Những
cơn mưa trong tháng 9 chỉ tạm thời xua đi cơn khát của đồng ruộng. Không có mưa
từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, người dân đang phải gồng mình chống chọi với hạn
hán. Đi thực tế ở Văn Lãng, chúng tôi nhận thấy hạn cuối vụ đang dần trở nên
gay gắt và đe dọa đến diện tích lúa mùa đang trong thời kỳ trổ bông của địa
phương. Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phụ trách thủy lợi cho
biết: Không chỉ ở Văn Lãng mà trong vòng khoảng 1 tuần trở lại đây hạn hán đã
xuất hiện ở tất cả các địa phương trong toàn tỉnh, tuy chưa có con số thống kê
cụ thể, nhưng theo ước tính đang có khoảng 5% tổng diện tích gieo trồng vụ đang
bị hạn gay gắt. Một con số không nhỏ. Và điều nguy hiểm là hạn vào lúc cây lúa
đang thời kỳ trổ bông, sẽ ảnh trực tiếp đến năng suất.
Trước tình hình đó, Sở NN&PTNT đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tình hình tại
các địa phương, đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê cụ thể
diện tích bị hạn hán và tập trung chống hạn bằng mọi cách; Công ty quản lý và
khai thác các công trình thủy lợi huy động toàn bộ lực lượng kiểm tra và chống
hạn; ở các địa phương kịp thời hỗ trợ kinh phí, các đoàn thể động viên nhân dân
để công tác chống hạn đạt hiệu quả cao. Cùng với đó là điều tiết nước một cách
hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên cho những nơi bị hạn gay gắt. Ngay trong tháng 9, Sở
NN&PTNT cũng đã có văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa các
công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới cho các diện tích cây trồng; tích cực
tích nước trong các hồ chứa…Ông Hoan phân tích: Lượng mưa năm nay thấp hơn so
với mọi năm, thêm vào đó là nguồn sinh thủy ngày càng ít, sông suối cạn kiệt,
và nếu tiếp tục không có mưa thì không chỉ hạn hán cuối vụ mùa mà vụ sản xuất
đông xuân 2009-2010 cũng rất khó khăn. Cùng với đó là nhiều công trình thủy lợi
đã và đang xuống cấp và công tác quản lý, sử dụng công trình thủy lợi ở một số địa
phương vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến thất thoát nước.
Là một tỉnh miền núi, biên giới, còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua,
được sự quan tâm của nhà nước, Lạng Sơn đã có hệ thống thủy lợi tương đối đồ sộ
với hàng ngàn công trình thủy lợi lớn nhỏ và theo báo cáo thì hệ thống thủy lợi
này có thể đảm bảo tưới cho 26.881 ha lúa mùa, một con số ấn tượng, chiếm
khoảng 80% diện tích lúa mùa của toàn tỉnh. Thế nhưng trên thực tế, theo ông
Hoan, trong điều kiện các công trình thủy lợi phát huy hết năng lực tưới, con
số này chỉ dừng lại ở mức 58-60%. Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng nhận thấy một
thực trạng là hầu hết người dân ở các địa phương, những người được hưởng lợi từ
công trình thủy lợi ý thức quản lý và sử dụng công trình còn yếu; thêm vào đó,
đội ngũ cán bộ thủy lợi cũng còn nhiều bất cập. Một ví dụ là ở tuyến mương Tân
Lang (Văn Lãng), người dân ở đầu nguồn tự ý ngăn mương tháo nước về đồng ruộng,
đẫn đến khô hạn ở cuối nguồn. Các hồ đập có tác dụng tích nước để chống hạn,
nhưng có thực tế là khi trời mưa, không cần chống hạn thì các hồ đầy nước, đến
lúc hạn thì hồ chứa gần như hết nước, điều này cũng đặt ra một câu hỏi đối với
công tác quản lý hồ đập, điều tiết nước tưới tiêu. Một yếu tố nữa là việc
chuyển đổi cây trồng, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ cho phù hợp với địa phương để
đối phó hạn hán còn chậm, hầu hết qua trình này chỉ diễn ra tích cực ở một số địa
phương có truyền thống như Bắc Sơn, Hữu Lũng…Thiết nghĩ nếu giải quyết được
đồng bộ những vấn đề này song song với việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ
thống thủy lợi thì mới có thể giải quyết lâu dài vấn đề hạn hán. Và trong khi
chờ đợi các giải pháp lâu dài đó được thực thi, người nông dân vẫn đang phải
gồng mình chống hạn, một thực tế hiển nhiên là mặc dù có nhiều công trình thủy
lợi, nhưng sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào thời
tiết.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự