây để mua vé số, xin số đề… với hy vọng đổi đời.

“Bây giờ tình trạng này có giảm bớt vì dịch bệnh. Tuy nhiên, lâu lâu vẫn có người đến đây xin số đề. Họ thường đến vào ban đêm nên chúng tôi cũng không quản lý hết được”, ông Rữ nói.

1
Mỗi ngày, ngôi miếu nhỏ có nhiều người đến nhang khói, nghỉ chân dưới bóng mát cây trâm cổ. Trong số này có người bán vé số, chơi số đề.

Ông Lê Văn Dụ, Bí thư kiêm Trưởng ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa cho biết, cây trâm cổ thụ và ngôi miếu cùng tên nằm trên đất của một gia đình trong ấp.

“Không có chuyện cây trâm và ngôi miếu linh thiêng đến độ phù hộ cho người dân trúng vé số, số đề. Đây là những câu chuyện do một vài người tự thêu dệt để bán vé số, chơi số đề. Mỗi lần các đối tượng này tụ họp, chúng tôi đều tìm cách giải tán”, ông Dụ khẳng định.

Nguồn tin: vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây