Dự án Nội trú dân nuôi: Sáng lên niềm tin cho học sinh Công Sơn

Thứ tư - 09/09/2009 09:20
Hòa chung vào không khí vui tươi, phấn khởi trong ngày lễ tựu trường, các em học sinh của trường PTCS Công Sơn (Cao Lộc) đón năm học mới với lễ khai giảng giản dị. Không bóng bay, không quần áo mới, các em đến trường trong sự cố gắng của cha me, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Đặc biệt được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, dự án Nội trú dân nuôi năm nay bắt đầu được triển khai, và đây là một tín hiệu vui cho giáo dục ở Công Sơn.
Bất cứ ai đã từng một lần được đến xã Công Sơn thì không thể quên con đường dẫn lên trung tâm xã. Chỉ cách trung tâm huyện hơn 10km, nhưng đường vào Công Sơn rất khó khăn, đi xe máy cũng phải mất hàng giờ đồng hồ mới đến được. Nói một cách cụ thể, bà con người Dao nơi đây còn rất nghèo, nguyên nhân nghèo thì có nhiều, nhưng dám chắc, một phần cũng là do con đường.

Với tỷ lệ nghèo gần 136/232 hộ (58%), hầu hết là bà con người Dao, Công Sơn là một trong những xã nghèo nhất, nhì huyện Cao Lộc, và có thể là nhất, nhì của tỉnh. Cùng nằm trong hệ thống giáo dục của tỉnh, nhưng trường PTCS Công Sơn đem so sánh với những trường ở thành phố thì còn một khoảng cách rất xa về cơ sở vật chất. Trường PTCS Công Sơn là 1 trong 4 trường trên địa bàn huyện Cao Lộc vẫn tồn tại song song 3 cấp học (THCS, tiểu học, mẫu giáo). Nhiều cấp cũng đồng nghĩa với nhiều khó khăn, và ở đây vẫn tồn tại hệ thống lớp học ghép không chỉ 2 cấp, mà có cả lớp ghép 3 cấp.         

Dọc đường vào xã, chúng tôi chứng kiến một số phụ huynh đang đưa con đến trường dự lễ khai giảng năm học mới. Nhìn những đôi chân trần trai sần vì đi bộ, chúng tôi càng thấu hiểu, để các con có thể đến được trường là cả một sự nỗ lực của cha mẹ các em. Trao đổi về vấn đề giáo dục trên địa bàn xã, ông Triệu Sáng Suẩn, Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn cho biết: Do kinh tế còn khó khăn nên giáo dục xã nhà cũng ảnh hưởng rất nhiều. Trước kia, các em học sinh nếu có đi học thì một buổi đi học, một buổi về đi làm giúp bố mẹ, điều này khiến chất lượng giáo dục không thể nâng lên được. Đặc biệt do địa hình vùng cao, thôn bản cách trường học xa, chính điều này khiến việc học của các em gặp nhiều trở ngại. Cùng đó, cơ sở trường lớp ở các phân trường xuống cấp nghiêm trọng, có nơi còn phải mượn nhà dân để các em học, điều này khiến các em cũng lười lên lớp…

Điều ông Suẩn nói được chứng minh ngay bằng con số cụ thể: năm học 2008 – 2009, lớp 6 ở trường chỉ có 6 học sinh, vì ở độ tuổi này, các em phải ở nhà giúp đỡ gia đình. Tuy nhiên, bước vào năm học 2009 – 2010, sự học ở Công Sơn đã thay đổi hoàn toàn. Ví như khối lớp 6, năm nay đã có 22 em học sinh đến lớp, huy động các em lớp 5 ra trường chính học được 22 em, lớp 4 là 33 em, đặc biệt là mở được một lớp 8 bổ túc với 30 em. Số học sinh này đối với bất kỳ một trường nào của thành phố chắc chắn là chuyện nhỏ. Nhưng để đạt được số lượng học sinh đến lớn như trên, đó là sự cố gắng hết sức của tập thể cán bộ giáo viên toàn trường, cũng như sự quyết tâm của chính quyền địa phương, cùng nhau tuyên truyền, quyết tâm đưa trẻ đến trường. Đặc biệt, đề án Nội trú dân nuôi đã được triển khai tại trường chính là “đòn bẩy” giúp trường PTCS Công Sơn “kéo” trẻ đến trường.  

Trao đổi, ông Hoàng Tuynh, quyền Hiệu trưởng trường PTCS Công Sơn cho biết: “Trường có 1 điểm trường chính và 8 phân trường, có nhiều lớp ở phân trường năm trước vẫn phải học ghép 3 cấp. Cùng đó, do tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương còn cao, nên toàn trường vẫn còn trên 280 em học sinh thuộc diện hộ nghèo. Nói vậy để thấy rằng, hệ thống giáo dục ở Công Sơn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với dự án Nội trú Dân nuôi, trường PTCS Công Sơn ban đầu được đầu tư 1 dãy nhà nội trú, với 4 phòng, mỗi phòng có đều có hệ thống giường tầng để các em ở. Chính điều này đã giúp nhà trường có điều kiện động viên phụ huynh yên tâm cho con đến trường”. Theo ông Tuynh, mỗi em học sinh ở nội trú tại trường, ngoài việc được các giáo viên quan tâm giúp đỡ nhiều hơn trong việc học, mỗi em sẽ được Nhà nước hỗ trợ 140.000đ/em/tháng, ngoài ra huyện Cao Lộc hỗ trợ 7kg gạo/em/tháng. Và với dự án này, các em học sinh lớp 4, lớp 5 đã có điều kiện học tập trung. Trong môi trường tập trung, các em sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, được giao lưu, hoạt động nhiều hơn.

Dự án Nội trú Dân nuôi được triển khai tại địa phương khó khăn như xã Công Sơn không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho các gia đình có trẻ đi học, mà còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng khó khăn. Có thể nói rằng, dự án này đã thắp sáng lên niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho các em học sinh vùng 3, vùng khó khăn.

Nguồn tin: baolangson

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây