Ải Chi Lăng - vùng đất địa linh nhân kiệt và rực rỡ chiến công ở miền biên ải
phía Bắc của Tổ quốc. Với địa thế hiểm yếu, ải Chi Lăng được coi là bức tường
thành của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh khét
tiếng từ phương Bắc tràn sang.
Chi Lăng là ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ chạy dài gần 20km, rộng 3km nối
liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Ải Chi Lăng là thắng
cảnh được bao bọc bởi dãy núi đá Kai Kinh ở phía tây và dãy núi Bảo Ðài ở phía
đông. Hai đầu ải có những ngọn núi đá độc lập, cao chót vót tạo thành thế hiểm.
Lịch sử oai hùng của Chi Lăng gắn liền với những hoạt động của các nhà quân sự
thiên tài như Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và những thủ lĩnh tài năng của xứ
Lạng: Phò mã Thân Cảnh Phúc, Thế Lộc, Hoàng Ðại Huề...
Ngược dòng lịch sử xa xăm, con người còn để lại ở Chi Lăng những vết tích của
nền văn hóa Bắc Sơn - Mai Pha nổi tiếng với những hang động đẹp như trong huyền
thoại và những rìu đá, mảnh gốm... minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền
sử của con người sinh sống ở nước ta.
Vào những năm trước và sau công nguyên, ải Chi Lăng đã gắn liền với sự nghiệp
dựng nước và giữ nước của dân tộc, đấu tranh chống các triều đại phong kiến
Trung Quốc xâm lược. Thế kỷ 14, tể tướng nhà Trần là Phạm Sư Mạnh khi cưỡi ngựa
qua biên ải đã hạ một câu thơ bất hủ: "Chi Lăng ải hiểm tựa lên
trời".
Năm 1077, phụ quốc Thái uý Lý Thường Kiệt đi thân hành về Chi Lăng gặp phò mã
Thân Cảnh Phúc bàn bạc việc binh. Với chiến tuyến Quyết Lý và Giáp Khẩu (Chi
Lăng), Thân Cảnh Phúc và quân dân xứ Lạng đã góp sức đánh tan bọn xâm lược Tống
lần thứ hai.
Thế kỷ 13, cả thế giới kinh hoàng trước vó ngựa của đế quốc Nguyên Mông. Tuy
nhiên, năm 1284, khi cánh quân Nguyên qua ải Chi Lăng đã bị quân ta chặn đánh
kịch liệt và tướng Nguyên là Nghê Nhuận bị giết chết tại chỗ. Chính Hưng Ðạo
Ðại vương Trần Quốc Tuấn đã thể hiện thiên tài quân sự của ông ở đây: bằng hố
bẫy ngựa, phục binh của ta từ dưới hố dùng mã tấu phạt đứt chân ngựa, tách bọn
Nguyên Mông thiện chiến ra khỏi ngựa mà tiêu diệt chúng...
Thế kỷ 15, ải Chi Lăng lại ghi vào lịch sử Việt Nam một trang chói lọi, đó là
chiến thắng 1427, giết chết Nguyên soái An Viễn hầu Liễu Thăng - chủ tướng của
giặc cùng 1 vạn quân Minh, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng
chiến chống quân Minh, giải phóng đất nước. Thế kỷ 18, dưới thời Hoàng đế Quang
Trung - một nhà quân sự thiên tài, Chi Lăng lại một lần nữa cùng quân dân cả
nước đánh tan tành quân xâm lược nhà Thanh... Vào các thế kỷ 19 và 20, ải Chi
Lăng lại chứng kiến những chiến công đánh Pháp, đuổi Nhật của quân dân ta.
Ải Chi Lăng đã được nhiều quan khách quốc tế, các nguyên thủ quốc gia, các
tướng lĩnh, nhà sử học, khách du lịch... đến thăm với một sự trân trọng đặc
biệt. Slôvắcxốc - nhà dân tộc học nổi tiếng Tiệp Khắc trước đây trong chuyến đi
thăm ải Chi Lăng đã từng đánh giá: "Có lẽ đây là chiến luỹ hình thang độc
nhất trên thế giới, nó thể hiện đầu óc thông minh và tài trí quân sự tuyệt vời
của một dân tộc luôn phải chống trả với một đội quân xâm lược mạnh hơn mình gấp
trăm lần trong quá trình lâu dài dựng nước và giữ nước. Thể hiện một tầm nhìn
chiến lược nổi tiếng: "Lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh".
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự