Theo lời Sư cô TN.Huệ Đức, trước đây khu vực xung quanh chùa còn hoang vu, người dân lam lũ cực khổ, không có điều kiện chăm lo con cái ăn học... Trước tình hình đó, năm 1983 chùa Diệu Pháp bèn mở các lớp học tình thương ngay trong chùa để dạy chữ cho hơn 100 trẻ em trong vùng và chính là Sư cô đứng ra dạy dỗ các em.
Có em mồ côi không cha, không mẹ nhưng cũng có những gia đình vì quá khó khăn nên gửi con vào chùa mong sao ở nơi ấy những đứa con mình sẽ học được cái chữ, học những lẽ sống đạo đức có ích cho đời. Cứ thế, gần 30 năm qua, dưới sự chăm sóc và dạy dỗ của chùa Diệu Pháp, đã có 48 em trưởng thành. Trong đó, nhiều em đã học đến bậc đại học và có 21 em đã lập gia thất.
Hiện nay, chùa Diệu Pháp đang tiếp tục nuôi dưỡng 102 em từ 1 tháng tuổi đến những em đang là học sinh, sinh viên các trường phổ thông, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Trong số các em đã trưởng thành có Nguyễn Văn Thương là một trường hợp khá đặc biệt. Năm 1990, khi Thương 11 tuổi, cha mẹ ly dị, cha đi lấy vợ, mẹ đi lấy chồng. Buồn tủi cho hoàn cảnh của mình, Thương bỏ quê từ Bắc vào Nam để lang thang kiếm sống. Thấy được hoàn cảnh của Thương như vậy, Sư cô Huệ Đức đã đưa Thương về chùa nuôi dưỡng và cho đi học. Đến nay, Thương đã tốt nghiệp cử nhân ngành ngân hàng và đang làm việc tại một ngân hàng ở TP.Hồ Chí Minh. Thương cũng đã lập gia đình, vợ của Thương là giảng viên Học viện Ngân hàng.
Không chỉ nuôi dạy trẻ mồ côi, tàn tật, chùa Diệu Pháp còn đang nuôi dưỡng 20 cụ già không nơi nương tựa. Trong đó, có những hoàn cảnh rất thương tâm, như trường hợp của bà N.T - vợ của một luật sư ở TP.Hồ Chí Minh. Sau khi bà T bị tai biến, đi lại khó khăn, bà không những không được gia đình chăm sóc mà người chồng còn bỏ đi lấy vợ khác. Hàng xóm thấy hoàn cảnh của bà T như vậy nên đã đưa bà đến chùa Diệu Pháp. Sống ở chùa được 6 năm thì bà T qua đời.
Hiện tại còn một số cụ già bị bại liệt, các Sư cô chùa Diệu Pháp đang hàng ngày phải chăm sóc từ vệ sinh cá nhân đến tắm rửa, cho ăn uống, rồi thức trắng cả đêm mỗi khi có cụ bị bệnh... Ngoài ra, chùa Diệu Pháp còn có nhà “mầm sống”, cưu mang những phụ nữ lầm lỡ mang thai ngoài ý muốn. Qua đó, từ năm 2000 đến nay đã có 19 trường hợp được nhà chùa giúp đỡ sinh nở an toàn.
Để có tiền nuôi dưỡng các đối tượng tại chùa, ngoài việc vận động sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chùa Diệu Pháp phải đi thuê nương rẫy để tăng gia sản xuất. “Dù việc chăm sóc, nuôi dạy các đối tượng tại chùa gặp rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng theo lời Phật dạy, cứu vớt chúng sanh là báo Phật thâm ân, làm người xuất gia phải tự lợi và lợi tha nên chúng tôi luôn cố gắng làm tròn bổn phận của một người vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là người thầy và người thân của các đối tượng”- Sư cô Huệ Đức chia sẻ.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự