Trên mỗi nẻo đường xứ Lạng, ngắm đào phai, uống rượu núi Mẫu, nghe đàn Tính và điệu Then tình tứ, tôi cảm nhận rõ nét hồn nhiên, yêu ca hát, sống hài hòa với thiên nhiên… thể hiện trong nghệ thuật thẩm mỹ, ước mơ và đời sống hàng ngày của người Tày - văn hóa Tày ở xứ Lạng - xứ Thơ - xứ Say. Mới hay mùa xuân lên xứ Lạng, ai cũng say người, say cảnh, “mải vui quên hết lời em dặn dò” là thế.
Thuở Ngô Thì Sĩ lên làm quan, chẳng rõ xứ Lạng đã có bầu rượu nắm nem chưa mà ông đã say người say cảnh, mê người con gái Tày xinh đẹp hồn hậu mà nên vợ nên chồng, chẳng màng công danh phú quý. Vợ mất, ông thương nhớ khôn nguôi, rồi theo đạo Lão, tu tiên, thả hồn với non xanh nước biếc Kỳ Cùng, vịnh tám cảnh đẹp nổi tiếng của xứ Lạng, nhất là động Tam Thanh, Nhị Thanh, Song Tiên…
Hồn thơ thi sĩ dòng dõi Ngô Thì danh giá của quê hương Tả Thanh Oai đã thực sự thăng hoa trên mảnh đất đầy chất thơ. Và hôm nay, đứng bên gốc đào phai cổ, đẹp mê hồn trước cửa động, ngắm thần thái khuôn mặt ông trên vách đá do ông tự tạc, xem bàn cờ tiên, lại càng thấm thía cốt cách thanh tao của thi sĩ - nho sĩ khi quan trường đã nhũng loạn. Có ai hình dung hết bao đêm ông uống rượu một mình, đau nỗi đau nhân thế để biết thương dân lành thiếu đói, khuyến khích dân khẩn hoang, xin triều đình giảm nhẹ tô thuế cho dân nên được dân kính trọng, nhớ ơn.
Tạm biệt xứ Lạng, về Hà Nội ngắm đào phai ở chợ hoa, vẫn thấy thiếu cái hồn của hoa đào trên núi. Các nhà trồng đào đã công phu tạo thế cho những cây đào phai cao gần 2 mét, bứng cả gốc, đem đến chợ hoa Hàng Lược, Hàng Đậu và chợ hoa ở các cửa ô bày bán, ai mê thì ôm cả bầu về trồng trước cửa nhà. Đào phai “xuống núi” chung sống với người dưới xuôi đã lâu lắm rồi, và bên cạnh bích đào đỏ thắm, đào phai xum xuê hoa lá ngày càng được mọi người yêu thích.
Vài năm gần đây, người ta chở cả những cành đào phai cao 3-4 mét tìm kiếm trong rừng về bày bán trên chợ hoa trên đê Yên Phụ. Ngắm nhìn những cành đào phai với vẻ đẹp thanh tao vẫn tràn đầy sức sống, không lai tạp, tạo dáng, tôi vừa rưng rưng xúc động, lại vừa thấy xót lòng khi đào phai của núi rừng bị khai thác, trở thành hàng hóa.
Đã mất đi một làng hoa Ngọc Hà, một chốn đào tổ Nhật Tân; cây đào phải trồng ở ngoài ruộng bãi với bao ngậm ngùi… nhưng tết đến xuân về không thể thiếu hoa đào. Đào Thường Tín, đào Bắc Ninh cũng về chợ hoa Hà Nội, đủ cả đào bích, đào phai… Nhưng đào phai chỉ thật đẹp khi nó giản dị, hòa sắc với núi rừng, cũng như đào bích chỉ thật thắm sắc khi nó đơm hoa trên đất Nhật Tân. Chợt thèm trở lại xứ Lạng để thưởng thức đào phai giữa thiên nhiên tươi đẹp.
Tác giả bài viết: Phạm Kim Thanh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự