Dấu hiệu cơ thể tăng men gan

Thứ ba - 05/11/2019 14:32
Người bệnh có biểu hiện chán ăn, sốt, đau hạ sườn phải, buồn nôn, vàng da, đau bụng, nước tiểu sẫm màu, bụng trương phình.
Dấu hiệu cơ thể tăng men gan

Bác sĩ Nguyễn Lê Việt Hùng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3, cho biết tăng men gan là biểu thị tình trạng tế bào gan đang bị hủy và tổn thương. Đây là tình trạng khá phổ biển và hậu quả của nhiều nguyên nhân như virus, hóa chất, rượu... dẫn đến hoại tử tế bào gan.

Bình thường khi tế bào gan chết đi do quá trình lão hóa, một lượng men gan sẽ phóng thích vào máu ở nồng độ dưới 35 UI/L. Khi tình trạng viêm gan xảy ra dẫn đến sự phá hủy tế bào gan nhiều hơn làm cho nồng độ men gan trong máu tăng cao. Nếu men gan tăng từ một đến hai lần là mức độ nhẹ, 2 đến 5 lần là mức độ trung bình, tăng trên 5 lần là mức độ nặng.

Người bệnh có các dấu hiệu như sốt nhẹ, chán ăn, đau hạ sườn phải, buồn nôn, vàng da, đau bụng, lách to, báng bụng, sốt nhẹ, nước tiểu sẫm màu. Tăng men gan không có bệnh danh tương ứng trong y học cổ truyền, đa số trường hợp thường không có triệu chứng. 

Cách đơn giản nhất để phát hiện tăng men gan là xét nghiệm máu (AST, ALT, GGT), tìm virus viêm gan siêu vi B, C... phối hợp các chi tiết về bệnh sử, tiền căn virus, dùng thuốc, uống rượu, bia, biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng. Ngoài ra, chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan, MRI giúp phát hiện gan nhiễm mỡ, loại trừ các nguyên nhân khác gây bệnh gan mạn tính, đánh giá độ nặng của bệnh gan cùng một số biến chứng. Phương pháp sinh thiết gan giúp phân định giai đoạn bệnh gan, góp phần đánh giá tiên lượng.

"Trong điều trị, chủ yếu là điều trị nguyên nhân, nhưng nếu ta không ổn định được men gan sẽ góp phần dẫn đến nhiều hậu quả xấu như viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan", bác sĩ Hùng nói.

Việc sử dụng thuốc tây quá nhiều khiến cơ thể gặp những tác dụng không mong muốn trong đó có biến chứng làm tăng men gan. Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc và vị thuốc đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ tế bào gan, giúp gan tăng khả năng loại độc tố như rau má, nhân trần, chi tử, diệp hạ châu, thổ phục linh, atiso, cà gai leo, bạch hoa xà thiệt thảo, cao chiết huỳnh kỳ - diệp hạ châu, cao chiết dừa cạn - cam thảo, bột sấy phun từ đài hoa bụp giấm...

Bác sĩ Hùng khuyên mọi người khi sử dụng các sản phẩm liên quan đến sức khỏe cần lưu ý đến vấn đề chuyển hóa tại gan. Trước khi dùng thuốc, người dân cần được sự tư vấn kỹ từ bác sĩ, tránh gây ra các biến chứng. Khi có dấu hiệu của bệnh nên đến khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán đúng, tìm ra nguyên nhân và điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Nguồn tin: Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây