Măng phải chọn thứ măng mai hoặc măng nứa, củ to. mập, thái miếng to bản vừa ăn. Ớt là loại ớt nhỏ, cay, có thể để nguyên cả quả để ngâm. Lọ măng ớt ngâm giấm là cả một tác phẩm nghệ thuật, với hương vị đặc trưng chỉ ở Lạng Sơn mới có.
Trên bàn ăn mà người xứ Lạng dùng để đãi các du khách từ phương xa đến, bên cạnh đĩa phở truyền thống, đĩa vịt quay vàng rộm, luôn có thêm món măng chua, mắc mật đựng trong những chiếc bát sứ nho nhỏ trắng tinh trông như những bông hoa rừng. Mầu trắng ngà của măng tre, măng nứa, quyện trong mầu đỏ của ớt, cùng những quả mắc mật mầu nâu óng ánh như mời chào thực khách.
So với món măng ngâm của nhiều vùng quê khác thì món măng chua, mắc mật Lạng Sơn ngoài vị chua chua, ngòn ngọt của măng ngâm chín tới còn có vị cay dìu dịu vừa thơm, vừa nồng, phảng phất mùi vị hoa quế, hoa hồi của quả mắc mật chỉ mọc được ở vùng núi đá Lạng Sơn này mà thôi. Sự đan quyện giữa chua, cay, ngọt, mặn cùng hương thơm của các loại nguyên liệu có trong món ăn này làm dịu đi cảm giác béo ngậy của những món ăn nhiều đạm, nhiều mỡ,... tôn thêm sức hấp dẫn của món vịt quay nổi tiếng ở vùng biên giới.
Trong cái lành lạnh của đêm cuối thu vùng núi cao, ngồi bên bếp than hồng, uống rượu men lá hoặc rượu cần Lạng Sơn với món vịt quay béo vàng, điểm chút măng chua, mắc mật, cảm nhận vị béo của thịt hòa lẫn trong vị chua, cay của măng, của ớt, của quả mắc mật, lắng nghe tiếng hát then, tiếng mưa rơi tí tách ngoài cửa sổ, khiến cho chén rượu cứ vơi lại đầy.
Cái cảm giác như thực, như mơ ấy đã làm cho biết bao nhiêu khách du lịch, nhất là khách du lịch ngoại quốc khi rời khỏi nơi đây đều tìm mua bằng được vài lọ măng chua, mắc mật về để biếu bạn bè, người thân để họ, có dịp thưởng thức hương vị lạ của đặc sản vùng quê xứ Lạng...
Nguồn tin: theo TTVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự