Bánh Ngải

Thứ năm - 22/01/2009 18:51
Theo tục lệ cổ truyền, hằng năm, người Nùng nô nức kéo nhau lên nương để tìm những mầm ngải non có lông trắng tuyết đem về làm thành những chiếc bánh lá ngải, trước là cúng tổ tiên sau là cả gia đình cùng thưởng thức. Lá ngải được rửa sạch, đun trong nước tro bếp từ 2 đến 3 giờ. Để có nước tro tốt, người ta chọn tro sạch, chuẩn nhất là tro tre nứa, hoặc tro vỏ đậu xanh. Tro sạch được lèn vào rá tre, để rá trên chậu tạo khoảng cách cho nước từ rá chảy xuống. Người ta đổ nước từ từ vào tro cho ngấm dần rồi chảy xuống chậu. Nước tro lúc đầu đặc có màu cà phê, sau loãng dần.

Lá ngải đun trong nước tro rất chóng nhừ. Sau khi đun nhừ, đổ lá ngải ra rá, rửa nhiều lần cho sạch nước tro, nhặt bỏ sơ (gân lá, cuống lá già) rồi nặn thành từng cục to bằng nắm tay. Xôi đồ chín được giã đều trong cối đá hoặc cối gỗ cùng với những nắm lá ngải. Khi đã nhuyễn, người ta dùng tay vắt thành những chiếc bánh nhỏ dẹt, hình tròn với đường kính khoảng 3-6 cm. Nhân bánh được làm từ vừng đen rang chín giã nhỏ trộn với mật mía. Để những chiếc bánh lá ngải không dính vào nhau, người Nùng dùng một loại lá riêng để gói, đó là lá "mác rạng" (lá của cây trứng gà). Lá "mác rạng" bánh tẻ rất thích hợp để gói bánh lá ngải vì nó tươi lâu, dai, giữ bánh mềm và không bị khô. Bánh lá ngải có màu xanh đen được người Nùng cúng và ăn vào dịp đầu năm.

 

Tác giả bài viết: Lệ Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây