Lễ hội Xuống đồng làng Khòn Lèng là một lễ hội dân gian truyền thống của người dân địa phương, được tổ chức ngay sau ngày khai mạc lễ hội chùa Tam Thanh (ngày 15 tháng Giêng), tại địa điểm dưới chân núi Thành Nhà Mạc, tượng đá Nàng Tô Thị - một biểu tượng đẹp đẽ về lòng chung thủy, sắt son của người phụ nữ Việt Nam như một lần nữa giới thiệu, quảng bá với bạn bè, du kkách gần xa về một quần thể di tích danh lam, thắng cảnh đẹp, cũng như những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cho sắc thái văn hóa của đất và người Xứ Lạng. Cảnh sắc thiên nhiên và nhịp sống, lao động sản xuất bình dị của bà con nhân dân đan quện vào nhau tạo nên bức tranh hết sức sinh động, đầy màu sắc không chỉ trong ngày hội, ngày xuân mà còn có thể bắt gặp ở ngay trong đời sống thường ngày.
Phải nói thêm rằng, khu di tích danh thắng Nhị, Tam Thanh – Núi Tô Thị - Thành Nhà Mạc của Lạng Sơn đã từ lâu được du khách biết đến như là một địa chỉ hấp dẫn trong hành trình du lịch tìm hiểu về quê hương, đất nước, con người Xứ Lạng. Nơi đây đã từng được Quan đốc trấn Ngô Thì Sĩ (thế kỷ XVIII) xếp vào hạng đệ nhất “Bát cảnh Xứ Lạng”. Đặc biệt hơn, dịp cuối năm 2008 vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã tổ chức lễ công bố Quyết định số 1427/QĐ – UBND, ngày 28/7/2008 của UBND tỉnh Lạng Sơn về phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích danh thắng trên.
Cho nên, việc bà con nhân dân làng Khòn Lèng tổ chức lễ hội Xuống đồng vào ngày 16 tháng Giêng, tại địa điểm trên không chỉ có ý nghĩa đối với riêng làng Khòn Lèng, mà còn là một hoạt động thiết thực góp phần vào nâng cao ý thức đối với các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân, du khách thập phương trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của quần thể di tích và khu vực bao quanh; tiếp tục khơi dậy tiềm năng văn hóa dân gian bản địa, kêu gọi, thu hút sự quan tâm đầu tư từ nhiều phía, tiến tới xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa cộng đồng, một điểm nhấn tiêu biểu của du lịch văn hóa – lịch sử Xứ Lạng.
Khai hội năm nay được tổ chức với nghi lễ cầu mùa trang trọng và ý nghĩa. Các đội sư tử múa mừng thật đặc sắc. Theo dân gian, sự xuất hiện của sư tử là báo hiệu điềm lành, may mắn của năm mới… Tất cả như muốn nói lên niềm tin tưởng, sự thành kính và ước vọng của mỗi người dân vào trời đất, vị Thần Nông thiêng liêng và cao cả. Cả một bức tranh lớn với những hoạt cảnh sống, sinh hoạt rất đời thường, chân chất mang đậm nét văn hoá đặc trưng của đồng bào các dân tộc Xứ Lạng trong những sắc áo chàm bình dị, sau những ngày mùa vất vả, cùng hẹn gặp nhau tại mỗi phiên chợ, lễ hội để giao lưu, trò chuyện tâm tình, giao duyên, hẹn ước…
Qua đó, ai cũng thấy vui vẻ, hồ hởi và động viên nhau bước vào một năm mới nhiều hứa hẹn trong lao động, sản xuất, đời sống. Những điệu then, sli, lượn mượt mà, đằm thắm chứa chan tình yêu quê hương, xứ xở, tình yêu đôi lứa đẹp tựa những nhành cây, nụ hoa, lộc biếc đang đâm chồi, khoe sắc báo hiệu mùa xuân mới Kỷ Sửu đang tràn về, vẫy gọi... trên khắp nẻo quê hương Xứ Lạng ân tình.
Đến với lễ hội, chúng ta sẽ không thể nào quên được một phần thi rất mộc mạc nhưng vô cùng ý nghĩa. Đó là thi những mâm cỗ cúng Thần Nông đẹp nhất của các khối phố, dòng họ, những người thành tâm. Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất, Thần Nông đều mang một ý nghĩa thể hiện được sự giao hoà của trời đất, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó, chắt chiu làm lụng, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần luôn phù hộ, che chở cho nhân dân được thuận lợi và bội thu trong sản xuất, an khang trong đời sống.
Bên cạnh phần lễ, phần hội của lễ hội Xuống đồng đã thực sự tạo nên sự rộn ràng, náo nức, đông vui. Đó là các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi, trò diễn, thể hiện được đậm chất dân gian truyền thống nhưng vẫn toát lên sự khỏe khoắn, hiện đại. Quả là một sự kết hợp hài hòa. Đặc biệt, ở phần hát múa vui hội xuân năm nay đã có sức lan tỏa rộng lớn, khiến cho các vị đại biểu và du khách không thể chỉ là chiêm ngưỡng, thưởng lãm mà đã cùng bước ra, hòa vào bức tranh sống động đó. Các trò chơi thể thao dân dã cũng thu hút không kém như: đánh yến, đẩy gậy, đi cà kheo, nhảy bao, bịt mắt đánh trống, kéo co...
Chia tay lễ hội Xuống đồng làng Khòn Lèng, nhưng phong vị dân gian truyền thống, sự bình dị mà tinh tế, vui nhộn của lễ hội khiến cho niềm phấn khởi, niềm tự hào về quê hương của mỗi người như được nhân lên. Đây cũng chính là dịp để không chỉ du khách mà ngay cả những người dân địa phương càng thêm hiểu, thêm yêu đất và người trên vùng đất biên cương Xứ Lạng giàu bản sắc và tiềm năng.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự