Có một tích kể về sự ra đời của tên gọi Kỳ Lừa như sau: Ở khu phố này có một con lừa rất kỳ lạ. Hàng ngày con lừa được chủ thả đi ăn cỏ thì nó tự biết bơi qua sông Kỳ Cùng tìm sang núi Kỳ Cấp để ăn cỏ non. Đến tối, con lừa tự biết bơi qua sông và tìm về chuồng ( có người cho rằng con Lừa kỳ lạ trên là của Mạc Đĩnh Chi). Dân chúng khắp nơi thấy lạ kháo nhau đến xem con lừa kỳ lạ rất đông. Và cái tên Kỳ Lừa cũng ra đời từ đó…
Hay cũng có ý kiến cho rằng, từ Khau là Đồi, Lừ là Lừa. Vậy, Khau Lừ là “Đồi Lừa”. Bởi nơi đây, xưa kia có những đồi cỏ lúp xúp làm bãi chăn thả lừa, ngựa nên gọi là Khau Lừ. Về sau mọi người đọc chệch đi là Kỳ Lừa…
Mặc dù những tích trên chưa có cứ liệu để khảo cứu, song có một thực tế, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử thì khu vực Kỳ Lừa vẫn được coi là trung tâm của thành phố Lạng Sơn. Tại đền Tả Phủ ở vị trí trung tâm của phố chợ Kỳ Lừa, hàng năm từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng, thường diễn ra một lễ hội được coi là lớn nhất của tỉnh Lạng Sơn - Lễ hội Đầu pháo.
Đây là nét văn hoá độc đáo, đặc trưng cho vùng đất biên ải; là hoạt động tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân tới vị thần Tả Đô đốc Hán Quận Công Thân Công Tài (thời Hậu Lê), người đã có công khai lập ra phố chợ Kỳ Lừa để làm nơi giao thương buôn bán, tấp nập đông vui, thúc đẩy nền kinh tế - văn hoá - xã hội của địa phương thêm phát triển. Từ đây, các thế hệ kế tiếp mới có điều kiện mở rộng và trở thành đô hội như ngày nay.
Cứ đến ngày hội, thanh niên nam, nữ các dân tộc từ các bản làng xa xôi hẻo lánh lại rủ nhau về vui hội. Trong sắc chàm bình dị, họ trao cho nhau những câu hát sli, lượn ngọt ngào tình yêu xứ sở. Và tại khu vực chợ Kỳ Lừa, dọc các dãy phố bày bán nhiều thứ hàng hoá; đặc biệt là hàng ăn uống với những món ăn đặc trưng của quê hương Xứ Lạng. Ngoài ra, trong ngày vui hội còn có các trò vui như múa sư tử, múa rồng, múa võ dân tộc, ném còn…
Trên đây là vài nét điểm qua về quang cảnh và những sinh hoạt tiêu biểu tại phố chợ Kỳ Lừa xưa. Còn hiện nay, phố chợ Kỳ Lừa nằm trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ (TP Lạng Sơn). Tên phường Hoàng Văn Thụ hôm nay được đặt là để lưu niệm bước chân hoạt động cách mạng tại ngôi nhà số 8 Chính Cai của đồng chí Hoàng Văn Thụ người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Lạng Sơn.
Diện mạo của phố Kỳ Lừa đã thay đổi nhiều. Những ngôi nhà cao tầng, kiên cố đã thay thế những căn nhà cổ, mái ngói âm dương rêu phong… Và du khách đến với Kỳ Lừa hôm nay sẽ biết đến một khu chợ nổi tiếng nhưng đã mang dáng vẻ hiện đại - Chợ đêm Kỳ Lừa. Vào ngày nghỉ cuối tuần, chúng ta sẽ có dịp chứng kiến nhiều đoàn khách đến thăm quan, mua sắm hàng hoá ở chợ. Trong chợ, các mặt hàng rất phong phú, đủ chủng loại. Từ đồ gia dụng thiết yếu cho đến đồ điện tử cao cấp, chẳng thiếu thứ gì; nhưng chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc về. Du khách tha hồ mà lựa chọn theo sở thích của mình…
Có thể nói, phố chợ Kỳ Lừa xưa và nay đã có sự khác biệt trông thấy. Song ý nghĩa văn hoá của địa danh sẽ không bao giờ nhoà đi trong tâm trí của nhiều thế hệ, trong ấn tượng của du khách muôn phương. Mà địa danh mãi là niềm tự tự hào, là biểu tượng văn hoá của mỗi người dân Lạng Sơn hôm nay và mai sau.
Kỳ Lừa đang cùng với các di tích lịch sử văn hoá đặc sắc khác trên địa bàn, góp phần to lớn vào sự khởi sắc của thành phố Lạng Sơn và chắc chắn sẽ là một điểm dừng chân thú vị của du khách khi ghé thăm Xứ Lạng.
Nguồn tin: theo baolangson.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự