Việc sửa sang động Nhị Thanh được tiến hành vào năm 1779, sau đó Ngô Thì Sĩ lập ra chùa Tam Giáo nằm ở thế đất cao bên phải cửa động. Chùa thờ 3 vị Thánh của 3 đạo là Khổng Tử (Đạo Nho), Đức Phật tổ Thích Ca (Đạo Phật) và Tổ Đạo Lý Lão quân (Đạo Giáo). Bạn sẽ phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tự nhiên của Động Nhị Thanh. Những dải nhũ đá rủ xuống khiến ta liên tưởng như đang lạc vào một mê cung. Chạy dọc theo động là dòng suối Ngọc Tuyên, nước xanh biêng biếc, phần đọng lại trước cửa động tạo thành Ao Nhất Bình thơ mộng.
Ở giữa hang có một khoảng đất rộng gọi là "sân khấu", có ánh sáng từ cửa Thông Thiên rọi chiếu thật huyền ảo. Tại "sân khấu" này, Ngô Thì Sĩ đã từng mở tiệc thết đãi và thưởng thức các chương trình thơ ca, đàn hát…
Nơi đây còn lưu giữ nhiều bút tích của Ngô Thì Sỹ trên các văn bia, các bức đại tự, vòm động… Ngay vòm cửa động còn lưu giữ một bức hoạ vẽ Ngô Thì Sỹ uy nghi, trang trọng. Bức hoạ là ước vọng của ông được muôn thuở hoà vào hang núi để tiêu dao. Xúc động trước những tình cảm đó, nhân dân lập bàn thờ ông ở đây và gọi là Di Ái Đường.
Tại cửa sau của Nhị Thanh, bạn sẽ nhìn thấy Tam Thanh, Chùa Tam Thanh (Thanh Tiên tự). Ngôi chùa này được lập vào khoảng thế kỷ 16, 17 để thờ Phật. Tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý. Đặc sắc nhất là bức tượng phù điêu A Di Đà được tạc vào vách núi có niên đại từ thế kỷ 17, đây là một kiệt tác nghệ thuật chứa đựng những giá trị lịch sử và thẩm mỹ sâu sắc.
Chùa Tam Thanh nằm trong Động Tam Thanh. Động có vòm cao, rộng. Đi sâu vào trong động đến khu vực "sân khấu" sẽ có hai cửa thông thiên. Ánh sáng từ hai cửa này soi rọi vào động làm cho những nhũ đá ngời lên đẹp lạ thường. Trong hang còn có nhiều hình đá mà thiên nhiên ban tạo thật kỳ diệu.
Đi hết cửa thông thiên của Động Tam Thanh, chúng ta sẽ đến Lầu Vọng Thị. Từ đây nhìn chếch về phía Đông Bắc, du khách sẽ được thấy hòn Vọng Phu Nàng Tô Thị. Song song với nàng Tô Thị là Thành nhà Mạc cổ kính, rêu phong- một kiến trúc thời phong kiến VN thế kỷ 16.
Có thể nói du khách đến với Xứ Lạng không thể không đến Nhị, Tam Thanh Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng. Du khách sẽ thấy mình như được tĩnh lòng hơn để nhớ về một giai đoạn lịch sử, thủa khai sơn của cha ông ta và sẽ càng thêm hiểu, thêm yêu Xứ Lạng.
Tác giả bài viết: Lệ Giang
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự