Tình yêu khiến người đam mê rất lớn, nhiều khi nó mạnh hơn cả sự nghiệp kiếm tiền, sự nghiệp chính trị, và kể cả sự nghiệp tu hành. Nhiều doanh nhân vì tình ái mà đổ vỡ gia đình, kinh doanh sa sút. Nhiều chính trị gia vì tình ái mà điêu đứng, phải từ chức hay rút vào hậu trường. Nhiều tu sĩ vì tình ái mà bỏ tu, chạy theo tiếng gọi của sắc dục, rồi sau đó tiếp tục trầm luân. Thế gian cho rằng muốn thành công thì phải có đam mê nhưng ẩn tàng trong đam mê có khổ đau vì khi mong cầu không được thì khổ đau, cho nên đam mê tột cùng thì cũng có thể đau khổ tột cùng.
Tám pháp thế gian có bốn pháp khiến người đam mê và bốn pháp không được đam mê. Bốn pháp đam mê là đam mê lợi lạc (Lābho), đam mê danh (yaso), đam mê lời khen (Pasaṃsā), và đam mê lạc (sukha). Bốn pháp không được đam mê thì ngược lại, người có xu hướng không thích bị mất lợi lạc, bị mất danh vọng, bị chê bai hay rơi vào trạng thái đau khổ. Nhưng có gì bền chắc khi lợi lạc không kéo dài mãi vì phước sẽ tàn đức sẽ kiệt.
Danh vọng trên đỉnh núi cao thì cũng phải leo xuống núi nhường chỗ cho người khác, như cuộc thi American Idols, mỗi năm một thần tượng khác xuất hiện và thần tượng cũ phải nhường ngôi. Hoặc lời khen, trôi đi rất nhanh, mà để có lời khen, người phải bươn chãi rất nhiều, một năm, mười năm, hay vài chục năm để đánh đổi một lời khen. Và lạc cũng thế, nếu không duy trì được, không lạc sẽ biểu hiện và khổ đau xâm chiếm.
Đam mê tình yêu cũng vậy thôi, nhiều lúc người sẽ thấy không còn tình yêu nào nữa, không muốn đam mê gì nữa, vì tình yêu chỉ có bấy nhiêu, yêu, thương, giận, hờn, vương vấn, mệt mỏi. Khi đang chưa đam mê tình yêu thì đừng nghĩ là tình yêu sẽ không biểu hiện, khi gặp đúng đối tượng thì đam mê bùng nổ, nửa đêm xách dép chạy không kịp. Cô gái nói với mẹ, Cả đời con sẽ ở vậy với ba mẹ, không lấy chồng, con nhất quyết ở giá phụng dưỡng ba mẹ. Ba mẹ cười không nói gì vì quá hiểu cuộc đời rồi. Vài năm sau, nửa đêm ba mẹ đang ngủ, cô gái chạy vào mà nài nỉ, Ba mẹ phải cưới chồng gấp cho con thôi, nếu không chắc con chết mất. Vậy đó, không gì nói trước được, tình cảm con người thay đổi liên tù tì, làm sao đoán trước ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra. Hay một cậu học trò của tôi nói cho tôi nghe, Thầy à, bạn gái con mà bỏ con thì con theo thầy đi tu luôn. Để xem có đi tu nổi không.
Yêu thương nhiều cũng mỏi mệt chứ không phải chuyện giỡn. Tu nhiều cũng mệt mỏi như sợi dây căng quá thì sẽ đứt. Chẳng ai muốn yêu thương vừa đủ mà lúc nào cũng muốn yêu thương dữ dội. Dữ dội quá thì thuyền rách buồm, mạn thuyền lởm chởm và ngập nước cho đến khi nó lún sâu xuống đáy đại dương. Mệt mỏi trong yêu thương là do cái thân đã mỏi và cái tâm đã mệt. Sau này có ai nhắc đến yêu thương là người làm bộ mặt hình sự vì thân tâm đã thôi khao khát và sợ hãi yêu thương luôn.
Nếu mệt mỏi thì nghỉ ngơi, còn buông xuôi, mệt mỏi vẫn nằm đó và lớn dần theo năm tháng. Ai cũng vậy, đến lúc nào đó cũng phải dừng lại, nếu không mệt mỏi thì làm chuyện khác. Trên đời này có gì nữa đâu mà phải đam mê, tất cả cũng sẽ xóa nhòa, sẽ trở về con số không. Sinh ra hai bàn tay trắng, không của cải không yêu thương, ra đi cũng hai bàn tay trắng, không mang theo được của cải cũng không mang theo được yêu thương. Mọi thứ đều phải bỏ lại, dù cho sự nghiệp rỡ ràng cách mấy, dù cho danh vọng tột bực cách mấy, dù cho yêu thương đẹp đẽ cách mấy. Làm nhiều thứ thì mệt mỏi, không làm gì hết thì có mệt gì. Suy nghĩ nhiều cũng mệt. Anh công nhân làm việc đầu tắt mặt tối, cái thân mệt nhưng cái tâm chưa chắc mệt.
Tối về anh ngủ khì và sáng sớm lại tiếp tục công việc. Người có thể không làm việc nhiều nhưng suy nghĩ đủ thứ chuyện, cái tâm mệt, buổi tối mất ngủ, sáng rời khỏi giường, cái thân mệt theo. Đam mê làm cho người mệt mỏi nên không cần phải chứng minh là người đang đam mê dù là tình yêu hay dù là sự nghiệp. Nếu mệt mỏi quá sao người không dám từ chức hay không dám buông bỏ. Nếu không tài tình trong sự nghiệp thì từ chức, làm việc khác thích hợp hơn. Nếu không hạnh phúc trong tình yêu, sao không dám buông bỏ nó để tiếp xúc với thứ tình yêu khác có thể thấm đượm hạnh phúc hơn.
Cuộc sống này rất mong manh, đã lo cơm áo gạo tiền rồi lo chuyện yêu đương nữa, chắc chắn mệt mỏi không sao tránh khỏi. Một cô gái ngày xưa chỉ lo đi làm, về nhà nghỉ ngơi, thỉnh thoảng phụng dưỡng ba mẹ. Khi có chồng, cô phải lo đủ thứ chuyện, chuyện sự nghiệp, chuyện chồng, chuyện con, chuyện ba mẹ ruột, chuyện ba mẹ chồng. Nếu mọi việc êm xuôi thì không nói làm gì, nhưng nhiều thứ xảy ra không thuận theo lòng, nên mệt mỏi. Đi làm đã mệt mỏi và về nhà cũng mệt mỏi. Vậy trốn đâu bây giờ, vô chùa sao?
Đời sống thực sự có hạnh phúc khi buông bỏ những lo toan, những đam mê hay những mệt mỏi. Nhìn đời sống của một gia đình là biết gia đình đó có công đức hay có tu không. Gia đình có giữ giới là gia đình có công đức. Chính giới hạnh giúp gia đình có nhiều hạnh phúc, vợ chồng thương yêu nhau, con cái hiếu thuận và mọi thành viên đều sống tốt cho nhau. Sự hòa hợp trong gia đình chứng minh gia đình có công đức. Mọi cái chấp trong gia đình đều tháo gỡ, mọi thành viên vì ham muốn xây dựng hạnh phúc nên biết nhường nhịn, biết chấp nhận sự khác biệt và nhân diện ra những mầm mống có thể dẫn đến khổ đau để chuyển hóa ngay từ đầu. Gia đình sống đời tâm linh, ứng dụng hay thực tập tâm linh nhằm phát triển tuệ giác cho đến khi yêu thương nhưng không còn luyến ái nữa.
Gia đình tỉnh thức thì nếu đau khổ có đến, đau khổ này không lớn lắm. Với gia đình không tỉnh thức, đau khổ đến dù rất nhỏ nhưng có thể chịu không nổi. Gia đình huyết thống không chỉ đơn thuần xây dựng trên nền tảng của ruột thịt, mà gia đình có mặt do tổng hợp của các yếu tố nhân duyên nên gia đình huyết thống cũng là gia đình tâm linh. Ông bà, ba mẹ, vợ chồng, con cái cùng nhau tu tập thì hương vị hạnh phúc tràn ngập khắp nơi, sự bình an và niềm vui ngập tràn. Không phải vô chùa mới tiếp xúc với gia đình tâm linh, ngay tại nhà, người vẫn có thể biến gia đình huyết thống thành gia đình tâm linh. Đây là niềm tin và thực tập có tính chất chân đế, tu tập tại gia vẫn có thể giải thoát, tu tập trong yêu thương vẫn có thể giúp chấm dứt luyến ái. Bồ tát Quán Thế Âm có thể hiện thân trong nhiều hình tướng chúng sinh để giúp chúng sinh được độ thoát. Người cũng có thể hiện thân mà vì đó nói pháp vì người có tự tính Quán Thế Âm.
Khi cần đóng vai ông ngoại để thuyết pháp, người sẽ đóng vai ông ngoại. Khi cần đóng vai người mẹ, người sẽ đóng vai người mẹ. Khi cần đóng vai người chồng, hay đứa con, người sẽ đóng vai người chồng hay đứa con. Trên thế gian này, mẹ giúp con, con giúp ba, cháu giúp bà, ông giúp cháu trong việc tu tập rất nhiều. Gia đình huyết thống bỗng dưng trở thành gia đình tâm linh, ai cũng đóng vai bồ tát, ai cũng vì nhau mà hiện thân nói pháp. Một gia đình nọ, người ba không bao giờ lo tu nhưng người con lúc nào cũng lo niệm Phật và hành thiền, đến một lúc nào đó, người ba đủ thuận duyên nên được người con chia sẻ và khuyến tấn, bỗng nhiên một ngày ông tìm gặp người con và nhờ người con hướng dẫn thực tập.
Tu tập không chỉ có tính chuyển hóa mà còn có tính ảnh hưởng, cho nên người không chỉ tu cho người, mà còn tu cho ba mẹ, tu cho con cái, tu cho gia đình, tu cho xã hội. Có thể nói chưa độ thoát được ai, khi bản thân tu tập, người đã đang làm công việc độ thoát rồi. Ngày xưa người rất siêng năng trong tình yêu và thấm thía nhiều nỗi đau, và giờ người cũng siêng năng nhưng siêng năng trong sự tu tập. Hãy tin vào sức mạnh của sự tinh tấn. Tình yêu mà lười biếng thì tình yêu cũng giãy chết. Tu tập phải có đầu tư, đầu tư niệm giới, đầu tư niệm định, đầu tư niệm tuệ.
Không hành thiền, không học giáo lý, không pháp đàm thì sẽ không tiến bộ. Đã quyết chí con đường tu thì phải siêng năng, bằng không sẽ trở thành ông thầy tu lười biếng hay cư sĩ lười biếng. Lười biếng không chánh niệm, con ma dễ duôi xuất hiện, con ma giãi đãi xuất hiện và người trở thành con ma đó luôn, một con ma đội lốt tăng hay đột lốt cư sĩ. Cái này là do ham thích lười biếng và thiếu sự khuyến tấn, nhất là bản thân thiếu thúc đẩy.
Ái hay còn gọi là tham ái và do có phân biệt hay ham thích nên người có cả một danh sách dài đằng đẳng những điều người ham thích và những điều người ghét bỏ. Người có xu hướng chạy theo những điều ham thích để tìm kiếm, mày mò, khai thác và khám phá. Ái hầu như không có bên đỗ và nó bao bọc lấy người như con tằm xây cái kén tự bao bọc chính nó. Ghét bỏ cũng là một thứ ái, tức là ham thích điều không ưa để cố gắng chứng minh điều không ưa.
Đây cũng là một kiểu tham, tham những điều không được ưa thích nên tìm cách tránh né, phản ứng hay xua đuổi. Xây dựng một gia đình và do thương gia đình quá nên rời bỏ gia đình không nỡ, ở gần thì thương và đi xa thì nhớ, người này đi tu khó lắm. Rời gia đình là nhớ ba mẹ, nhớ vợ con ngay, và chắc chắn đêm nằm sẽ khóc thút thít, vài bữa lại chạy về nhà thăm. Ông thầy mà thương cái chùa quá thì xa chùa không được.
Hiểu theo nghĩa là thương chùa và xem đó như phương tiện để tu tập hay hoằng pháp thì cũng có ái đấy nhưng cái ái này tích cực, nhưng nếu thương theo kiểu không có cái chùa thì khổ quá, cái ái này nguy hiểm vì có tham lam trong đó, và dĩ nhiên dễ bị đau khổ nếu ai cướp đi hay lấy đi cái chùa của mình. Tình yêu thì khỏi nói, ái đầy trong đó, ham thích một đối tượng nên tìm kiếm và khám phá đối tượng được ham thích. Đã nói ham thích một đối tượng thì sẽ có những đối tượng không được ham thích nên tâm ái có tính so đo, phân bì và cầu thị rất nhiều.
Ái có tính chất si nữa, tức là không nhìn thấy rõ sự thật về ái, nên cứ cho đối tượng ham thích là đáng tầm cầu và bắt đầu dính mắc vào ham thích, cho đến khi nội kết to ra, khổ đau bắt đầu lớn dần theo nội kết đó. Ái cảnh thì khó mà biệt ly cảnh nên bị cảnh cuốn hút. Thích nhìn người đẹp thì bị người đẹp cuốn hút. Thích nhìn cảnh đẹp thì cảnh đẹp cuốn hút. Cảnh ở đây không đơn thuần là sắc mà thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng có thể là cảnh luôn. Ái không chỉ ái sắc, mà còn ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc hay ái pháp. Sáu cái ái có sự tương tức và có thể xảy ra cùng một lúc. Ái có sức thúc giục ghê gớm, nó đẩy người đến hành động.
Nếu thân tâm đã bị cảnh làm cho choáng ngợp thì cảnh bắt đầu chi phối và quyết định được đưa ra do cảnh đó. Người bắt đầu cho cảnh đó là thiệt, cái đang biểu hiện ra đó tưởng là thiệt, tưởng sắc kia là thiệt, tưởng thanh kia là thiệt, tưởng hương kia là thiệt… Và người bắt đầu chấp vào cái tự cho là thiệt kia, chấp vào sắc, chấp vào thành, chấp vào hương… Đây gọi là ái duyên thủ. Do ham thích mà chấp vào cái ham thích, thậm chí có người bênh vực hay nói đỡ cho điều được ham thích. Ai mà đụng chạm đến điều được ham thích thì cơn sân có thể nổi lên rất nhanh. Một cô gái thích thần tượng âm nhạc và cô ăn mặc giống như thần tượng, nói năng như thần tượng và dĩ nhiên chỉ nghe những bài nhạc mà thần tượng này hát. Và cô bắt đầu chê các ca sĩ khác và bảo vệ, khen ngợi thần tượng của cô, ai mà nói động đến thần tượng của cô là cô bất bình.
Thần tượng mà có scandals là cô nói đỡ, bênh vực thần tượng. Chấp thủ vì thế có tính chất mù quáng, không phân biệt được đúng sai, hợp lí hay không hợp lí, chánh hay tà, mộng hay thực, hạnh phúc hay khổ đau. Người đời cứ lầm tưởng hạnh phúc lứa đôi là hạnh phúc đích thực nên cứ tầm cầu nó, đến khi dính vào, khổ đau nhiều quá mới thấy nó như huyễn, rồi đánh mất cả niềm tin vào tình yêu.
Có người sợ đàn ông hay phụ nữ, nói đến đàn ông hay phụ nữ là sợ, như sợ cọp hay sợ ma vậy. Do sợ hãi nên quơ đũa cả nắm, cho rằng đàn ông thì cứ lăng nhăng, đàn ông thủy chung trên đời đã tuyệt chủng hết, còn phụ nữ thì cứ ghen tuông, phụ nữ hiền lành trên đời đã tuyệt chủng hết. Cái này gọi là giận lây. Một cô vợ giận chồng nên giận luôn em trai hay giận ba mình, vì em trai và ba cô cũng là đàn ông, mà theo cô, tất cả đàn ông đều cá mè một lứa. Thương thì thương lây và giận cũng giận lây. Việt Nam có câu rất hay, Thương nhau thương cả đường đi – Ghét ai ghét cả tông ty họ hàng. Thương ghét như căn bệnh, lây lan nhanh chóng.
Trong bài Kệ Tỉnh Thức có câu, Thương ghét luôn gần kề – Vật nay dời mai đổi – Tà kiến chấp của ta – Giây phút rồi cũng qua. Do có tà kiến nên chấp, không thấy lằn ranh giới mong manh của thương ghét, sự thay đổi của thế gian và sự trôi đi nhanh chóng của tình cảm. Tình cảm như nắng mưa, nắng sớm mưa chiều rồi mưa sớm nắng chiều, không gì y nguyên như cũ. Tình yêu bị rêu phong, mốc meo mộc lên và các loài vi trùng tấn công.
Tỉnh thức để thấy tình yêu rồi cũng như lá mùa thu, rơi rụng lả chả khi gió nhẹ thoảng qua. Chàng trai ngán ngẩm với những chuyện tình thế gian nên anh thu xếp lại khối tình của mình, ngồi xuống và thực tập bình an. Anh thích tụng kinh mỗi khi buồn bã. Tụng kinh như tưới nước vậy, làm dịu cơn buồn và chuyển hóa chúng. Ban đầu lời kinh có thể khó hiểu nhưng mưa dầm thấm lâu, sự tỉnh ngộ diễn ra trong tích tắc.
Tụng kinh không là trốn chạy mà đang trồng cái cây, tưới cho thân tâm bấy lâu thiếu thốn bình an trở nên bình an hơn. Tụng kinh đích thực là làm một bài thiền tụng kinh, chỉ chú tâm vào việc tụng kinh, tâm duyên vào từng câu chữ, không để nó bay nhảy trong tình yêu xa xôi nào nữa. Tụng cho đến khi trong tâm có Phật. Tịnh độ là duy tâm và Di Đà là tự tính. Cõi lòng đã xây tịnh độ thì không tìm kiếm tịnh độ nơi nào khác.
Tình yêu thế gian làm sao có tịnh độ bằng tình yêu của xuất thế gian, của không còn ái, không còn chấp thủ. Khi anh tự tiếp dẫn mình đến cõi tịnh độ của riêng mình, thì ai có thể thay anh tiếp dẫn được nữa. Nếu anh quyết chí tự mình tiếp dẫn thì dù cho Phật Di Đà có hiện ra, Phật cũng không thể bắt anh đi theo Phật được. Tự tính của anh là bình an, là lòng trong sạch, mà muốn vậy thì anh dừng lại đam mê vào sáu cảnh của ái và khi những chấp ngã không còn, tự nhiên lòng anh như tịnh độ thôi. Anh tiếp xúc và sống trong tịnh độ ngay trong giờ phút hiện tại, giờ phút anh không còn vướng bận tình yêu nào nữa, thay vào đó là tình yêu bao trùm pháp giới, không có giới hạn.
Ta bước đi dạo quanh con đường vắng
Dàn thiên lý nắng hắt qua bờ vai
Đưa bàn tay ôm lấy một hình hài
Trong phút chốc bỗng trở về cát bụi.
Đời sống này có chi mà tiếc nuối
Mới gặp nhau nay đã vội chia lìa
Nắng vừa lên trời đã vội cơn mưa
Để lòng ta lưa thưa trong nỗi nhớ.
Gió đang thổi đi qua miền nhiệt đới
Trăng đang bay vụt qua những tầng trời
Ta ngồi đây nở nụ cười thảnh thơi
Vì lòng ta lúc này đã yên ắng.