Doanh nghiệp hoạn nạn: mở lòng với nhau, sẽ làm bớt hận thù

Thứ tư - 29/05/2013 04:06
Những ngày qua, hàng loạt cơ quan thông tin đại chúng đã đưa đậm chuyện nợ nần của CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) khiến người trong cuộc (nông dân bán cá bị thiếu nợ, các tổ chức tín dụng có liên quan, công nhân trực tiếp sản xuất…) lẫn xã hội bất an.

Thực chất chuyện nợ nần này tới đâu, cách xử lý của các cơ quan chức năng, chủ nợ… ra sao để không phát tác một làn sóng vỡ nợ, gây thiệt hại cho các bên? ĐTTC đăng tải bài viết gửi tới bản báo của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (Đại học Quốc gia TPHCM), để rộng đường dư luận.

Cần phải nói rằng tôi chưa một lần gặp bà Diệu Hiền mà chỉ được biết qua việc đọc nhiều bài viết nói về cá nhân bà tổng giám đốc, những hoạt động tỏa sáng của doanh nghiệp và nhất là những trang quảng cáo hoành tráng trên hầu hết báo chí ở TPHCM và Trung ương.

Những gì diễn ra xung quanh Bianfishco mà các báo đã đăng tải những ngày qua khiến chúng ta phải suy nghĩ. Tôi viết dưới đây là ý kiến không phải chỉ riêng tôi, mà trong đó có tham khảo những cán bộ hưu trí và những doanh nhân trẻ.

Như một quy luật, bất cứ một sự kiện nào cho dù dữ dội đến đâu, như chiến tranh Iraq, rồi cũng phải đến hồi kết thúc. Chắc chắn Bình An sẽ có hồi kết, nhưng cái kết ấy như thế nào lại tùy thuộc vào nhận thức, thái độ, cách hành xử và phương cách dẫn đến cái kết thúc đó. Nếu khéo xử lý không đến mức “mất cả chì lẫn chài”.

Những gì báo chí đăng tải đang gây bất lợi lớn trước là cho Bình An, sau là các bên liên quan: Ngân hàng không cho vay tiếp, chủ nợ gây áp lực kiện cáo, tụ tập căng biểu ngữ, các doanh nghiệp khác e ngại, cơ quan bảo hiểm xã hội đòi phát đơn kiện doanh nghiệp nợ tiền…

Và lạ hơn nữa là nhiều phóng viên, cơ quan báo thay vì tìm cách chỉ ra những cách thức gỡ rối lại chăm chăm khai thác đời tư, bới móc những bất lợi của doanh nghiệp, khoét sâu mâu thuẫn không đáng có làm chuyện đã rối lại càng rối hơn. Thông tin đầu tiên làm cho mọi người hiểu bà Diệu Hiền giả bệnh bỏ trốn (sự thực chưa sáng tỏ) và sau đó ông Trí cũng định cuốn gói nên đề nghị cấm xuất cảnh. Nhiều bài báo có những lời bình rất cay độc cho những tình huống không quá trầm trọng.

Đơn cử một tờ báo lớn mời một luật sư trả lời bạn đọc nên “xẻ thịt” Bình An như thế nào. Một tờ báo khác lại tố Bình An đang tẩu tán tài sản mà phóng viên ghi nhận là có tivi, tủ lạnh (thật hài hước bởi tivi, tủ lạnh so với đại gia quá tầm thường).

 Hãy bình tâm để xem xét nếu Bình An phá sản thì kết cục sẽ như thế

nào? Ngân hàng găm giữ nhà máy thế chấp sẽ không biết làm thế nào với đống tài sản này, bởi không dễ gì bán được ngay trong một vài tháng. Khi nhà máy không hoạt động chỉ sau vài tháng nó chỉ là đống sắt rỉ, nhất là đối với hệ thống máy đông lạnh.

Thực tế có những nhà máy đường bị ngân hàng siết nợ, sau 1 năm đã phải mang bán ve chai. Việc bán một doanh nghiệp được giá không chỉ đơn thuần có đất đai, xác nhà xưởng mà còn là thương hiệu, tài sản vô hình, các quan hệ bạn hàng.

Khi Bình An phá sản, các ngân hàng, cơ quan bảo hiểm sẽ không đòi được nợ, các chủ nợ sẽ trắng tay, bởi theo luật phá sản sau khi phát mãi tài sản, số tiền còn lại trả cho những người nợ ít trước, còn những người nợ nhiều chỉ được chia theo tỷ lệ… Và cuối cùng là đời sống của hàng ngàn công nhân kéo theo hệ lụy cho gia đình họ…

Mọi người mong Bình An sụp đổ? Chắc chắn là không, kể cả những chủ bán cá. Giả sử có ai đó muốn thì chắc là một vài đối thủ cạnh tranh. Bởi điều ấy không có lợi cho bất cứ ai liên quan đến chuyện này. Với thiện chí và chân thành các bên hãy ngồi lại với nhau, thật bình tĩnh, cởi mở tìm cách cùng nhau gỡ rối.

Điều cần ghi nhận ở đây là bằng những hoạt động của ông tổng giám đốc tạm quyền thay vợ những ngày qua cho thấy Bình An không trốn tránh trách nhiệm, có thiện chí và cam kết thanh toán nợ nần.

Tuy nhiên việc giải quyết món nợ ấy không thể chóng vánh mà cần có thời gian và sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía. Dù muộn màng nhưng việc ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết sẽ làm trung gian hòa giải cho các bên là một thiện chí đáng ghi nhận.

Theo tôi nếu chỉ thực hiện việc kê biên, định giá tài sản là quá vội vàng. Điều nên làm lúc này là chính quyền cùng với Bình An mời các chuyên gia kinh tế có tâm có tài, các nhà nghiên cứu đến xem thực trạng của Bình An để có phương án xử lý ra sao? Còn nếu trong trường hợp thực sự không cứu vãn được thì nên làm như thế nào, lộ trình ra sao.

Cách hành xử như hiện nay tôi thấy có vẻ giống như chuyện vỡ hụi ở trong hẻm tôi: Mới nghe bà chủ dây hụi “bùng” là các con hụi lao đến mạnh ai ôm được cái gì thì ôm cho dù là bộ bàn ghế, xe máy, cái cối đá… Ai cũng cố gắng tranh thủ gỡ gạc được gì hay nấy, người đến muộn thì đứng chửi, ném đá. 

Không phải vô lý khi một ngân hàng, một doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, đứng trước nguy cơ phá sản, Chính phủ Hoa Kỳ tìm cách cứu doanh nghiệp. Bởi họ hiểu việc cứu doanh nghiệp chính là cứu người làm công ăn lương.

Tất nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng cứu, họ chỉ cứu những doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, nhưng trên hết là các chủ doanh nghiệp phải có đạo đức và quyết tâm chiến đấu tồn tại. Chuyện như Bình An sẽ còn xuất hiện thêm nữa, bởi hậu quả của khủng hoảng kinh tế bắt đầu phát tác. Do vậy để không rơi vào thế bị động, Chính phủ cần xây dựng kịch bản xấu nhất, tiên liệu các tình huống có thể xảy ra và có những chính sách ứng phó kịp thời.

Tôi chắc hẳn khi chọn cái tên cho công ty của mình là Bình An, bà Diệu Hiền đã gửi gắm vào đó tâm nguyện của mình, cầu mong sự Bình An cho gia đình, công ty và mọi người làm công. Sự thể dù có như thế nào cũng nên đối xử với nhau nhân hậu hơn.

Người Việt có câu “sông có khúc, người có lúc”, biết đâu mỗi người mở lòng với nhau, sẽ làm bớt thù hận, giúp nhau qua cơn bĩ cực, vận may lại đến. Riêng tôi, vẫn tin vào linh cảm là Bình An sẽ qua được “khúc quanh” này.

Không thể có chuyện khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, đóng thuế đầy đủ, nộp ngân sách địa phương dồi dào, đóng góp cho các chương trình phát triển thì quan chức hồ hởi bắt tay, tặng huân chương, bằng khen, báo chí đến mời quảng cáo rầm rộ… Nhưng khi họ lâm vào khó khăn lại nói đó không phải là chuyện của mình. Chính quyền địa phương phải đóng vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi (vật chất, tinh thần, pháp lý) cho doanh nghiệp hoạt động và giúp tháo gỡ khi doanh nghiệp khó khăn. Còn nếu chỉ biết cấp giấy phép, thu thuế và đứng bền lề thổi còi thì không đúng với tinh thần của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây