Vừa
kết thúc một mùa thu hoạch, vợ chồng anh chị lại cần mẫn phát cỏ, tỉa cành,
chăm sóc rừng cây. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng nụ cười tươi roi rói, anh
Lành khoe với chúng tôi: Gia đình anh tham gia dự án trồng rừng từ năm 1999, 3
năm nay, rừng hồi đã cho thu hoạch, vụ vừa rồi được hơn 1tạ, anh chị có trên 2 triệu
đồng để dành dụm. Với người thành thị, số tiền này chẳng đáng là bao nhưng với
người dân vùng sâu như anh Lành, nó là nguồn góp thêm để anh có điều kiện sắm
sửa các vật dụng gia đình, vật tư nông nghiệp.
Cũng
như anh Lành, gia đình ông Nông Văn Gia ở thôn Nà Tàn trồng 250 cây hồi theo dự
án của Hội Chữ thập đỏ, nhờ được áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên cả rừng
cây nhà ông đều phát triển tốt, 3 năm nay, vụ nào cũng cho thu hoạch trên 2 tạ.
Theo ông Gia, cây hồi phù hợp với điều kiện đất đai ở Thiện Hoà, thêm vào đó,
người dân nơi đây lại chịu khó, cần mẫn trong khâu chăm sóc, bảo vệ rừng, mặc
dù thời gian qua, giá hồi bấp bênh song với sự cần cù, kiên trì ấy, những cánh
rừng hồi ở Thiện Hoà vẫn vươn lên tươi tốt, lấp dần những khoảng đất trống, đồi
trọc.
Là
một trong 3 xã thực hiện dự án trồng hồi thay thế cây thuốc phiện do Hội Chữ
thập đỏ Lạng Sơn triển khai, Thiện Hoà có tới hơn 500 hộ dân thuộc 9/10 thôn
của xã tham gia dự án. Ông Lý Xuân Trường, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Người dân
Thiện Hoà chủ yếu là dân tộc Nùng và Dao, trước kia, bà con hầu như chỉ biết
đến trồng lúa, trồng ngô, đốt rừng làm nương chứ chưa mấy ai nghĩ đến trồng
rừng. Tham gia dự án trồng cây hồi, người dân được cấp cây giống miễn phí, được
hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nên nhiều hộ hăng hái tham gia.
Đến nay, dự án đã góp phần nâng độ che phủ ở Thiện Hoà từ 45% lên 70%. Với giá hồi
tươi 15 ngàn đồng/kg như vụ vừa rồi, nhiều hộ cũng có thêm một nguồn thu nhập
để cải thiện đời sống.
Dự
án trồng cây hồi bắt đầu được triển khai tại Hoà Bình, Thiện Long và Thiện Hoà,
huyện Bình Gia năm 1999 với số vốn đầu tư 252 triệu đồng. Theo đó, hơn 300.000
cây hồi đã được cấp cho hơn 1.000 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số của cả 3
xã. Trong 6 tháng đầu của dự án, 63 cuộc tập huấn đã được tổ chức đến tận thôn,
bản để cung cấp cho người dân kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo vệ
rừng. Và gần 10 năm qua, từ những kiến thức và kỹ năng được trang bị, người dân
nơi đây đã tạo dựng nên những cánh rừng xanh ngút trên diện tích mà xưa kia vốn
là đất trống, đồi trọc hoặc rừng tạp. Bà Lương Thị Mỹ An, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập
đỏ tỉnh cho biết: Cái đích mà dự án hướng tới chính là góp phần nâng cao ý thức
bảo vệ rừng cho người dân, đồng thời tạo điều kiện để họ cải thiện đời sống từ
chính việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Qua
hơn 10 năm thực hiện, dự án trồng cây hồi đã góp phần phủ xanh đất trống, đồi
trọc trên mảnh đất Thiện Hoà song cũng như nhiều hộ dân tham gia dự án ở Hoà
Bình và Thiện Long, thu nhập từ rừng của người dân Thiện Hoà vẫn chưa ổn định
khi mà giá hồi thường bấp bênh. Chia tay chúng tôi, Anh nông dân Hứa Văn Lành
bộc bạch: Nếu có một đầu ra ổn định cho sản phẩm thì chắc chắn những rừng hồi ở
Thiện Hoà sẽ đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều gia đình.
Nguồn tin: baolangson
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự