“Khai
tử” những cánh rừng
Chúng tôi về Đình Lập đúng vào lúc hoàn
lưu của cơn bão số 7 gây mưa lớn trên diện rộng, Quốc lộ 4B đang được tu sửa,
nhiều đoạn đường trắng xoá nước, từng vũng lầy tưởng chừng như muốn nuốt chửng
cả chiếc xe chuyên dụng chống lầy. Thế nhưng, lời thôi thúc từ những lá thư,
những cú điện thoại của người dân chưa một lần gặp như giục chúng tôi vượt mưa
vào nơi mà người dân cho là đang diễn ra một cơn bão còn nguy hại hơn cơn bão
số 7. Đó là nạn khai thác, chặt trộm gỗ rừng thông, hàng trăm “lâm tặc” từ
nhiều nơi đổ về mang theo cả trâu kéo gỗ...
Mặc dù là ngày nghỉ, nhưng anh Lê
Gia Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đình Lập nghe tin có đoàn nhà báo vào tìm
hiểu nạn trộm gỗ vẫn nán lại trụ sở để tiếp đón chúng tôi. Có lẽ, từ khi rộ lên
nạn chặt trộm gỗ thông, Công ty Lâm nghiệp luôn được nhắc tới vì nơi đây là tâm
điểm của nghề rừng. Giấu vẻ mệt mỏi, anh Thái cho biết, nếu “lâm tặc” cứ khai
thác theo kiểu này thì chỉ 1 năm nữa sẽ chẳng còn cây thông nào.
Vì nạn khai
thác, chặt trộm gỗ thông ở Đình Lập chủ yếu nhằm vào rừng của Công ty Lâm
nghiệp Đình Lập. Từ trộm cắp gỗ đã xoá sổ hàng trăm cánh rừng với hàng ngàn mét
khối gỗ thông. Nạn chặt trộm gỗ bắt đầu lác đác xuất hiện từ năm 2005, thời
gian gần đây, khi gỗ thông trên thị trường ngày càng được giá, thì nạn chặt
trộm gỗ càng nghiêm trọng.
Việc trộm gỗ nay đã lan ra diện rộng, các xã xa
trung tâm như Bính Xá, Cường Lợi... Phong trào chặt trộm gỗ diễn ra ở Đình Lập
đã thực sự trở thành cao trào, bất chấp cả các lực lượng chức năng. Theo thống
kê của lực lượng bảo vệ Công ty Lâm nghiệp Đình Lập, có những ngày hàng ngàn
người dân đổ vào rừng để chặt trộm gỗ, không chỉ người dân địa phương mà một số
chủ đầu nậu còn thuê cả dân các huyện lân cận như Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng
Ninh, huyện Sơn Động thuộc tỉnh Bắc Giang mang theo trâu kéo gỗ sang khai thác.
Có lúc giá của trâu kéo gỗ tại Đình Lập tăng đến 22 triệu đồng 1 con. Trong khi
đó lực lượng bảo vệ rừng gồm Công an, Kiểm lâm, Đội bảo vệ Công ty quá mỏng
không đủ sức ngăn những “lâm tặc” áo nâu. Vào những ngày đầu tháng 9, “lâm tặc”
ngang nhiên dùng cưa máy cưa gỗ thông cách trụ sở Công ty vài trăm mét. Khi lực
lượng bảo vệ đến hiện trường sót lại trên 800 cây gỗ bị cắt ngang thân. Nhiều
cánh rừng thông thực nghiệm của Công ty đã bị xoá sổ hoàn toàn.
Chỉ
trong một thời gian ngắn, các xã trên tuyến quốc lộ 4B, 31, và sát các huyện
giáp ranh đã mọc lên trên 50 điểm thu gom gỗ. Đưa chúng tôi đi kiểm tra các lô
rừng bị phá tại thôn Kéo Khuế, xã Đình Lập, anh Vũ Văn Dũng cán bộ Công ty xót
xa trước những cánh rừng bị tàn phá. Theo anh Dũng, đây là lô rừng thực nghiệm
mà tất cả các đoàn tham quan đều được đưa đến đây, nhưng giờ đây trước ống kính
máy ảnh của tôi nó chỉ còn xơ xác vài cây thông chơ vơ như những cái đinh khổng
lồ trên đất.
Khai thác trộm gỗ bừa bãi, “lâm tặc”
chặt luôn cả những rừng thông của các gia đình đã được giao khoanh nuôi bảo vệ,
như hộ bà Lại Thị Tần thôn Kéo Khuế xã Đình Lập, ông Nông Trung Dũng, thôn Còn
Phạc xã Bính Xá tố cáo 11 đối tượng dùng cưa máy trộm gỗ gia đình ông khoanh
nuôi... có những khu vực 1 đêm “lâm tặc” chặt đến 2.700 cây thông (khoảng 1000
m3).
Nhiều hộ gia đình phải mua đinh đóng vào cây để ngăn nạn trộm cắp. Cũng
xuất hiện tình trạng chủ gỗ thuê cưa hàng loạt mang tính chất phá hoại, qua
tranh giành việc mua gom gỗ đã có xô sát diễn ra trong dân gây mất an ninh trật
tự. Đi dọc tuyến 4B sang tận Tiên Yên (Quảng Ninh), trên đường chúng tôi liên
tục bắt gặp những con trâu kéo gỗ thản nhiên gặm cỏ, và rất có thể ngày mai nó
lại vào rừng kéo gỗ ăn trộm. Cũng bắt gặp hàng chục điểm thu gom gỗ được quây
kín bạt, và những cánh rừng thì cứ ngày một xác xơ.
Để ngăn chặn nạn khai thác gỗ thông trái phép, bảo vệ tài sản của Công ty Lâm
nghiệp Đình Lập và những hộ dân sống bằng nghề rừng, đã đến lúc cần các cơ quan
chức năng và chính quyền có biện pháp kiên quyết hơn để cứu những cánh rừng
thông vốn là thế mạnh của huyện. Đồng thời giữ gìn an ninh trật tự khu vực, tạo
điều kiện cho người dân yên tâm phát triển nghề rừng.
Nguồn tin: baolangson
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự