Tháng lễ hội ở Lạng Sơn: Cơ hội để kích cầu du lịch

Thứ năm - 12/02/2009 08:44
LSO-Khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch đã đến với Lạng Sơn trong hơn 1 tháng đầu năm 2009, và ước hết tháng 2 con số đó sẽ tăng lên hơn 500 nghìn lượt - đạt gần 1/3 chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Số lượt khách tăng cao chính là nhờ vào sự hút khách từ các lễ hội, và đây cũng chính là “điểm nhấn” quan trọng để ngành du lịch Lạng Sơn tính đến việc kích cầu du lịch. “

Tháng giêng là tháng ăn chơi” – xưa nay nhiều người vẫn quan niệm như vậy, với lẽ đó, ngành du lịch ở tất cả các địa phương đều đầu tư mọi tâm lực để thu hút khách. Du lịch Lạng Sơn cũng không đứng ngoài cuộc, với đặc thù của một tỉnh có nhiều lễ hội đặc sắc, và hầu như các lễ hội lớn đều tập trung vào tháng Giêng. Bà Bế Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở VH-TT&DL Lạng Sơn cho biết: “Với đặc thù của địa phương, du lịch Lạng Sơn thường đông khách vào mùa hè. Tuy nhiên, ngành cũng luôn xác định lễ hội đầu Xuân là cơ hội để thu hút khách trong và ngoài nước. Chính vì thế, Sở luôn phối hợp với địa phương nhằm chuẩn bị tốt nhất về cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong các lễ hội…”.

Tìm hiểu thực tế, đến thời điểm này lượng khách đến du lịch, tham quan các lễ hội tại Lạng Sơn khá đông. Một số khách sạn có chất lượng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hầu như đã kín phòng, hoặc đã được khách đặt trước. Bà Bế Thị Thu Hiền cho biết thêm: “mùa lễ hội năm nay, nhiều cơ sở lưu trú đã mở cửa ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới để đáp ứng nhu cầu của du khách đi lễ hội. Tuy nhiên, do đặc điểm lễ hội truyền thống của một số nơi chỉ diễn ra trong một ngày nên hầu hết khách du lịch đều đi về ngay trong ngày…”.

Đúng như bà Hiền nói, vấn đề từ lâu của du lịch Lạng Sơn chính là chúng ta chưa có “điểm nhấn” để níu kéo du khách ở lại qua đêm. Những khu vui chơi, giải trí vẫn chưa thu hút được khách. Theo lộ trình, Lạng Sơn đã phê duyệt và triển khai 11 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật với tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng nhưng tiến độ thực hiện các dự án này vẫn chậm. Tại địa bàn thành phố, mặc dù có khu du lịch Thành nhà Mạc, công viên Hồ Phai Loạn, hệ thống hang động Nhị Thanh, Tam Thanh… nhưng từng đó là chưa đủ để tạo lên một “điểm nhấn” rõ nét.

Ông Hoàng Văn Páo – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, song hành cùng với những điểm du lịch văn hóa, các lễ hội được tổ chức rầm rộ chính là cơ hội tốt để chúng ta “kích cầu” cho du lịch Lạng Sơn. Điều này càng đúng khi hàng năm tỉnh Lạng Sơn đã dành một khoản ngân sách nhất định để hỗ trợ xúc tiến du lịch, tổ chức các lễ hội. Tuy các lễ hội chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng qua đó, hình ảnh về đất và người Xứ Lạng sẽ được quảng bá rộng hơn. Đây chính là tiền đề để thu hút du khách đi du lịch Lạng Sơn nhiều hơn vào dịp cuối năm, đặc biệt là thu hút khách đến với Tuần lễ du lịch về nguồn vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ do Lạng Sơn đăng cai tổ chức.

Tuy nhiên, đây là cơ hội nhưng nếu làm không tốt chúng ta cũng có thể đánh mất cơ hội. Tháng Giêng, thói quen của nhiều người thường lên Lạng Sơn đi lễ chùa đầu năm lấy may. Nắm lấy cơ hội này, chúng ta cần linh động hơn để tạo ra các hoạt động du xuân, tham quan phong cảnh…, từ đó mới tạo được ấn tượng về một Lạng Sơn tươi đẹp trong mắt du khách. Thời gian này, một số doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh dịch vụ du lịch đã có chương trình giảm giá để thu hút khách nhưng điều đó là chưa đủ. Chúng ra cần phải làm tốt hơn nữa các dịch vụ khác, như phương tiện di chuyển, nhà nghỉ chất lượng, các món ăn đặc sắc, và trên hết phải đảm bảo an ninh cho du khách.

Theo Sở VH-TT&DL Lạng Sơn, chỉ ngay trong tháng 1/2009, tổng khách lên Lạng Sơn đạt 210.000 lượt, đặc biệt lượng khách quốc tế đạt 17.000 lượt, doanh thu xã hội ước đạt 60 tỷ đồng. Thời điểm hiện nay, các lễ hội ở Lạng Sơn mới ở giai đoạn khởi động, vẫn còn đó rất nhiều lễ hội lớn phía trước, chính vì thế, Sở VH-TT&DL đã ước tính lượng khách đến Lạng Sơn trong tháng 2 này sẽ đạt hơn 300 nghìn lượt. Con số này cũng khá bất ngờ, vì trong cuộc khủng hoảng chung của kinh tế toàn cầu, nhiều người đã cắt giảm tối đa mức chi tiêu. Với sự phong phú trong các lễ hội trên địa bàn Lạng Sơn khiến chúng ta tin vào một năm khởi sắc nữa của du lịch Lạng Sơn.

 

Vài nét về Chùa Tiên

 

Cái tên Song Tiên – Chùa Tiên bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian. Chuyện rằng: Vào một năm nọ bị đại hạn hán. Khắp nơi sông suối khô cạn, cây cối hoa màu héo úa, tàn lụi… Một hôm, có đám trẻ chăn trâu đang chơi đùa ở khu vực này thì có một cụ già đến xin ăn. Đám trẻ chăn trâu thấy vậy thương lắm. Chúng liền nhường phần cơm mang theo của mình cho cụ già và nói: chúng cháu chỉ có cơm cho cụ ăn thôi còn nước thì không thể lấy ở đâu được để cho cụ uống… Cảm động trước tấm lòng của những đứa trẻ chăn trâu, sau khi ăn cơm xong cụ già hiền hậu liền giậm mạnh chân xuống phiến đá chỗ cụ ngồi.

Từ chỗ đó phun lên một dòng nước ngọt, mát lành. Đám trẻ chăn trâu vui sướng, hò reo, tranh nhau uống và tắm mát. Trong lúc đó, cụ già biến đi đâu không rõ.Với nguồn nước này, nhân dân trong vùng đã thoát khỏi đại hạn hán năm đó.

Chỗ cụ già giẫm chân xuống vẫn còn giống hình một bàn chân người. Dân gian gọi là Giếng Tiên. Rồi sau đó, nhân dân lại phát hiện ra trong hang núi gần đó có hai khối đá có hình dáng kỳ lạ nên cho rằng đó chính là các vị tiên ông, tiên bà, sau khi giúp nhân dân thoát khỏi khó khăn hạn hán đã biến đi rồi hoá đá tại đây. Tên Động Song Tiên có từ đó. Để tưởng nhớ công ơn các vị tiên, nhân dân đã lập ra chùa Tiên trong Động Song Tiên. Cũng chính nơi đây, vào những năm đất nước còn chiến tranh đã là nơi che trở cho nhân dân Lạng Sơn được an toàn trước sự tàn phá ác liệt của bom đạn quân thù.

Trải qua năm tháng, Động Song Tiên – Chùa Tiên - Giếng Tiên vẫn luôn dược quan tâm bảo tồn, tôn tạo cẩn thận, sạch đẹp. Chùa Tiên chính là biểu hiện của sự dung hoà giữa các tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam; xu hướng “Tam giáo đồng nguyên”. Trong chùa, thứ tự thờ cúng được bài trí theo kiểu “Tiền Phật - Hậu Thánh”, gồm cung Tam Bảo thờ Phật phía ngoài và cung thờ Mẫu, Đức Thánh Trần phía trong. Ngoài ra, trong chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý, ẩn tàng những giá trị văn hoá sâu sắc như: Chuông, Hoành phi, Câu đối…

Hàng năm, vào ngày 18 tháng Giêng, nhân dân địa phường lại vui mừng tổ chức lễ hội Chùa Tiên để tạ ơn các vị tiên đã giúp nhân dân trong những ngày gian khó và khấn Thần, Phật, cầu tài, cầu lộc cho một năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống an bình, hạnh phúc. Với những giá trị lịch sử - văn hoá và ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc đó nên năm 1992, Bộ Văn hoá Thông tin đã xếp hạng di tích Quốc gia.

Nguồn tin: theo baolangson

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây