Theo Đông y, quả quất có mùi thơm dễ chịu, vị chua ngọt, tính ấm. Lá quất có vị cay đắng, tính lạnh. Hạt và rễ cây lại có vị chua cay, tính ấm.
Những bài thuốc từ quả quất
1. Bài thuốc chữa ho, viêm họng, khản tiếng
- Nguyên liệu: 500g quất, 330g đường phèn, một chút muối và 1 hũ thủy tinh sạch.
- Rửa sạch quất, ngâm trong nước muối loãng rồi vớt ra để ráo, sau đó cắt làm đôi và bỏ hạt.
- Cho quất và toàn bộ đường phèn vào nồi nhỏ, bắc lên bếp đun với lửa liu riu chừng 45 phút cho đường tan hết và sôi là được.
- Đợi hỗn hợp nguội rồi đổ vào hũ thủy tinh đậy kín, trữ trong tủ lạnh hoặc nơi thoáng mát.
Cách dùng: Khi bị ho, viêm họng, khản tiếng có thể lấy vài miếng quất ra ngậm. Nước cốt có thể ngậm từng thìa nhỏ trong ngày hoặc pha thành nước giải khát để uống đều rất ngon. Quất ngâm càng lâu thì có tác dụng càng tốt.
Ngoài ra, có một cách làm thuốc trị ho khác cũng từ quất như sau:
- Chuẩn bị 500g quất, 200ml mật ong, một chút muối và hũ thủy tinh sạch.
- Quất rửa thật sạch rồi đem ngâm trong nước muối loãng, sau đó vớt ra để ráo.
- Cắt quả quất làm đôi, bỏ hạt rồi xếp vào hũ. Một lớp quất lại được phủ một lớp mật ong, làm sao để cuối cùng thì quất ngập trong mật ong là được. Có thể dùng bát sứ hoặc vật nặng đè xuống để quất luôn ngập trong mật ong.
- Đem cất ở nơi khô ráo thoáng mát khoảng 1 tuần là có thể dùng được.
- Có thể ngâm quất và quất hồng bì chung với nhau với cách làm tương tự như trên để tăng hiệu quả chữa ho. Tuy nhiên quất hồng bì cần ngâm khoảng 3 tháng, tốt nhất là 1 năm thì mới đủ độ chín để mang lại hiệu quả tốt nhất.
2. Bài thuốc chữa đau dạ dày, nấc, ợ hơi, chán ăn, thượng vị đầy tức
- Rửa sạch, sau đố bổ đôi hoặc thái lát 500g quất tươi.
- Trộn quất với đường kính trắng rồi cho vào lọ sạch, ủ kín trong 2 tuần. Lưu ý phủ đường kín các lớp quất để quất không bị hỏng mốc.
- Mỗi ngày dùng khoảng 25g nước quất đã ủ pha với nước, chia làm nhiều lần uống trong ngày.
3. Chữa chán ăn, đầy bụng khó tiêu
- Rửa sạch, để ráo 100g quả quất tươi.
- Ngâm quất trong 500ml rượu trắng (rượu phải có độ cồn thấp), đậy kín và để nơi khô ráo thoáng mát khoảng 2 tuần.
- Trước mỗi bữa ăn dùng khoảng 15-20ml rượu quất. Dùng liên tục trong nhiều ngày tới khi có hiệu quả.
4. Chữa cảm mạo
- Lấy 30g lá quất rửa sạch, đem sắc nhỏ lửa với 3 bát nước cho tới khi cạn còn 1 bát.
- Hòa nước thuốc với 1 chút đường vừa đủ, uống lúc còn nóng.
5. Chữa nôn ra máu
- Lấy 20g hạt quất, bóc bỏ vỏ, chỉ lấy nhân.
- Sao vàng nhân hạt quất, giã nhỏ rồi sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần/ngày.
6. Chữa nôn do bệnh lý dạ dày
- Chuẩn bị 15g mỗi loại rễ quất, hoắc hương, thích lê tử, rễ đông quỳ.
- Đêm sắc kĩ lấy nước thuốc, uống trong ngày.
7. An thần giảm ho
- Nấu chè từ các nguyên liệu sau: 2 quả quất (bỏ vỏ, bỏ hạt, tách múi), một ít bột ngó sen, một ít hoa quế, 100 gam đường.
Ngoài ra, vỏ quất có chứa nhiều tinh dầu giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư gan, ung thưc thực quản, đại tràng… Ăn quất cả vỏ sẽ có lợi cho tiêu hóa, hạ cholesterol xấu, làm thành mạch vững chắc hơn và hỗ trợ điều trị tăng huyết áp rất tốt. Bởi vậy khi ngâm, ăn quất, chúng ta nên lưu ý sử dụng cả vỏ để không làm lãng phí dưỡng chất.
Tuy nhiên, vì lo sợ thuốc trừ sâu, thuốc kích thích nên nhiều người thường e ngại việc dùng vỏ quất. Để an toàn hơn, chúng ta nên chọn quất sạch, quất nhà tự trồng, hoặc đợi tới sau rằm tháng Giêng, khi cây quất cảnh đã tự đào thải hết các chất kích thích rồi thì mới nên lấy quả để dùng.